Giải mã game online - Kỳ 2: Chân dung người chơi

22/10/2010 00:41 GMT+7

Game online không đồng nghĩa với tội ác và người chơi game không phải là tội phạm", "Đừng đánh đồng game với bạo lực", "Hãy hiểu cho đúng về chúng tôi"... Đó là "lời kêu cứu" của rất nhiều game thủ trên các diễn đàn trực tuyến trong cơn bão chỉ trích của dư luận.

Họ là ai ?

Cách đây chưa lâu, một người chơi game online (GO) Kiếm Thế được cho là đã bỏ ra không dưới 1,5 tỉ đồng đầu tư cho nhân vật BeoKaKa của mình. Thông tin này một lần nữa khuấy động các diễn đàn trực tuyến, với những cuộc tranh cãi bất tận về "quyền được ném tiền ra cửa sổ" hay một sự lãng phí ghê gớm trong thế giới ảo. Trước đó, một số đại gia cũng đã ném hàng tỉ đồng vào các game Võ lâm truyền kỳ, Thế giới hoàn mỹ, Tru Tiên..., khiến dư luận xôn xao đặt câu hỏi về "đạo đức của người giàu chơi GO".

Phải thừa nhận rằng, những đại gia chơi GO này là những game thủ nổi tiếng nhất khi liên tục được các trang tin điện tử săn lùng thông tin. Cũng chính vì vậy mà vô hình trung, họ đã trở thành những chân dung "tiêu biểu" cho làng GO Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế của làng chơi GO Việt Nam không hoàn toàn laà của nhóm người lớn tuổi nhiều tiền.

Nếu lần đầu tiên tham dự một buổi "off" hay đi làm từ thiện cùng những người chơi game, dân "ngoại đạo" có lẽ sẽ rất ngạc nhiên vì sự phong phú của thành phần game thủ. Đó là học sinh, sinh viên, công nhân, kỹ sư máy tính, luật sư, nhân viên kế toán, bác sĩ, kiến trúc sư, giáo viên... Theo kết quả khảo sát của Viện Xã hội học trong độ tuổi từ 10 - 30, nhóm 16 - 20 tuổi chơi GO nhiều nhất (chiếm tỷ lệ 42,1%), kế tiếp là nhóm 10 - 15 tuổi  (26,3%), nhóm 21 - 25 tuổi (22%), nhóm 26 - 30 (9,5%). "Điều này cho thấy xu hướng chơi GO tập trung vào nhóm trẻ tuổi, nhưng phần lớn thuộc nhóm 16-20, là nhóm đã có khả năng nhận thức đầy đủ về các hành vi của mình. Nếu xét ở độ tuổi đi học, thì phần lớn nằm trong nhóm học sinh phổ thông trung học trở lên".

Về trình độ học vấn của người chơi GO, chiếm tỷ lệ cao nhất là có trình độ cao đẳng, đại học trở lên (30,1%), tiếp đến là chưa hoàn thành trung học phổ thông (18%), chưa hoàn thành trung học cơ sở (17,1%), hoàn thành trung học phổ thông (14,1%), hoàn thành trung học cơ sở (9,0%), trung cấp nghề (8,8%), hoàn thành tiểu học (2,4%). Chỉ có một con số rất nhỏ người chơi GO chưa học xong tiểu học (0,6%). Đánh giá của nhóm khảo sát: "Phần lớn những người chơi GO thuộc nhóm có trình độ học vấn tương đối cao bởi GO liên quan đến kỹ thuật sử dụng máy tính và internet".

Số người sử dụng dịch vụ GO ở Việt Nam tính đến thời điểm tháng 10.2006 vào khoảng vài triệu. Con số này không ngừng gia tăng với tốc độ nhanh chóng và đến hết tháng 5.2010, cả nước có 5 triệu người chơi GO.
Về thu nhập của người chơi, kết quả khảo sát có thể làm buồn lòng các nhà phát hành GO trong việc bảo đảm doanh số: hầu hết người chơi (87,9%) có thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng, "bởi phần lớn rơi vào đối tượng học sinh, sinh viên (đối tượng được xem là phụ thuộc vào gia đình, chưa tham gia vào thị trường việc làm và hoạt động kinh tế)".

Họ chơi như thế nào?

Kết quả phân tích theo nghề nghiệp của người chơi GO cho thấy, tỷ lệ học sinh, sinh viên chơi ở mức "hằng ngày" thấp ở hàng áp chót. Tỷ lệ người trả lời đang chơi GO ở mức hằng ngày cao nhất lại là nhóm các nhân viên văn phòng (53,2%), tiếp đến là nhóm kinh doanh (45,7%), thất nghiệp (51,7%), nhóm cán bộ công chức nhà nước (48,5%), dịch vụ, buôn bán (43,2%). "Điều này cho thấy vai trò quan trọng của GO trong đời sống người dân, tầng lớp nào cũng sử dụng GO như một phương tiện giải trí, hay nói cách khác, GO là một nhu cầu giải trí cho mọi người nói chung".

Cũng theo nhận xét của nhóm khảo sát, nhóm có tần suất chơi GO nhiều hơn lại thuộc về những người đủ trưởng thành để quyết định vấn đề một cách độc lập. "Việc các phương tiện truyền thông thời gian qua quan tâm cho rằng nhóm học sinh, sinh viên chơi GO với mức độ cao có thể chưa phản ánh hết thực tế của tình trạng sử dụng GO của các đối tượng khác nhau trong xã hội. Ở đây chưa phân tích đến mức độ ảnh hưởng khác nhau giữa các nhóm nghề nghiệp, song điều này cũng cho thấy cần phải nhìn nhận lại đối tượng thường xuyên sử dụng GO nhất trong xã hội". Đồng ý với nhận xét này, một độc giả tên Meow viết trên trang Gamethu.net: "Thực tế thì học sinh không có nhiều tiền để ngồi cày game cả ngày. Và cũng không có tiền để mua đồ khủng nên cũng không thiết tha nhiều với GO. Học sinh đa phần chơi cùng bạn để tìm sự giải trí. Vì thế hay chơi game LAN như Dota, CS... cùng nhau hơn là GO".

Cuộc khảo sát chưa đề cập đến một nhóm đối tượng đặc biệt mà thực tế chính là những người dành nhiều thời gian nhất cho GO. Đó chính là "dân cày vàng" mà những người tham gia thế giới GO lâu năm đều biết. Nhưng nhóm người này không phải là dân chơi GO đúng nghĩa, mà đã biến các game thành phương tiện kiếm sống. Theo đó, họ tạo ra hàng chục tài khoản, sử dụng các phần mềm hỗ trợ để nhân vật trong game tự động "cày" tiền và vật phẩm. Và cứ thế, họ "treo" máy suốt ngày đêm, quanh năm suốt tháng. Trong những diễn đàn về các game chuẩn bị phát hành, bao giờ cũng bắt gặp những câu hỏi như "Game này dễ cày tiền không", "Có auto không, treo được bao nhiêu ac (account - tài khoản, chỉ nhân vật trong game)". "Dân cày" chính là đối tác của thiểu số đại gia như đã đề cập ở trên, và họ chưa bao giờ thực sự đại diện cho đại đa số người chơi GO bình thường.

Mức độ chơi GO theo nghề nghiệp người trả lời (%)

 

Đang đi học

Công nhân

Công chức

Kinh doanh

Bộ đội, công an

Nghề tự do

Nhân viên VP

Thất nghiệp

Hàng ngày

29,5

31,0

48,5

45,7

27,3

42

53,2

51,7

5 - 6 lần/tuần

13,6

24,1

9,1

11,4

18,2

16

14,5

20,7

3 - 4 lần/tuần

27,4

13,8

21,2

20

36,4

24

21

6,9

1 - 2 lần/tuần

22,1

31,0

9,1

11,4

18,2

16

8,1

6,9

2 -3 lần/tháng

5,1

0

6,1

8,6

0

2

3,2

10,3

1 lần/ tháng

0,9

0

3

2,8

0

0

0

3,4

 (Nguồn: Kết quả khảo sát của Viện Xã hội học)

Giang Khê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.