Bạo lực trong giới trẻ, do đâu? - Bài 5: Gia đình đang buông lỏng con cái

27/09/2010 23:38 GMT+7

Để xảy ra tình trạng bạo lực trong giới trẻ thời gian qua, theo các chuyên gia, có lỗi của gia đình và xã hội, trong đó đặc biệt là vai trò của gia đình.

Con phạm tội, gia đình mới hay!

Tại tòa, Lê Thị Kiều Oanh (17 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) khai do cần tiền tiêu xài và xe tay ga “lướt phố” nhưng gia đình không chu cấp được nên nhiều lần đi chơi được bạn chỉ cho chiêu lừa tình trên mạng liền áp dụng. Oanh lên mạng lấy tên là My. Sau khi làm quen được với anh H., Oanh hẹn đi uống cà phê. Đến nơi, Oanh giả vờ là chị gái của My, do em gái kẹt xe nên đến đón H. giùm. Sau đó, Oanh giả vờ hỏi mượn điện thoại, xe của H. để đi đón em gái rồi biến mất. Lấy được xe và điện thoại, Oanh đem bán điện thoại. Riêng chiếc xe, Oanh tháo biển số rồi gắn biển số giả vào và ung dung dạo phố. Ngày 25.1.2010, Oanh vi phạm luật giao thông nên bị tạm giữ xe do không xuất trình được giấy tờ. Tuy nhiên, sau đó Oanh cũng bị “tóm” vì anh H. lên mạng truy tìm được tung tích.

Điều đáng nói là mới lớn, Oanh đã thoải mái lên mạng dành cho giới tuổi teen, chat, học cách kiếm tiền bằng chiêu lừa đảo. Việc buông lỏng quản lý dẫn đến việc Oanh kết thân với bạn xấu, đua đòi mà gia đình không hề hay biết. Ngày 28.8, TAND quận 10 xử lưu động tại trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10) đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Kiều Oanh 15 tháng tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 
 Một vụ ẩu đả của người lớn trên đường phố mà nguyên nhân chính chỉ là do va quệt xe dễ gây ảnh hưởng xấu đến trẻ - Ảnh: Minh Nam

Cũng trong cuối tháng 8 vừa qua, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm 2 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Kiến Trúc (SN 1992, ngụ quận 8, TP.HCM) về tội “hủy hoại tài sản”. Theo cáo trạng, khuya 11.12.2009, Nguyễn Kiến Trúc cùng nhóm bạn ùa ra đường “đi bão” để cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch SEA Games. Rạng sáng hôm sau, khi đến trước nhà 336 An Dương Vương (Q.5, TP.HCM), nhóm Trúc gặp một đám đông đang tụ tập xung quanh chiếc xe SH bị ngã, phần nhựa đã bị đập vỡ, xăng chảy ra ngoài. Giữa lúc đám đông la lớn “Đốt đi! Đốt đi”, một người đứng gần đưa cho Trúc chiếc bật lửa. Không hề do dự, Trúc cúi xuống bật lửa châm vào đám xăng, thiêu rụi chiếc xe rồi tiếp tục hò hét. Khi công an xuất hiện, đám đông nhanh chóng giải tán. Trúc quay sang tìm bạn thì bị người dân bắt giữ giao cho công an. Lúc đó, chiếc SH trị giá 73 triệu đồng chỉ còn trơ lại bộ khung và lốc máy.

Giống như vụ án trước đó, việc Trúc đi chơi thâu đêm, suốt sáng cũng không được gia đình quan tâm quản lý hay thắc mắc con mình đang đi đâu, làm gì, chơi với ai. Chỉ đến khi Trúc phạm tội, gia đình mới ngã ngửa khi hay tin.

Thành trì bảo vệ con cái

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trong giới trẻ, Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng, trường Đại học Sư phạm TP.HCM, cho rằng, phần lớn do trẻ bắt chước những hành vi ứng xử của người lớn trong cộng đồng. Trẻ thường nhìn người lớn để làm theo. Nhìn thấy người lớn khi cần sẵn sàng dùng vũ lực với nhau, lôi bè phái để tấn công kẻ yếu, thì dễ tạo cho đứa trẻ cảm giác việc làm này là cần thiết để bảo vệ mình.

Điều đáng sợ hơn, theo bà Hồng, đó là tâm lý trẻ bây giờ không tin vào người lớn. Nếu như trước đây, khi có xích mích gì với bạn bè, thì trẻ có thể về tâm sự, hay nói với ba mẹ hoặc thầy cô, lúc đó, trẻ thường được người lớn quan tâm, giúp giải quyết vấn đề tới nơi tới chốn - còn bây giờ thì không.

Vì sao vậy? “Phân tích vấn đề này, từ những câu chuyện xảy ra, cho thấy khi trẻ thông báo chuyện gì cho người lớn nghe thì nó luôn bất an vì nghĩ rằng người lớn không thấu cảm được với trẻ và đôi khi làm sự việc thêm phức tạp. Thành ra đôi khi, cách can thiệp của người lớn làm đứa trẻ gặp bất lợi hơn là thuận lợi”, bà Hồng trăn trở. Để giải quyết tình trạng trên, bà Hồng cho rằng, cần quan tâm nhiều đến những giải pháp từ gia đình. “Hiện nay, trong khi nhiều vị phụ huynh lúc nào cũng mong muốn con mình phải vượt trội, hơn con người ta, sẵn sàng đem lại mọi điều cho con thì nay có thể đi ngược lại với trào lưu đó bằng cách đôi khi cho con mình biết thua người khác, phải cho nó trải nghiệm cảm giác thua đó”. Qua đó, cần dạy con thấy rằng, thua đó không phải là hèn, không phải là nhục và phân tích cho con hiểu tại sao mình thua để rút ra những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống hằng ngày.

Từ thực tiễn trong công tác giảng dạy, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Đại biểu Quốc hội, Hiệu trưởng trường THPT Gia Định, cho rằng cần trang bị kỹ năng sống, kỹ năng biết tự bảo vệ mình cho học sinh vốn đang thiếu. Đặc biệt, cha mẹ cần dạy con thấm nhuần câu nói rất hữu ích của ông bà xưa: “Một câu nhịn, chín câu lành”; phải biết chịu nhịn để bảo vệ mình. “Ngoài việc cho con hiểu rằng, con là vốn quý của ba mẹ, thì cũng nên cho trẻ thấy rằng bạn mình cũng là vốn quý của ba mẹ bạn. Từ đó, giúp trẻ ý thức việc không chỉ bảo vệ bản thân mà còn giúp trẻ không bạo hành với bạn bè”.

Điều quan trọng, theo các chuyên gia giáo dục, là cha mẹ phải quản lý cho được giờ giấc của con cái. Ngoài giờ học ở trường, thì cha mẹ cần quan tâm, kiểm soát đến cách giải trí của con. Thông thường nhiều phụ huynh quản lý giờ giấc giải trí của con bằng cách thỏa thuận hoặc lên kế hoạch phân rõ giờ giấc giờ học tập, chơi game, đọc sách, xem phim, nghe nhạc... Không dừng lại ở đó, bà Nguyễn Thị Thu Cúc lưu ý các bậc phụ huynh cần quan tâm theo dõi nội dung phim ảnh, trò chơi, nhạc... của con xem có phù hợp với lứa tuổi, đồng thời can thiệp ngay nếu thấy những nội dung không phù hợp...

Gia đình là nền tảng, nên cha mẹ phải ý thức cho được vai trò quan trọng của mình trong việc giáo dục và hình thành nhân cách cho con cái. “Ý thức được điều đó, cha mẹ phải biết xây dựng nếp nhà. Vì thực tế cho thấy khi nếp nhà tốt thì đương nhiên con cái sẽ có sức đề kháng trước những cạm bẫy bên ngoài. Để xây dựng được nếp nhà thì cần giáo dục cho con tình cảm gia đình, để khi đi đâu, làm gì, trẻ cũng nghĩ tới gia đình, giúp chúng ý thức hơn trách nhiệm với gia đình khi thực hiện những hành vi bên ngoài xã hội”, bà Cúc nói. 

Để hiểu và giáo dục con, cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn nữa để trò chuyện, chia sẻ cùng con cái. Có thể tạo ra những mối liên hệ như vậy từ những bữa cơm gia đình, những việc làm chung trong gia đình, hoặc đi chơi cùng gia đình... Đó là những cơ hội để tạo cho con cái sự gần gũi, để con tâm sự những suy nghĩ của mình, từ đó cha mẹ mới có cơ hội hiểu thêm và chia sẻ với con cái.

Từ thực tế ở trường, tôi thấy nhiều bậc phụ huynh thường bao che đối với những việc làm sai của con cái. Điển hình như con đi học trễ do ngủ dậy trễ, phụ huynh thường lấy lý do này, lý do kia, chẳng hạn như kẹt xe để “gỡ tội” cho con. Chính những hành động nhỏ như vậy, trẻ dần không biết chịu trách nhiệm về việc làm sai của mình. Do đó, cha mẹ cần ý thức rằng, thà để con mình bị phạt để chúng ý thức được khi mình làm sai thì phải biết chịu trách nhiệm.

(Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Đại biểu Quốc hội, Hiệu trưởng trường THPT Gia Định, TP.HCM)

Minh Nam - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.