Từ dưới trung bình lên tuyệt đối

28/09/2010 08:00 GMT+7

Từ một học sinh lớp 10 ban A Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) có điểm ngoại ngữ ở mức dưới trung bình cách đây sáu năm, mới đây Trương Công Lý vừa đạt được mức điểm tuyệt đối 990/990 của kỳ thi TOEIC (Test of English for International Communication).

Trương Công Lý đang là sinh viên khoa ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM với rất nhiều khát khao, hoài vọng phía trước.

Lẫn lộn dầu gội đầu và sữa tắm

Lo lắng, căng thẳng, hồi hộp và chán nản là những cảm giác của Công Lý trong những tiết học tiếng Anh vào năm học lớp 10 tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Mặc dù đã xác định ngoại ngữ không phải là thế mạnh của mình, thế nhưng Công Lý vẫn không khỏi hụt hẫng trước kết quả học tập loại trung bình (do môn tiếng Anh kéo các môn kia xuống).

“Trong suốt mười năm đi học chưa bao giờ mình phải đón nhận một kết quả khủng khiếp đến như vậy. Cả lớp chỉ có hai học sinh trung bình thôi, nên mình buồn và mặc cảm” - Công Lý nhớ lại.

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, cậu học trò đã suýt trượt khỏi trường chuyên vì điểm đầu vào môn thi ngoại ngữ quá thấp. Tất cả câu chuyện khiến Công Lý căng thẳng thật sự khi nghĩ tới môn học này.

Những ngày tháng đó, mọi buổi họp phụ huynh của trường luôn làm cho Công Lý căng thẳng. Áp lực càng lớn hơn khi chàng học trò biết gia đình kỳ vọng nhiều ở mình. Ba mẹ của Công Lý tuy vậy cũng hiểu con, không la mắng hay trách móc gì nhiều. “Lúc đó, mình đấu tranh tâm lý rất dữ dội. Một là phải tránh xa ngoại ngữ, hai là phải vượt qua nó như một thử thách của cuộc đời. Mỗi lần nhìn vào ánh mắt của ba mẹ, mình thấy buồn. Ba mẹ đã hi sinh rất nhiều để có những gì tốt nhất cho mình học tập. Chính suy nghĩ đó đã khiến mình quyết tâm cải thiện kết quả”.

“Tới năm học lớp 9, ngoại ngữ mình tệ đến mức không thể phân biệt được đâu là dầu gội, đâu là sữa tắm. Mấy chai dầu gội, sữa tắm ở nhà toàn là tiếng Anh nên mình chịu, cứ đoán mò mà xài. Kết quả là sau nhiều tháng tóc tai xù đơ, chừng đó cả nhà mới tá hỏa khi biết mình dùng dầu gội để tắm và lấy sữa tắm để gội đầu!”, Công Lý kể câu chuyện vui về cái dốt tiếng Anh của mình. Một phần là xấu hổ, một phần nhận thấy giá trị của ngôn ngữ trong cuộc sống thường nhật quan trọng nên Công Lý quyết định thay đổi bản thân.

Học với cảm hứng

Công Lý đã tìm cho mình một cảm hứng bằng việc làm những gì mình thích và không quá gò bó để thực hiện. Không phải đặt mục tiêu ngồi vào bàn để học được bao nhiêu từ mới, hay học trong vòng mấy giờ. Cách học của Công Lý là tự hỏi “mình muốn gì?”.

TOEIC là gì?

Đó là một chứng chỉ tiếng Anh quốc tế về giao tiếp dành cho người đi làm. Hiện nay, phần lớn các công ty đều sử dụng bài thi TOEIC như một công cụ để đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của nhân viên và là tiêu chuẩn để tuyển dụng ứng viên. Vì vậy, việc học tiếng Anh theo chương trình TOEIC và việc thi chứng chỉ TOEIC đang rất được quan tâm.

Công Lý xem những kênh truyền hình nước ngoài rồi ghi chú lại từ vựng, cố gắng làm quen dần với tiếng Anh. Khi có những thông tin mình yêu thích thì sẵn sàng thức đến gần sáng để tra từ điển hoặc nghiên cứu trên bách khoa toàn thư Wikipedia. Dần dần Công Lý đã hiểu hơn cách học và tự đưa mình vào nguồn cảm hứng của ngôn ngữ.

Không phải tốn quá nhiều tiền để đi học ở các trung tâm, Công Lý chọn các kênh thông tin mạng phong phú làm nguồn tài liệu cho mình. “Với nhiều bạn trẻ thì chiếc điện thoại di động là vật bất ly thân, còn với mình đó là quyển từ điển Oxford” - Công Lý cho biết. Các trang điện tử bằng tiếng Anh của các báo trong nước cũng là trang Công Lý mở mỗi sáng để cập nhật tin tức, vừa nắm bắt thông tin vừa là cách học tiếng Anh.

Về kết quả bài thi TOEIC với điểm tuyệt đối, Công Lý chia sẻ: “Lúc làm bài thi, mình chỉ nghĩ đây là một cơ hội để thử thách chính mình, để buộc mình phải đánh giá nghiêm túc tất cả sự tiến bộ trong thời gian học. Có lẽ sự thoải mái đã giúp mình tự tin hơn”.

Lúc nhận được điểm số tuyệt đối 990/990 trong kỳ thi, Công Lý bất ngờ và vui sướng đến mức nhảy cẫng lên. Bạn hối hả gọi điện thoại ngay về nhà. Mẹ Công Lý chia sẻ: “Tôi cố gắng hết sức cho cháu có thời gian học tập và ủng hộ hết mình. Đôi khi tôi cũng hay chia sẻ và tâm sự với Lý để hiểu cháu hơn, nhiều lúc cũng cố gắng tạo môi trường giáo dục ngay tại nhà để Lý tự học là chính”.

Cho tới giờ, là sinh viên kinh tế năm 4 với nhiều dự định trong cuộc sống, nhiều khát vọng để vươn tới nhưng sự trải nghiệm về nỗi niềm của một học sinh trung bình năm lớp 10 luôn là điều Trương Công Lý tự nhắc nhở mình.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.