Những hang động huyền bí ở Thất Sơn: Hang Mãng xà

15/10/2010 00:05 GMT+7

Rất nhiều người dân sinh sống trên núi Cấm khẳng định họ đã từng chạm trán mãng xà và may mắn trở về từ cõi chết. >> Điện Mười Ba, hang Công Đức

Thiên Cấm sơn (núi Cấm) ở xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang, có đỉnh cao đến 716m, cao nhất vùng Thất Sơn và cũng là nơi chứa đựng nhiều điều huyền bí.

Ba đời "diện kiến" mãng xà

Theo lời của nhiều người dân trên núi Cấm, hiện nay rắn lớn cỡ bắp đùi còn khá nhiều. Ông Trần Huy Dũng, tổ trưởng tổ 1, ấp Vồ Đầu trên đỉnh núi Cấm nói rằng, đến tận bây giờ vẫn còn bị ám ảnh bởi suýt làm mồi cho rắn khổng lồ. Chuyện xảy ra đã hơn 10 năm. Bữa đó, khi ông Dũng đang từ trên triền xuống chân núi thì nhìn thấy con chim chìa vôi và con sóc đang nhảy tung tăng như đùa giỡn với nhau trên mặt đất. "Cảnh này thiệt lạ. Một con trên trời, một con dưới đất sao lại giỡn với nhau? Định thần lại, tôi rùng mình khi thấy cái đầu rắn to đùng đang hướng về phía 2 con vật. Lúc đó tôi mới biết là chúng đã bị nọc độc rắn làm mù mắt và sẽ trở thành mồi cho con rắn. Tôi sựng lại khi chỉ cách con rắn chừng 5m và "chết đứng" một hồi lâu. May mắn là con mãng xà đang đặt tầm ngắm vào 2 con mồi kia nên không phát hiện ra tôi, nếu không...". Theo ông Dũng, đó là con rắn hổ mây to bằng cái khạp năm cân (còn gọi là hũ đường), nhưng không thể phát hiện nó từ xa vì hổ mây có bộ da mốc thít, rất giống với da cây cổ thụ trong rừng.

Bà Mai Thị Nguyệt, hàng xóm ông Dũng, nói bà là đời thứ 3 trong gia tộc đã từng được "diện kiến" rắn khổng lồ trên núi Cấm. Bà kể: gần 20 năm trước, nhà bà ở khu vực Cao Đài tự gần suối Thanh Long, đường đi bộ lên núi Cấm. Khi cùng chồng đi hái cây thuốc, đến khu vực suối Sư Bình (phía trên suối Thanh Long), bà ngửi thấy mùi hôi tanh. Lần theo hướng phát ra mùi hôi, thì đến một hang đá lớn. Khi chỉ còn cách hang chưa đầy 4m, bà "chết đứng" khi nhìn thấy một con rắn khổng lồ đang khoanh mình. "Trong tư thế nằm khoanh, đầu gác lên khoanh mình cuối cùng, vậy mà con rắn cao hơn đầu tôi cả nửa thước, thật khủng khiếp. Lúc đó tôi đứng chết trân không dám động đậy và nghĩ phen này mình chết chắc. Nhưng có điều lạ là con rắn cũng nằm im. Sau một lúc trấn tĩnh, tôi lạy con rắn: "Nếu ông ở đây tu thì nằm im cho con đi ra. Con vô tình lạc vào đây chứ không có ý quấy phá". Thấy "ổng" không động tịnh gì, tôi bước thụt lùi ra khỏi hang rồi chạy một mạch về nhà", bà Nguyệt kể tiếp.

Ngay sau khi về đến nhà, bà Nguyệt thuật lại câu chuyện gặp rắn khổng lồ cho mẹ là bà Nguyễn Thị Khoe nghe. Bà Khoe nghe xong bảo rằng chính bà và người cha (ông ngoại bà Nguyệt) cũng từng chạm mặt con rắn lớn đó ngay tại nơi bà Nguyệt đã gặp. "Má tôi kể dù đã cùng ông ngoại trèo lên đọt cây để tránh nhưng khi nhìn lại thì đầu con rắn đã ngẩng lên sát đít. Sau ông ngoại tôi vì quá kinh hãi đã phát bệnh mà chết", bà Nguyệt nói.

Hang rắn khổng lồ

Nghe câu chuyện của bà Nguyệt, ông Dũng khẳng định em trai ông cũng từng chạm trán một con rắn rất lớn gần khu vực suối Thanh Long cách đây gần chục năm. "Buổi chiều đi học về đến khu vực phía trên suối Thanh Long, em tôi và mấy đứa học trò nghịch đá ném đàn khỉ bên kia bờ suối. Bầy khỉ bỏ chạy thì bất ngờ xuất hiện một con rắn khổng lồ giương cao đầu rượt đuổi mấy đứa học trò. May mà tụi nhỏ chạy thoát", ông Dũng cho biết. Ông Dũng còn chỉ cho chúng tôi cái hang rắn khổng lồ dưới gốc cây da, chỉ cách nhà ông độ hơn 10 công đất. Ông quả quyết đã rất nhiều lần nhìn thấy con rắn bò vô, bò ra cái hang này. "Năm 1997, có một đoàn người của trại rắn Đồng Tâm mang theo súng ống, đồ nghề, thuốc mê lên đây gặp tôi nhờ dẫn đường tới hang rắn. Nhưng tôi ngăn cản quyết liệt vì nó quá lớn, mấy cái dụng cụ đó chẳng nhằm nhò gì, nguy hiểm lắm", ông Dũng nói.

Chúng tôi được một thanh niên tên Sang dẫn vào hang rắn cây da, nơi ông Dũng chỉ. Sang cho biết anh là người trông coi đất cho một thầy tu tại đây và đã 2 lần nhìn thấy con rắn ra vào hang cây da. Sang bảo lần anh nhìn thấy sau cùng cách đây chưa đầy một năm và khẳng định con rắn vẫn ở hang này. Chỉ cho chúng tôi gốc cây to độ nửa vòng tay ôm, Sang nói: "Nó to cỡ đó". Mặc dù rất hoang mang nhưng chúng tôi vẫn bạo gan bám theo Sang vào hang rắn. Lúc sau, Sang bất ngờ dừng lại, nói: "Tới hang nó rồi nè!". Tôi tái mặt nhưng cố làm tỉnh để tự trấn an. Bất chợt nhìn lại thấy mình đang đứng trên một vồ đá cheo leo, trước mặt là một cái hang đá to tướng với mùi hôi tanh xộc lên mũi. Cố thò đầu vào miệng hang quan sát, chúng tôi thấy ngổn ngang những đống màu đen như phân rắn, vô cùng hôi tanh. Sang quả quyết chính cái mùi hôi đặc quánh này mà người chủ đất trước đây đã bán lại mảnh rừng này với giá rẻ bèo.

Còn tại điện U Minh trên đỉnh núi Két (thị trấn Nhà Bàn, H.Tịnh Biên), ông Nguyễn Văn Sơn, chủ núi, khẳng định trong hang núi này từng có một cặp rắn khổng lồ sinh sống. Chúng tôi theo ông Sơn vào thám hiểm hang sâu giữa ban ngày nhưng cứ nghe sống lưng lành lạnh. Chỉ cặp tượng rắn bằng xi măng to tướng đang phồng mang, thè lưỡi đầy uy lực, ông Sơn nói cặp rắn thật còn lớn hơn gấp nhiều lần. Cái hang núi càng trở nên thâm u, huyền bí vì lối đi sâu bên trong không có ánh sáng và cũng không ai dám đi đến tận cùng hang. "Để khắc chế "mấy ổng", tôi tạc tượng một cặp rắn to trấn ải miệng hang. Đêm đêm khi ra đến đây gặp cặp rắn giả, "mấy ổng" bị... dội, rút trở vào hang sâu không quấy phá con người", ông Sơn nói.

Ba Lưới giết rắn

Ông Ba Lưới tên thật là Nguyễn Văn Y (98 tuổi, quê ở xã Mỹ Hiệp, H.Chợ Mới, An Giang) lên núi ẩn tu từ năm 1935, khi mới 23 tuổi. Cuộc sống trên núi lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, hiểm nguy rình rập. Mỗi khi đi làm rẫy hay ra khỏi nhà, ai cũng phải cầm theo cây săn mây (làm từ cây mây rừng, dài gần 2m một đầu tròn nhọn, đầu kia dẹp mỏng bén như lưỡi dao) và chiếc búa lận lưng để phòng thân. Một lần đang băng qua rừng, ông Ba Lưới chạm trán con rắn hổ mây dài độ 10m, nặng hơn 90 kg. Nghe tiếng động, con hổ mây quay lại xòe cặp mang rộng cỡ 1,5m, đầu ngẩng cao, khè khè như muốn nuốt chửng ông. Không nao núng, Ba Lưới bước lùi thủ thế. Con rắn vừa lao đến tấn công đã nhận ngay nhát chém rụng đầu.

Lần thứ hai, khi ông đang đi cặp đường ô lên dốc núi. Một con rắn hổ mây nặng chừng 40 kg trườn mình thoăn thoắt xuống, ông không kịp tránh đường. "Sẵn cây săn mây đang làm gậy chống đường tao vung chém ngay đầu con rắn. Nhát chém làm con mãng xà bị thương, máu văng xối xả. Chưa kịp ngẩng đầu chống trả, ác thú nhận tiếp một đòn chí mạng, đứt lìa đầu, chết lăn xuống đường ô. Tao đem cả đầu và xác rắn chôn bên vách đá", ông kể.

Thanh Quốc - Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.