Người đầu tiên ra khỏi nóc mây mù

27/10/2010 09:14 GMT+7

Không chỉ được biết đến là chốn trồng sâm mà trong làn mây dày đặc của vùng Ngọc Linh còn biết bao câu chuyện bi tráng. Ví như chuyện liên tục có người chết, chuyện ba nghìn đồng một kilôgam... cát, chuyện người Xê Đăng đầu tiên bước qua mây mù, ra với thế giới văn minh bên ngoài vì sự no ấm, thịnh vượng không chỉ của riêng mình.

Người Xê Đăng gọi làng là nóc. Nhắc đến nóc Măng Tu, nóc Măng Lùng, người ta nghĩ ngay đến chuyện trồng sâm như là cây xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu, cây vàng cây bạc của cư dân ở phía tây núi Ngọc Linh.

Làng trong mây

Sau một ngày nằm chờ tại xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum, chúng tôi mới tìm được người dẫn đường đến các nóc Măng Tu, Măng Lùng xa xôi thuộc địa phận xã Trà Linh, huyện núi cao Nam Trà My, Quảng Nam. Sau bữa cơm lúc tờ mờ sáng, người dẫn đường tên A Phong giục giã lên đường: “Cái chân đi quen mất 4 tiếng, chân đi không quen mất 7 tiếng, đi muộn là phải ngủ dọc đường”.

Sau gần một ngày leo núi, luồn dưới tán rừng già tối om, ẩm ướt, chúng tôi mới nhìn thấy dãy Ngọc Linh thấp thoáng trong mây mù. Không có đường mòn đi tiếp về phía núi, chúng tôi theo A Phong đổi hướng xuống dòng suối Nước Mô lởm chởm đá, xuôi thêm 2km. Mưa xối xả, lại vừa đi vừa sợ ... lũ quét. Chập choạng tối, bụng đói, chân run, chúng tôi mới chạm vào nóc Măng Tu treo bên sườn núi. Năm 2009, nhiều ngôi nhà ở nóc Măng Lùng bị sạt lở, không còn chỗ bằng phẳng để dời nhà nên 17 hộ tách ra, lên sát chân núi Ngọc Linh lập ra nóc mới, đặt tên là Măng Tu.

Ở cái nóc hun hút trong mây mù này, điện và nước là hai thứ được dùng thoải mái, không mất tiền. Vài hộ chung nhau làm một cái máy phát điện ở dưới suối, nước sinh hoạt thì dẫn trên núi về xả 24/24 giờ. Còn lại, tất cả đều thiếu thốn, kể cả gạo ăn. Sau một hồi nhẩm tính, ông Hồ Văn Ngơng - thôn phó thôn 2 - mới nhớ được thôn mình có tất cả 10 nóc ở rải rác quanh núi Ngọc Linh, trong đó có nhiều nóc mấy năm rồi ông chưa đến. Nhưng chuyện gạo ăn thì ông Ngơng rất rành rẽ: “Trên này lạnh quá nên cây lúa không lớn được, mỗi năm bà con mình chỉ làm được một vụ, mỗi hécta thu chừng hai chục bao lúa thôi”. Cây sắn dưới đồng bằng trồng một năm, còn ở Trà Linh phải chờ đến hai năm mới thu hoạch được, khi đó củ sắn lớn bằng... ngón chân cái. Chuyện chăn nuôi cũng không khá hơn, khi mỗi năm có đến vài chục con trâu, bò chết rét.

Từ bao đời nay, người Xê Đăng ở đây chỉ cầu trồng lúa đủ gạo ăn, trồng sắn đủ nấu rượu, nuôi gia súc đủ làm thịt. “Trồng nhiều, nuôi nhiều không bán được, cho không người ta cũng không lấy mà” - ông Ngơng giải thích. Thì ra băng rừng, lội suối gần một ngày đến Ngọc Lây là con đường gần nhất để từ Măng Tu, Măng Lùng đến với thế giới văn minh bên ngoài. Đường khác là đi bộ nửa ngày xuống xã Trà Linh, thêm nửa ngày cuốc bộ đến xã Trà Nam, rồi từ đó bắt xe ôm theo đường Nam Quảng Nam về huyện lỵ Nam Trà My. Măng Tu không có trường, những bà mẹ Xê Đăng sáng sáng cõng con xuống Măng Lùng theo học, chiều lại xuống cõng lên. Chỉ những đứa trẻ lớp 3 trở lên mới tự đi học, nhưng mấy giờ xuống đến lớp cũng được, có khi quá bữa ăn tối chúng vẫn chưa về nhà. Khổ nhất là có người đau ốm phải cấp cứu trên những chiếc võng chạy bộ, không ít cái chết tức tưởi trên đường rừng, như ông Hồ Văn Ngơng ước tính mỗi năm mất cả chục mạng người.

Người đầu tiên ra khỏi làng

A Lượng là người giàu nhất xã Trà Linh, cũng là người đầu tiên của làng Măng Tu vừa làm được một căn nhà gỗ 48 mét vuông theo kiểu nhà người Kinh. Mái lợp tôn, vách thưng ván xẻ từ cây thông nàng, mấy cái cột gỗ xoan đào nhỏ xíu, phòng khách lát gạch, phòng ngủ tráng ximăng. Chỉ có vậy, nhưng A Lượng phải chi ra hơn 300 triệu đồng. Ông chủ trẻ tự hào chi ly: “Thì cát xây 2.000 đồng một cân hoặc 3,6 triệu đồng một khối, ximăng 370.000 đồng một bao, tôn 500.000 đồng một tấm ... Vật liệu đắt là do người ta phải cõng từ dưới đồng bằng, phải leo núi cao, lội suối sâu mới đem lên cho mình được. Riêng công thợ hết đúng 100 triệu đồng, người từ Ngọc Lây qua làm cho mình đó”.

Vật liệu xây dựng là thứ xa xỉ nhất ở Trà Linh, bởi một gói mì tôm ở đây cũng 8 nghìn đồng, một quả trứng vịt 7 nghìn đồng, một gói muối bằng nắm đấm 20 nghìn đồng v.v... Mì tôm, trứng là những thứ cao lương, chỉ có nhà giàu hoặc người đau ốm mới dám ... bồi dưỡng. Măng Tu, Măng Lùng là những làng Xê Đăng không có những cái chợ di động trên chiếc xe hai sọt thường thấy ở vùng cao. Nhưng từ năm 1993, khi mới 21 tuổi, A Lượng đã vượt núi xuống Nam Trà My cõng hàng về bán cho người làng. Anh nhớ lại: “Hồi đó từ xã Trà Nam về huyện Nam Trà My cũng chưa có đường, đi bộ từ Trà Linh xuống huyện mất ba ngày, một tuần hoặc mười ngày mình lại đi một chuyến.

Sau này từ huyện Đắk Tô có đường vào Ngọc Lây, mình lại chuyển hướng đi bộ qua Ngọc Lây mua hàng. Nhà báo đi 7 tiếng, người khác đi 4 tiếng, mình chỉ đi 2 tiếng thôi”. Nhà A Lượng có máy xát gạo, nhưng đến bữa cả nóc Măng Tu vẫn phải giã gạo do mấy tháng nay ông mặt trời không xuống, lúa không khô. Dẫu vậy, chuyện mua máy xát gạo của A Lượng cũng là một kỳ tích. A Lượng kể: “Mình thuê 60 người đàn ông khỏe mạnh khiêng máy xát từ xã Ngọc Lây về, mỗi lượt 20 người khiêng, đi một đoạn lại thay 20 người khác. Ban đêm thì đốt đuốc xà nu rọi đường. Anh em thấy mình mua máy xát thì mừng lắm, khiêng suốt ba ngày, ba đêm liền về Măng Tu”. Với những ý nghĩa đó, A Lượng chính là người đầu tiên ra khỏi xứ mây mù Măng Lùng, Măng Tu để “kết nối” với thế giới bên ngoài dãy Ngọc Linh.

Sâm ... cộng đồng

Sở dĩ A Lượng được nhiều người biết đến là do anh có nhiều sâm nhất trong dãy núi Ngọc Linh, cả phía Kon Tum lẫn Quảng Nam. Người Xê Đăng gọi nó là cây thuốc rừng, thường dùng lúc đau bụng hoặc bị thương, cách dùng phổ biến là ngâm rượu uống, nhai nhỏ đắp vết thương. Sâm mọc dày đặc trên núi Ngọc Linh, mỗi lần đi bẫy thú người ta phải lấy dao phát quang. Đến năm 1972 - 1973, khi các nhà khoa học phát hiện công dụng, gọi là sâm thì người Xê Đăng mới biết cái thuốc rừng rất quý. Cũng từ đó, sâm tự nhiên bị khai thác ngày càng kiệt dần. Cách đây 15 năm, A Lượng lên núi nhổ sâm mọc rải rác, trồng lại thành từng điểm tập trung, những củ sâm nặng cả ký trong vườn A Lượng bây giờ chính là sâm tự nhiên ngày đó. Để mở rộng vườn sâm, lúc đầu A Lượng cắt củ sâm nhân giống, về sau mới biết ươm bằng hạt sâm để tránh lãng phí - một ký sâm loại 5 củ hiện có giá trên 100 triệu đồng.

Theo A Lượng, nhân giống sâm đã khó vì hạt sâm chưa nhiều, nhưng bảo vệ được sâm mới là yếu tố quyết định thành công: “Con chuột ăn củ, con mang ăn lá, con chim ăn hạt bây giờ nhiều lắm, chưa kể những người xấu bụng từ Gia Lai, Kon Tum thường xuyên sang ăn trộm sâm quý của mình”. Ngoài hệ thống bẫy, thò, hầm chông phòng kẻ xấu, vườn sâm của A Lượng lúc nào cũng có 5 người canh giữ 24/24 giờ, 5 ngày thay ca một lần, mỗi hộ trong nóc có một người làm cho A Lượng. Ngoài nuôi cơm, trả lương 1,5 triệu đồng/tháng, hàng năm A Lượng dành phần lớn số hạt sâm chia đều cho các hộ trồng riêng.

A Lượng không xác nhận tin đồn mình có 5 tỉ đồng gửi ngân hàng, cũng không bình luận việc thôn phó Hồ Văn Ngơng nói anh có 2ha sâm dày đặc, nhiều lần cõng hàng chục ký sâm sang bán ở Đắk Tô. Đó là những chuyện bí mật, không chỉ A Lượng mà bất kỳ người Xê Đăng trồng sâm nào cũng không muốn tiết lộ. Nhưng điều này thì rất rõ: Nhờ biết dựa vào cộng đồng, biết nâng đỡ người khác mà A Lượng được cả nóc Măng Tu quý trọng, vườn sâm của anh không bị mất trộm. Còn các hộ trong nóc thì đều có sâm làm vốn, hộ ít vài trăm gốc, hộ nhiều có cả nghìn gốc.

Tuy chưa giàu có từ sâm như A Lượng, nhưng hộ nào cũng có thể bán vài lạng sâm tươi để giải quyết ốm đau, thiếu đói khi cần. Đó cũng là cách “vua sâm” A Lượng truyền giữ di sản thiên nhiên sâm Ngọc Linh trong cộng đồng Xê Đăng, chủ nhân ông muôn đời của vùng đất xa xôi tận trong mây mù này.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.