Khai hoang vùng biên

13/10/2010 17:58 GMT+7

Đội viên của làng thanh niên lập nghiệp Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) là những thanh niên còn rất trẻ đang ấp ủ khát vọng hồi sinh mảnh đất vùng biên giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Về miền đất mới

Những khu rừng khộp ngày ấy (năm 2005) giờ đã biến thành khu dân cư, ruộng rẫy bạt ngàn với 100 hộ gia đình trong độ tuổi thanh niên đến an cư. Khi thành lập làng thanh niên lập nghiệp Ia Mơr, anh Trương Minh Hải - từng là thanh niên xung phong, được chọn làm Giám đốc ban quản lý dự án. Hôm chúng tôi về thăm, đích thân anh  đã dẫn chúng tôi vào thăm làng. Từ Pleiku đến Ia Mơr cách xa hơn 120 km, hai bên rợp bóng rừng cao su và cây cổ thụ. Anh Hải cho biết: “Diện tích tự nhiên của làng rộng đến 5.400 ha, trong đó đất nông nghiệp rộng 550 ha được chia đều cho các hộ gia đình khai hoang làm nhà, trồng lúa và cây lâm nghiệp. Ở đây có khả năng tiếp nhận 150 hộ với 300 lao động. Đây là những  nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng khu vực biên giới”.

Anh Phan Văn Hiển, 32 tuổi, là một trong số những đội viên tình nguyện đầu tiên đến vùng đất mới Ia Mơr. Ký ức về những ngày đầu gian khó vẫn in đậm trong tâm trí anh: “Khi mới đến, anh em chỉ có hai bàn tay trắng, cùng nhau dựng lều bạt ở tạm. Nhà chưa có, điện, đường, nước sinh hoạt cũng không. Suốt ngày đêm anh em phải lăn lộn trên nương rẫy khai hoang. Mãi một thời gian sau, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, các đội viên được hỗ trợ tiền làm nhà, vốn sản xuất mới phần nào vơi bớt khó khăn”.

Anh Hiển bây giờ được anh em đội viên công nhận là “đại gia” của làng, từng 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu đội viên xuất sắc trong phong trào thanh niên lập nghiệp của Trung ương Đoàn. Nhận thấy tương lai phát triển đang dần được mở ra ở vùng đất này, anh Hiển đã động viên thêm 3 người em của mình đến định cư ở làng cùng nhau lập nghiệp. Đi đầu trong việc triển khai mô hình VAC hiệu quả, anh Hiển tích cóp được nguồn vốn đáng kể, và anh đã mua máy cày, máy xay gạo, máy gặt đập liên hợp... để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cho đội viên cả làng.

28 “công dân nhí” chào đời

Ở Ia Mơr, nhiều đội viên đã bén duyên cùng nhau và nên vợ nên chồng. 28 “công dân nhí” chào đời ở làng là một tín hiệu hồi sinh của vùng đất mới. Mới đây, 2 đội viên Nguyễn Văn Tuấn và Vũ Thị Thắm cũng đã chọn ngày lành tháng tốt tổ chức đám cưới ngay tại làng. Ngày vui của họ được sự chứng kiến và chúc mừng của lãnh đạo tỉnh, đông đảo đội viên, được đài truyền hình đưa tin. Đôi vợ chồng trẻ này giờ đã có nhà ở ổn định, đất sản xuất lúa, đất rừng. Tuấn vui vẻ cho biết: “Nếu anh em đội viên được vay vốn trồng cao su thì vài năm nữa, đời sống kinh tế của làng sẽ khấm khá hơn rất nhiều, vì một héc-ta cao su cho thu nhập bình quân trên 60 triệu đồng/năm”.

Mỗi đội viên đến khai hoang vùng biên Ia Mơr từ nhiều vùng quê khác nhau nhưng họ có chung khát vọng dựng xây miền đất mới. Giữa đại ngàn Tây Nguyên, cuộc sống của nhiều đội viên tuy còn khó nghèo nhưng tất cả đều lạc quan tin tưởng rằng một ngày không xa, sức trẻ của họ sẽ “biến” sỏi đá Ia Mơr... thành cơm!

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.