“Còn cuộc đời ta cứ vui...”

24/10/2010 11:12 GMT+7

Đó là một câu trong bài hát Để gió cuốn đi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà chị Phùng Thị Ngọc thường ngân nga. Câu hát như nói hộ tấm lòng của một tấm gương hiếu thảo...

Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), giờ thăm khám buổi trưa. Cô điều dưỡng Phùng Thị Ngọc rảo vòng quanh các phòng bệnh quen thuộc. “Các bác nay thấy khỏe chưa? Bác nằm xuống đo huyết áp nghen. Còn bác, lát nữa bác sĩ sẽ ký giấy xuất viện...” - chị Ngọc nhanh nhẹn và vui vẻ di chuyển từ giường này sang giường khác, chăm chú bóp từng hơi vào máy đo huyết áp. “Huyết áp của bác nay ổn định rồi...”, chị Ngọc vừa gỡ dải băng ra khỏi cánh tay bà Trần Thị Liên, bệnh nhân lâu năm của khoa nội tiết 2, thì bà bỗng nắm lấy tay chị, mếu máo: “Cô Ngọc, tôi mới được nghe kể về hoàn cảnh của cô. Sao cô cực vậy mà bao năm qua không hé môi cho chúng tôi biết?...”.

Chị hơi sững người, rớm nước mắt, nhưng chị vẫn đứng thẳng và mỉm cười sau chiếc khẩu trang.

Lặn lội thân cò

Bà Liên nghe chuyện của chị Ngọc từ chị Phượng - một nữ điều dưỡng ở khoa ngoại, bạn đồng nghiệp thân thiết của chị Ngọc, nửa tháng nay bỗng lâm bệnh phải nhập viện ở khoa nội tiết. Và chị Phượng cũng chỉ tình cờ buột miệng sau khi nghe tin chị Ngọc được tuyên dương trong liên hoan “Người con hiếu thảo” của TP hôm rồi.

“Cô Ngọc đằm thắm, vui vẻ chưa bao giờ nói lời nào về chuyện riêng của mình cả” - bà Liên thở dài. “Ngọc cũng chỉ tâm sự với một vài bạn bè thân thiết, không muốn ai nhắc đến nỗi buồn của mình” - chị Phượng tiếp lời.

Chị Ngọc làm điều dưỡng ở Bệnh viện Nguyễn Trãi gần 30 năm, từ ngày chị còn là một cô gái 20 tuổi xinh đẹp. Điều dưỡng là một công việc vất vả, thầm lặng, chẳng bao giờ kết thúc khi ngày đã tàn, ca trực đã hết. Ấy vậy mà với chị Ngọc, khi về nhà chị vẫn phải tiếp tục xoay như chong chóng với công việc của một điều dưỡng thật sự, và ở đây còn cộng thêm những nỗi đau khó diễn tả bằng lời.

Nhiều người xuýt xoa thương tôi nặng gánh gia đình, nhưng gánh nặng bao năm đã quen thì cũng không còn thấy nặng nữa

Chị Phùng Thị Ngọc

Đầu tiên là đứa con trai thứ hai đã bị khuyết tật sau một cơn sốt viêm não khi mới vài tháng tuổi. Không biết bao nhiêu nước mắt của chị đã chảy trong bao năm con trai cứ mãi là bé thơ. Rồi mẹ chị già yếu về ở với con gái. Rồi đến mẹ chồng cùng người con gái tật nguyền mắc hội chứng Down của bà cũng dọn về ở chung nhà.

“Ba đứa con đi học, bốn người già cả tật nguyền, những năm tháng đó thật khó khăn” - chị Ngọc nhớ lại. Nhưng đó vẫn chưa phải là nỗi khó khăn nhất. Thử thách đến với chị là khi mẹ chồng bị tai biến nằm liệt giường, cùng lúc chồng chị dường như không còn chịu đựng được bầu “không khí bệnh viện” ở nhà mình đã bỏ đi làm xa. Và... “lâu lắm mới thấy ổng về một lần, như vậy có khi còn hơn là ở nhà mà buồn bực, cắn đắn nhau” - chị Ngọc chỉ nói như vậy thôi về nỗi đau vò xé lòng người đàn bà của mình.

Sáng 4g, chị thức dậy lo vệ sinh cho những người bệnh rồi chạy ù ra chợ. Về sơ chế thức ăn, dặn dò con gái rồi hối hả đến bệnh viện cho kịp giờ giao ban buổi sáng. Sau một ngày làm việc, chị lại hấp tấp về nhà, lao vào làm vệ sinh giường bệnh, thân thể cho mẹ chồng, tắm rửa cho chị chồng, mẹ ruột, con trai rồi cơm nước... Cứ thế quần quật tới khuya.

Đêm ngủ là những lo nghĩ, tính toán: “Tiết kiệm làm sao để đồng lương điều dưỡng lo được cho cả nhà. Con gái đã học xong lớp 12 nhưng vẫn chưa thể đi học nghề, xin việc làm vì còn phải ở nhà phụ mẹ chăm sóc bà nội, bà ngoại. Con trai xin vào trường khuyết tật học nghề không biết có thành nghiệp hay không? Con trai út cũng vừa học xong phổ thông...”.

Có lần chị Ngọc ngồi suy nghĩ mãi về cảnh tình gia đình mà buồn, cậu con trai bỗng líu ríu nói: “Con biết rồi, vì con bệnh mà mẹ buồn phải không?”. Người mẹ nghe con nói một câu như người bình thường mà trào nước mắt. Mỗi lần nghe ai hát bài Bông hồng cài áo chị cũng rớm nước mắt.

Ấy là những giọt nước mắt của yêu thương. Chị Ngọc không nhắc tới những giọt nước mắt của chị đã rơi vì tủi cực, vì cô đơn, vì trách giận nhưng trong buổi giao lưu “Người con hiếu thảo” rất nhiều nước mắt của chị đã rơi. Bao nhiêu năm nước mắt nuốt trong lòng đã trào ra trên sân khấu hôm ấy, trước mặt những người lạ.

“Bao nhiêu năm ấy, mẹ chồng là người hiểu tôi nhất. Tám năm nằm liệt giường, lần nào lau rửa, thay quần áo cho bà, bà cũng thầm thì: “Má cảm ơn con”. Thỉnh thoảng, bà lại bảo: “Má muốn đi sớm”. Tôi nói: “Má đừng nói vậy” thì bà lại nắm tay: “Con là dâu mà thương má hơn con trai của má. Má thương con lắm”...” - chị Ngọc kể trong nước mắt tiếc thương người mẹ chồng vừa mất cách nay mấy tháng.

Hai chiếc ghế đặt bên cạnh tủ đối diện chiếc tivi giờ chỉ còn một mình mẹ chị ngồi. “Cứ thấy chiếc ghế vắng là lại nhớ bà, lại thấy mất mát dù bà ra đi là bớt đau đớn cho bà, cũng là thêm chút nhẹ nhàng cho mình. Nhiều người xuýt xoa thương tôi nặng gánh gia đình, nhưng gánh nặng bao năm đã quen thì cũng không còn thấy nặng nữa” - chị mỉm cười, thầm thì như nói với chính mình.

“Không thấy nặng”, có lẽ đó là câu trả lời mà chị chưa nói ra được khi nhận được câu hỏi trên sân khấu giao lưu với những gương hiếu thảo: “Động lực nào để chị chịu đựng và vượt qua được nghịch cảnh?”. Hôm ấy, chị chỉ lắc đầu và khóc: “Mình là con...”.

“Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người...”


Chị Phùng Thị Ngọc chăm chị chồng bị hội chứng Down ở nhà - Ảnh: Minh Đức

Ở nhà ngày cuối tuần, sau giờ cơm trưa chị Ngọc bưng thau nước, vò chiếc khăn lau mặt, lau tay, chải lại mớ tóc bù xù cho chị Cúc, người chị chồng mắc hội chứng Down, suốt đời ngơ ngẩn như con trẻ.

Vừa chải tóc, chị vừa thủ thỉ: “Cúc đừng đi ra ngoài nghen, lần trước đi không biết lối về, cả nhà phải đi tìm cực lắm”. Ngồi trên chiếc ghế quen thuộc, bà Sáu Để, mẹ chị, nhìn con cười trìu mến: “Em bé đó, lau cho em bé đó”. Hỏi bà thương chị Cúc không, bà cười hồn hậu: “Thương chứ, con cháu trong nhà mà - bà chỉ chiếc ghế trống - Bà Năm nữa, sui gia đấy, chị em bạn già với nhau mà, thương lắm”.

Rồi bà quay sang tôi: “Con đến đây chơi bà vui, bà cũng thương như con cháu vậy”. Bà kể khi xưa đi bán xôi, bán chè nuôi con, nuôi bà cố ở khắp miệt Cái Bè, Tiền Giang cho đến khi lên ở Gò Vấp, TP.HCM. “Bà thương cả những người mua xôi chè. Họ cũng thương mình, có thương mới mua của mình chứ” - bà lại cười.

Chị Ngọc nhìn mẹ, nhỏ nhẹ kể: “Từ nhỏ tôi đã theo mẹ, theo thuyết từ bi hỉ xả của đạo Phật. Không ghét bỏ, không trách giận, hiến tặng hạnh phúc thì đời bớt khổ đau và mình sẽ có niềm vui. Nghe thì lớn lao vậy chứ mình có làm được gì cho ai đâu, chỉ là yêu thương cha mẹ mình, chị em mình, làm những gì có thể làm cho gia đình mình. Chỉ buồn một nỗi cảnh nhà khó nên mẹ con bà cháu vẫn cứ phải rau cháo như ngày xưa”.

Căn nhà trong hẻm ở phường 15, quận Tân Bình của chị nhìn bên ngoài khá khang trang nhưng bên trong rất đơn giản, sơ sài: chiếc đivăng cũ, tivi cũ, cái tủ cũ, chiếc ghế nhựa làm điểm tựa để bà ngoại di chuyển, tấm nệm để nằm...

Căn nhà cũng ít tiếng cười nói. Nhưng ngồi một lát thì nhận ra căn nhà ngập tràn sự bình yên. Bình yên từ tiếng cười của bà ngoại khi nheo mắt đọc từng chữ trong một cuốn sách. Bình yên từ nụ cười thơ trẻ trong hình hài một người phụ nữ lớn tuổi ngồi sát cạnh bà. Bình yên từ ánh mắt trìu mến của chị Ngọc nhìn mẹ, nhìn chị chồng, con trai. Khó mà nghĩ được người phụ nữ này đang phải căng hết tâm sức để gồng gánh cho gia đình. Chị vẫn cười, nụ cười mang nhiều trải nghiệm để làm chỗ dựa cho hạnh phúc, hóa giải những nỗi buồn trong đời.

Chị Ngọc kể đã lâu lắm chị không đi tới quận 1 cho đến hôm được mời đi giao lưu tuyên dương gương “Người con hiếu thảo” vừa rồi. Cách giải tỏa stress duy nhất của chị là thỉnh thoảng cùng các chị em trong khoa đi hát karaoke và chị thường chọn nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh hẳn nhiên sẽ có rất nhiều ca từ nói hộ lòng chị, như câu chị ngân nga hôm nay: “Những khi chiều tới cần có một tiếng cười/ Để ngậm ngùi theo lá bay... Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người/ Còn cuộc đời ta cứ vui/ Dù vắng bóng ai/ Dù vắng bóng ai”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.