Có nên dùng trái cây khô?

03/10/2010 11:08 GMT+7

Nếu được sản xuất công nghiệp, trái cây khô còn có thể chứa sulfur dioxide, thường gây ra cơn suyễn ở người nhạy cảm.

Hiện nhiều loại trái cây được đưa vào làm khô (làm mất nước) bằng phương pháp phơi nắng tự nhiên hoặc dùng máy nhiệt để sấy khô như táo, chuối, kiwi, mơ, xoài, đào, lê, dâu, mít, cà chua, đu đủ, hồng, thơm, vải...
 
Chế biến khô là một cách để lưu trữ trái cây lâu bền hơn là giữ lạnh. Nhờ thế mà lúc nào trong năm cũng đều có thể sử dụng trái cây mình thích mà không phụ thuộc vào mùa vụ thu hoạch. Trái cây khô cũng thường được dùng để làm bánh quy, bông lan, bánh kem, ngũ cốc ăn sáng, dạng snack, mứt...
 
Thực ra trái cây khô rất giàu vitamin A, B1, B2, B3, B5, B6 và các khoáng chất (như canxi, sắt, magiê, phốt pho, kali, natri, đồng, mangan...). Trung bình trong 100 g trái cây khô chứa khoảng 250 kcal (cao hơn trái cây tươi cùng loại) và 1-5 g chất đạm. Quá trình sấy khô có thể làm giảm khoảng 85% lượng nước trong trái cây, cho nên trái cây khô có vị đậm đà và ngọt hơn trái cây tươi.
 
Tuy nhiên, quá trình làm khô đã phá hủy hầu hết vitamin C có trong trái cây, vì thế cho nên lượng vitamin C trong trái cây khô thấp hơn khi còn tươi rất nhiều. Trái cây khô nếu được sản xuất công nghiệp còn có thể chứa sulfur dioxide do nhà sản xuất thêm màu vào sản phẩm, thường gây ra cơn suyễn ở những người nhạy cảm. Trái cây khô không chứa sulfur dioxide hiện có bày bán ở một số cửa hàng thực phẩm.

Tránh ẩm mốc

Để giúp giữ bền màu của một số trái cây, có thể cất trái cây tươi với vitamin C (ví dụ trộn với nước cốt chanh) một vài phút  trước khi sấy khô. Việc lưu trữ trái cây khô không phải là vô thời hạn. Nếu bảo quản trái cây khô không đúng mức, để ẩm ướt thì sẽ dễ biến chất, mọc nấm mốc sinh ung thư.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.