Cảnh báo về cuộc khủng hoảng đồng USD

04/10/2010 16:24 GMT+7

Các nhà kinh tế Mỹ và quốc tế cảnh báo thế giới đang tiến gần hơn đến một cuộc khủng hoảng đồng USD do “nợ của nền kinh tế Mỹ đã tăng cao chưa từng thấy”.

Lời cảnh báo được đưa ra sau khi Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo vào cuối tài khoá kết thúc vào ngày 30/9, thâm hụt ngân sách của Mỹ lên mức kỷ lục 1.300 tỷ USD, tương đương 9,1% GDP của nước này.

CBO cho biết thêm, tình hình nợ nần của nền kinh tế Mỹ ngày càng tồi tệ hơn và chưa có dấu hiệu cải thiện. Bất cứ sự lên giá nào của đồng USD cũng chỉ là tạm thời và sự mất giá ngày càng nghiêm trọng của đồng tiền này là không thể tránh khỏi.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega, cho rằng “cuộc chiến tranh” tiền tệ quốc tế đã bắt đầu với việc các nước đua nhau giảm giá đồng nội tệ để kích thích xuất khẩu. Trong tháng 9, bất chấp chỉ trích của Mỹ và các nước khu vực đồng tiền chung châu u, Nhật Bản đã giảm giá đồng yên so với đồng USD để giành lợi thế xuất khẩu.

Những lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng cao, phá vỡ các kỷ lục và đến cuối tuần qua đã đạt mức trên 1.315 USD/ounce, mức cao nhất trong lịch sử.

Trong số các nguyên nhân làm tăng giá vàng, có 2 nguyên nhân chính là tình hình kinh tế toàn cầu phục hồi chưa vững chắc, khiến các nhà đầu tư tìm đến vàng như là một nơi đầu tư an toàn. Thêm nữa, đồng USD liên tục giảm giá cũng khiến giá nhiều loại hàng hóa, trong đó có vàng, tăng lên.

Nhiều mối quan hệ song phương giảm bớt căng thẳng

Sự kiện đáng chú ý trong tuần qua là việc Đảng Lao động Triều Tiên họp đại hội đầu tiên kể từ 44 năm qua để bầu ra ban lãnh đạo mới. Đại hội đã quyết định một số vấn đề về đường lối đối nội và đối ngoại của CHDCND Triều Tiên trong những năm tới.

Những sự việc trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ liên Triều đã bớt căng thằng sau vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc và quan hệ Triều Tiên – Mỹ có nhiều dấu hiệu cải thiện.

Ngày 30/9, Trung Quốc đã trả tự do cho 3 trong 4 công dân Nhật bị bắt giữ ở tỉnh Hà Bắc với cáo buộc những người này xâm nhập bất hợp pháp khu quân sự và ghi hình trái phép các cơ sở quân sự tại tỉnh Hà Bắc. Điều này cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu có các bước đi cụ thể nhằm "hạ nhiệt" quan hệ căng thẳng với nước láng giềng sau vụ va chạm giữa tàu đánh cá Trung Quốc với tàu tuần tra của Nhật Bản ở gần quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông hôm 7/9.

Trước đó, ngày 28/9, Trung Quốc cũng đã nới lỏng một phần lệnh cấm xuất khẩu sang Nhật Bản kim loại đất hiếm (nguyên liệu thiết yếu để chế tạo ô tô điện, máy tính và các sản phẩm điện tử khác) sau 1 tuần tạm ngừng các thủ tục thông quan đối với loại khoáng sản này. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshito Sengoku cho rằng việc Trung Quốc nối lại hoạt động xuất khẩu kim loại đất hiếm sang Nhật Bản có thể cho thấy Trung Quốc bắt đầu tìm cách giải quyết vấn đề tranh cãi giữa hai nước.

Trong nỗ lực hàn gắn quan hệ với Trung Quốc, ngày 29/9, cựu Phó Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền Goshi Hosono đã tới thủ đô Bắc Kinh với nhiệm vụ tìm kiếm khả năng tổ chức cuộc gặp giữa Thủ tướng Naoto Kan và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề Hội nghị Cấp cao Á-u sắp tới.

Còn ở nước Nga, tin tức được quan tâm nhất là việc Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký sắc lệnh chấm dứt trước thời hạn thẩm quyền Thị trưởng Matxcơva của ông Yuri Luzhkov, người đã làm Thị trưởng TP này hơn 18 năm qua.

Thời gian qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng Nga, đã liên tiếp phát tin, bài chỉ trích Thị trưởng Yuri Luzhkov phá vỡ kiến trúc đô thị và tỏ ra bất lực trước nạn ách tắc giao thông ở thủ đô Nga.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.