Nhiều địa phương không còn đất xây khu vui chơi cho trẻ em

22/09/2010 14:55 GMT+7

(TNO) Báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (UBVH-GD-TTN-NĐ của QH) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em giai đoạn 2007 - 2009 cho thấy, có quá nhiều bất cập trong quá trình thực thi chính sách trên cho trẻ em mà nguyên nhân căn bản xuất phát từ nhận thức của lãnh đạo bộ ngành, địa phương.

Theo Chủ nhiệm UBVH-GD-TTN-NĐ của QH, ông Đào Trọng Thi, cho đến nay, trên bình diện cả nước và nhiều địa phương vẫn chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể về phát triển các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em.

Đặc biệt, nhiều địa phương, vùng miền, cả thành thị lẫn nông thôn không còn quỹ đất để bố trí xây dựng các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em, nhất là ở cấp xã. Trong khi đó, các nội dung của Nghị định 36 ban hành năm 2005 của Chính phủ đều có quy định trách nhiệm các Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường cũng như UBND các tỉnh khá rõ ràng về vấn đề này.

Một tồn tại khác là việc quy hoạch các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em mới chỉ tập trung chủ yếu ở các đô thị, khu vực trung tâm huyện mà chưa chú trọng quy hoạch ở cấp xã. Vì vậy, nhiều trẻ em, nhất là trẻ em nông thôn, vùng sâu, vùng xa ít có cơ hội và điều kiện để tiếp cận với các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí. Thậm chí, có không ít cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em phải thay đổi địa điểm hoặc phải nhường đất để chuyển sang sử dụng vào mục đích khác.

Cũng theo Chủ nhiệm Đào Trọng Thi thì việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng, trong đó có đối tượng thụ hưởng là trẻ em, nhất là thiết chế văn hóa tại các xã, phường, thôn bản còn thiếu tập trung, dàn trải trong nhiều chương trình khác nhau do nhiều bộ, ngành quản lý.

Điều đáng nói là trong dự toán xây dựng các thiết chế văn hóa, trường học, trung tâm văn hóa, thể thao ở nhiều nơi hầu như không có mục chi cho nội dung đầu tư vui chơi, giải trí cho trẻ em.

“Rất hiếm tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quy định tỷ trọng ngân sách hằng năm đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em nói riêng”, ông Thi cho biết.

Không những không phát triển mới được nhiều khu vui chơi, giải trí cho trẻ em mà nhiều cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em cùng với trang thiết bị được đầu tư, mua sắm trước đây cũng đã và đang xuống cấp, hư hỏng nhiều nhưng không có nguồn kinh phí để sửa chữa (có địa phương chỉ còn khoảng 30% số cơ sở đã đầu tư còn sử dụng được).

“Mặt khác, do sự đầu tư thiếu đồng bộ nên không ít cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em tại nhiều địa phương mới được xây khang trang nhưng không có kinh phí để mua sắm trang thiết bị, gây lãng phí lớn”, báo cáo của UBVH-GD-TTN-NĐ của QH nhấn mạnh.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên có nhiều nhưng theo UBVH-GD-TTN-NĐ của QH thì căn bản nhất vẫn là nhận thức về vai trò, trách nhiệm của một số bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và sử dụng các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em còn chưa đầy đủ, toàn diện; sự chỉ đạo của Chính phủ còn thiếu sát sao, kiên quyết; công tác giám sát, thanh kiểm tra của cơ quan Nhà nước còn chưa thường xuyên…

Tại phiên giải trình với UBVH-GD-TTN-NĐ của QH, tổ chức sáng 22.9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh thừa nhận những yếu kém nói trên và khẳng định tới đây sẽ tiến hành điều tra khảo sát thực trạng các nhà văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em trên toàn quốc. Trên cơ sở đó sẽ lập quy hoạch tổng thể cấp T.Ư và tỉnh, thành về xây dựng cơ sở văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.