Dự án trùng tu đình Chàng giành giải quốc tế

13/10/2010 00:30 GMT+7

Lần đầu tiên, một dự án trùng tu di tích thực nghiệm của Việt Nam giành giải thưởng cao nhất tại một triển lãm quốc tế.

Dự án trùng tu đình Chu Quyến (còn gọi là đình Chàng, xã Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội) đã vượt qua 33 dự án của 14 quốc gia để giành giải thưởng bảo tồn di sản với số phiếu bình chọn cao nhất tại “Triển lãm quốc tế những trường hợp bảo tồn di sản kiến trúc ở châu Á” do Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế (UIA) trao tặng vào đầu tháng 10 vừa qua.


Hình đầu rồng trang trí trên đình Chu Quyến (hiện vật phục chế) trông rất tinh xảo - Ảnh: Trần Đan

Quá trình phục dựng, trùng tu đình Chu Quyến kéo dài 5 năm, từ 2005 đến 2010, Viện Bảo tồn di tích đã tiến hành theo một quy trình chuẩn, gồm 3 công đoạn: khảo lập dự án, tu bổ kết cấu kiện gỗ, lắp dựng và hoàn thiện. Trong đó, gần như một nửa thời gian dồn cho công đoạn đầu tiên là khảo sát và thiết lập dự án. Nhiều công nghệ hiện đại như sử dụng ra-đa xuyên suốt, lấy mẫu nấm mốc, xác định chủng loại nấm mốc bằng các thí nghiệm... được sử dụng tương đối triệt để. “Tất cả các nấm mốc cũ, bám trên cột, kèo, hiện vật đều được thu gom, xử lý để tái sử dụng sau khi trùng tu. Cột mục sau khi hạ xuống, chúng tôi tiến hành cạo bỏ lớp gỗ mục bên trong, giữ lại phần vỏ bên ngoài. Những phần mái hỏng hóc phải xây lại cũng được xây bằng vôi giấy sao cho mềm mại, ngói lợp là ngói nung theo kiểu truyền thống...”, kiến trúc sư Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, Chủ nhiệm dự án trùng tu đình Chu Quyến cho hay.

Giữa một “rừng” các di tích bị biến dạng, thậm chí mất dạng sau tu bổ, gần đây nhất là vụ thành nhà Mạc ở Tuyên Quang trùng tu xong bị nhận xét là giống “cái lò gạch” giữa phố, sự kiện đình Chu Quyến giành giải thưởng cao được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ là “đòn bẩy” cho các dự án trùng tu khác. Ông Vinh cho rằng nếu dự án trùng tu giao đúng cho những đơn vị chuyên nghiệp thì khả năng dựng được công trình giống như nguyên bản là rất lớn. Theo ông Vinh, cần chuyên nghiệp hóa những người đang trực tiếp làm công tác trùng tu và đào tạo một đội ngũ kế cận có kiến thức tổng hợp về trùng tu di sản. Người làm trùng tu phải có cái nhìn tổng thể, toàn diện của các ngành kiến trúc, xây dựng, vật liệu, văn hóa, cổ vật. Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Trần Chiến Thắng cho rằng đây là dự án tiền đề để tiến hành xây dựng được một nguyên tắc chuẩn hóa cho các dự án trùng tu di tích sau này.

Đình Chu Quyến có niên đại khoảng cuối thế kỷ 17. Đình thờ con trai của Lý Phật Tử và bà Lã Thị Ngọc Thành là Nhã Lang Vương, tương truyền có công lãnh đạo hai đạo quân thủy, bộ đánh đuổi xâm lược của nhà Tùy vào những năm thế kỷ VI. Những bức ảnh tài liệu lưu trữ tại Viện Bảo tồn di sản cho thấy đình Chàng có lối kiến trúc khá độc đáo. Kết cấu đình hình hình chữ nhất, có một tòa đại đình gồm 3 gian 2 chái lớn, một tầng bốn mái với các đao cong vút.

Về nghệ thuật điêu khắc trang trí, đình Chàng là một trong số ít những ngôi đình cổ còn lưu giữ lối điêu khắc trên đất nung và trên cấu kiện gỗ. Đình Chu Quyến được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1962. Đến ngày 18.6.2006, dự án thực nghiệm trùng tu đình Chu Quyến được phê duyệt. Cục Di sản văn hóa là chủ đầu tư, Viện Bảo tồn di tích được giao nhiệm vụ thực hiện dự án này.

Trần Đan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.