Ngôi trường mới của trẻ tự kỷ

26/09/2010 17:09 GMT+7

Sau khi trao bé Đ.M.H (21 tháng tuổi) cho cô giáo, cả ông bà nội lẫn mẹ cháu cùng nán lại hỏi thăm bác sĩ về bệnh tình cũng như những thay đổi của cháu.

Tiếp chuyện họ hết sức thân tình và cởi mở là TS - BS Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí (số 214/25F Điện Biên Phủ, P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). BS Mẫm nói: “Có con tự kỷ, phụ huynh thường cảm thấy bất hạnh và lo lắng khôn nguôi”. Đó không phải là lời xã giao, mà chính là những chiêm nghiệm rút ra từ gan ruột của ông, một người cha cũng có con mắc chứng tự kỷ. Vì thế, người thân của bé Đ.M.H cũng như những phụ huynh khác cảm nhận sự đồng cảm sâu sắc khi trải lòng cùng ông.

Trong quãng thời gian vất vả tìm nơi dạy trẻ tự kỷ, BS Mẫm ấp ủ tâm nguyện sẽ xây một trường chuyên biệt dành cho con ông và những đứa trẻ kém may mắn khác. Ngày 19.7.2010, trường Khai Trí chính thức đi vào hoạt động trong niềm vui khôn xiết của vị bác sĩ này và những người hỗ trợ ông, trong đó có những đồng đội phong trào học sinh, sinh viên thời chống Mỹ. Nằm ở khu dân cư yên tĩnh, ngôi trường này có tổng diện tích hơn 3 ngàn m2, gồm 3 khu với 12 phòng học được trang bị những dụng cụ chuyên biệt và sân chơi rộng, nhiều cây xanh cùng những trò chơi ngoài trời phong phú. Bên cạnh đó, còn có hồ tắm phun nước trị liệu cho trẻ... Nơi đây tiếp nhận học sinh từ 2-10 tuổi là những trẻ tự kỷ, trẻ gặp khó khăn về giao tiếp và rối loạn phát triển khác (như hội chứng Down, bại não, động kinh nhẹ)...

Theo TS - BS Mẫm, đối với học sinh chuyên biệt, nhà trường áp dụng những phương pháp giảng dạy hiệu quả trên thế giới như: ABA, TEACCH, FLOORTIME, RDI. Được biết, sau 1 tháng đầu tiên dạy dỗ và quan sát trẻ, nhà trường tổ chức buổi trao đổi thẳng thắn giữa giáo viên với từng phụ huynh về những thay đổi hay tồn tại của trẻ. Đối với những ca đặc biệt khó, sẽ có thêm sự tham vấn của chuyên gia Thụy Sĩ, Canada, Úc... Ngoài tình thương trẻ, mỗi cô giáo ở đây còn có trách nhiệm ghi lại những phản ứng, cử chỉ, hoạt động của trẻ trong ngày. Những ý kiến này sau đó lần lượt được chuyển tải trong nhật ký giáo viên và sổ liên lạc với phụ huynh.

Hơn 2 tháng qua, 16 học sinh tự kỷ học tại trường Khai Trí đã có những tiến bộ nhất định, nhất là về kỹ năng tự lập. Ấn tượng nhất là trường hợp em G.B - 7 tuổi, tạm trú tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Cha mẹ G.B hành nghề vá sửa xe. Do quá hiếu động, G.B trước đây thường xuyên bị cha mẹ đánh đập và trói ở góc nhà, khi được đưa vào trường, gặp ai/cái gì cháu cũng nhéo, cắn, hoặc hất đổ. Cô giáo bế cháu vào lớp cũng bị cắn. Tuy nhiên đến nay, G.B đã đỡ quạu quọ, bớt đập phá...

“Đối với những cháu có dấu hiệu tự kỷ, chỉ cần một vài thay đổi tích cực là đáng mừng rồi. Trong giai đoạn từ 0 - 2 tuổi rưỡi, nếu các cháu được kiểm tra, phát hiện và can thiệp sớm thì khả năng hội nhập rất tốt”, TS - BS Huỳnh Tấn Mẫm chia sẻ.

Nguyễn Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.