Gia đình cần là tổ ấm

25/09/2010 10:44 GMT+7

Gia đình vốn được xem là nơi an toàn, bình yên của mỗi người. Vì vậy khi bạo hành gia đình xuất hiện cũng là lúc niềm tin vào chốn quay về vốn đẹp đẽ, thiêng liêng ấy bị lung lay dữ dội.

Trước những câu chuyện đau lòng về bạo hành gia đình: mẹ ruột đánh con tàn nhẫn, chồng đánh vợ... và cả hành xử hung hăng của một số bạn trẻ ở tuổi học trò xuất hiện trong thời gian qua, TS tâm lý Đinh Phương Duy chia sẻ: “Bạo hành trong gia đình hay nói rộng ra là bạo lực xã hội, đặc biệt là những hành vi bạo lực quá đáng, có thể gây những hệ quả xấu như lo lắng, tâm lý bất ổn, mất niềm tin vào cuộc sống, xã hội của cộng đồng nói chung”.

“Theo tôi, ba nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia tăng gồm: biện pháp xử lý các hành vi bạo lực chưa đủ mạnh; việc giáo dục đạo đức hiện nay chưa có cách thức phù hợp, nhất quán cho từng nhóm đối tượng; nhận thức về đạo đức, ý thức đạo đức của một bộ phận lớp trẻ đang có khuynh hướng phai dần, tâm lý hướng ngoại mà quên mất cái đức độ, giềng mối đạo đức của người Việt”.

TS Đinh Phương Duy

Những nạn nhân nhỏ tuổi trong các vụ bạo hành gia đình, bạo lực học đường... thường làm dấy lên nhiều cảm xúc phẫn nộ mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là mối lo lắng cho sự tổn thương tâm lý, phát triển nhân cách của các em. Bác sĩ Trịnh Tất Thắng - giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - cho biết: “Trẻ em vốn rất nhạy cảm, những hành động bạo lực như đánh, mắng nhiếc... là những kích thích mà trẻ có thể cảm nhận ngay khi mới được sinh ra. Những hành động ấy có thể gây stress nặng cho trẻ, làm trẻ bị ám ảnh, không dám ăn, không ngủ được...”. Nguy hiểm hơn, những trẻ bị bạo hành dễ mất niềm tin vào cha mẹ, nghi ngờ mọi người, luôn thủ thế, sẵn sàng tấn công, cảm thấy bản thân vô dụng - không có giá trị, phát triển tinh thần lệch lạc dễ dẫn đến những suy nghĩ bất thường, nhân cách bất thường, trở thành người thuộc nhóm antisocial (chống đối xã hội)...

Kiểm soát cảm xúc

Trừ những người đang mang những dạng bệnh trong tâm thần có nguy cơ sinh ra bạo hành (loạn tâm thần, dạng nhân cách tự yêu - luôn cho mình là trung tâm, nghiện rượu, nghiện ma túy, bị trầm cảm, nhóm người antisocial - chống đối xã hội...), kiểm soát cảm xúc, kiểm soát bản năng bạo lực trở thành chìa khóa quan trọng của mỗi cá nhân trong cuộc sống.

TS tâm lý Đinh Phương Duy nhấn mạnh: “Làm chủ cảm xúc là điều mà cả bạn trẻ lẫn người lớn phải học. Kìm nén là một hình thức làm chủ cảm xúc, nhưng sau đó phải có thiện chí tìm cách nào đó tích cực để giải tỏa cảm xúc ấy. Không nên kìm nén mãi, vì sẽ đến lúc cảm xúc ấy bùng nổ còn nguy hiểm hơn. Trong cuộc sống, nên biết chấp nhận và đừng quá quan trọng hóa mọi vấn đề”.

“Một số trẻ bị bạo hành khi trưởng thành sẽ có khuynh hướng bạo hành với con cái. Có một cơ chế vô thức rằng khi người mẹ từng bị bạo hành lúc nhỏ, có nguy cơ cao sẽ bạo hành với chính con mình. Những người có hành vi bạo hành có thể sau đó hối hận nhưng sự hối hận này không đủ mạnh, không vượt qua được bản năng bạo hành nên tiếp tục bạo hành lần 2, lần 3...”.

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng
(giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM)

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.