Tôi làm "cơ phó" Boeing 787

08/10/2010 08:24 GMT+7

(TNTS) Phóng viên Thanh Niên đã tham gia "lớp đào tạo" đầu tiên ở Singapore và thử điều khiển hệ thống mô phỏng Boeing 787 cất và hạ cánh xuống sân bay quốc tế Changi.

Hãng Boeing vừa khai trương hệ thống thiết bị đào tạo phi hành đoàn cho dòng máy bay Boeing 787 Dreamliner sắp có mặt trên thị trường trong quý 1.2011.

Ông Mark Albert, giám đốc các chương trình đào tạo phi công máy bay 787, 747-8 của hãng Boeing cho biết, những phi công từng lái Boeing 777 thì cần khoảng 5 ngày huấn luyện là có thể lái tốt Boeing 787. Toàn bộ chương trình đào tạo để vận hành Boeing 787 kéo dài trong 20 ngày.

Còn đối với  một nữ phóng viên như tôi thì… chỉ cần 2 tiếng đồng hồ là đủ để "cưỡi máy bay xem hoa"! Đầu tiên là tiếp xúc với tài liệu hướng dẫn trên máy tính, làm quen với các thiết bị điều khiển buồng lái trên màn hình máy tính, điều khiển thiết bị tĩnh, rồi thực hành mở cửa máy bay trong mọi tình huống, và thực hành bay bằng hệ thống mô phỏng hoàn chỉnh - full-flight simulator (gọi tắt là simulator).

Simulator giống như một chiếc hộp, bằng vật liệu composite, kích thước tương đương phần đầu máy bay. Bên trong lắp đầy đủ thiết bị có trong buồng lái máy bay thật cùng với vài ghế hành khách. Không có cánh quạt, không có bánh lái, không có nhà vệ sinh! Thay vì chạy trên đường băng sân bay, rồi cất cánh bay trong không trung, simulator bay… tại chỗ với các chuyển động tới-lui, lên-xuống, qua trái-qua phải. Simulator cũng chứa đủ dữ liệu và hình ảnh số hóa hiện trạng các sân bay quốc tế lớn trên thế giới.


"Chứng chỉ" do Boeing "cấp" cho phóng viên Thục Minh

Cơ trưởng Nathan mời tôi ngồi vào ghế cơ phó để cùng ông lái Boeing 787 dạo một vòng. Đầu tiên ông kéo ghế phó ra sau, nhích sang bên phải một chút để tôi có lối bước vào. Tôi ngồi vào ghế lái, thắt dây an toàn, rồi đẩy ghế về vị trí mà 2 chân đặt lên bàn đạp vừa vặn nhất, 2 tay đặt vào tay lái. Nathan hỏi tôi bây giờ khởi hành từ sân bay Changi nhé? Ô kê! Ông nhấn một cái, "sân bay" Changi xanh tươi hiện ra trước mắt tôi, với những đường băng màu trắng, biển báo, cột đèn cùng vài chiếc máy bay của hãng Singapore Airlines. Mọi thứ rất quen thuộc như những lần tôi bay đi, bay đến ở sân bay này. Chỉ khác là lần này tôi ngồi ghế "cơ phó" nên nhìn thấy được con đường trước mặt và tín hiệu dẫn đường.

Là một trong số 17 trung tâm huấn luyện phi công và dịch vụ bay của Boeing khắp thế giới, trung tâm Singapore là cơ sở chính ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại đây hàng năm, Boeing đào tạo cả thảy chừng 6.000 học viên gồm phi công và kỹ thuật viên phục vụ cho ngành hàng không và bảo dưỡng thiết bị. Ngoài ra, trung tâm Singapore còn có hệ thống mô phỏng để đào tạo phi công lái máy bay A320 của hãng Airbus (châu u) và E170, E190 của hãng Embraer (Brazil).

Riêng đối với loại máy bay 787 Dreamliner, Boeing đặt hệ thống mô phỏng tại 5 trung tâm là Seatles (Mỹ), London Gatwick (Anh), Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải (Trung Quốc) và Singapore. Toàn bộ các hệ thống mô phỏng của Boeing đều do hãng Thales chế tạo. Hai hệ thống mô phỏng đặt tại Tokyo đã bắt đầu đón học viên từ All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines (JAL), hai hãng hàng không của Nhật Bản chuẩn bị nhận những máy Boeing 787 đầu tiên vào giữa tháng 2.2011.

Nathan chỉ cho máy bay chạy trên đường băng một chút rồi hỏi tôi "Đã sẵn sàng chưa? Chúng ta cất cánh nhé!". Rồi ông nhè nhẹ điều chỉnh những cái nút mà tôi không thể nhớ được, chỉ số độ cao tăng dần trên màn hình. Mỗi sự điều chỉnh của Nathan tôi đều cảm nhận được ở chân đạp và tay lái mà tôi chạm vào. Tôi bảo: "Nhanh hơn nữa đi!". Máy bay lên cao, lên cao. Nhìn ra hai bên, "mây trắng" rất gần, phía dưới là cảnh biển với những hòn đảo nhỏ và thuyền bè đầy màu sắc. Máy bay cứ đi qua, nhưng bên dưới, những con thuyền không làm chao mặt nước.

Nathan cho máy bay chao mình, qua phải, rồi qua trái, cho đến khi độ cao trên màn hình chững lại. Tôi hỏi, trong thực tế phải mất bao nhiêu thời gian để máy bay đạt được độ cao ổn định sau khi rời mất đất. "Chừng 25-30 phút", Nathan đáp.

Tôi đề nghị hạ cánh, Nathan nhấn nhấn mấy cái nút, độ cao trên màn hình giảm xuống cho đến khi còn ở mức 18-19 feet thì dừng lại. Tôi hỏi: "Chúng ta chưa tiếp đất à?". "Rồi mà", Nathan đáp. "Sao độ cao vẫn chưa bằng 0?", tôi thắc mắc và chỉ vào màn hình. Nathan giải thích đó là độ cao so với mặt nước biển. Tôi đã hiểu. Rồi Nathan điều khiển cho máy bay chạy vào nhà ga sân bay Changi theo tín hiệu dẫn đường, và dừng lại.

"Các bạn không tông máy bay vào chỗ nào đấy chứ?", Mark hỏi. "Không, cô ấy lái rất cừ", Nathan trả lời. Nathan nói thêm, nếu có thời gian, ông sẽ cho tôi "bay" thử ở sân bay Nội Bài của Việt Nam và trong các điều kiện thời tiết khác nhau nữa.

Chúng tôi bước ra khỏi "máy bay", ngay chân là cầu thang dẫn vào phòng họp của Trung tâm huấn luyện Singapore!

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.