Để 1 euro viện trợ tạo ra 2, 3... euro

22/09/2010 04:26 GMT+7

Viện trợ từ các nước công nghiệp giàu có cho các nước nghèo hơn được xem là chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển. Các bộ trưởng và quan chức dành hàng giờ để mặc cả các gói viện trợ, còn những người chỉ trích thường xem đó là “của bố thí” cho các nước nghèo. Làm thế nào để viện trợ có hiệu quả?

Viện trợ chính thức từ các nước giàu cho các nước nghèo vẫn là một công cụ quan trọng cho cuộc chiến chống nghèo đói. Tuy nhiên trong thế kỷ 21, phấn đấu cho sự tăng trưởng và phát triển không còn đơn thuần chỉ là tăng viện trợ phát triển.

Điều này đặc biệt đúng tại châu Á, nơi nhiều nước đang tiến từ vị trí thu nhập thấp sang thu nhập trung bình. Thật vậy, trong khi nghèo đói cùng cực vẫn là một thực tế ở châu Á thì nhiều nước trong khu vực đã phát triển được bằng nỗ lực trong nước, thương mại và việc tiếp cận với các dòng tài chính tư nhân mà không dựa nhiều vào nguồn viện trợ.

Ông Andris Piebalgs, cao ủy châu u phụ trách phát triển, tại một hội nghị ASEM ở Yogyakarta (Indonesia) ngày 26-5 đã nói rằng các thay đổi từ sự tăng trưởng của châu Á đòi hỏi phải suy nghĩ lại hoạt động của viện trợ phát triển của châu u đối với khu vực. “Chúng ta không thể ứng xử với Trung Quốc giống như đối với Campuchia” - ông nói.

“Ở một số nước, đó là thiết lập các dịch vụ cơ bản. Ở những nước khác, đó lại là hỗ trợ tăng trưởng, việc làm và phát triển... Chúng tôi sẽ lắng nghe nhu cầu của các nước và điều chỉnh các công cụ và sự hợp tác của mình” - cao ủy Piebalgs thông báo với 200 chuyên gia và quan chức cao cấp của châu Á và châu u cũng như đại diện các tổ chức quốc tế và các nhóm xã hội dân sự tham dự hội nghị ở Yogyakarta.

Phát triển bền vững dựa trên nhiều thứ chứ không chỉ viện trợ. Như Koos Richelle, tổng cục trưởng tổng cục phát triển của Ủy ban châu u, đã chỉ ra tại Manila (Philippines), viện trợ “chưa bao giờ đưa các nước ra khỏi nghèo đói”. Tăng trưởng và phát triển đến từ “chính sách của đất nước và nỗ lực của người dân” - ông nói.

Điều quan trọng, để đảm bảo tăng trưởng phải huy động một loạt chính sách “phi viện trợ” để hỗ trợ phát triển. Điều này phụ thuộc vào việc quản trị công hiệu quả - trong đó bao gồm hệ thống thuế công bằng và hành động chống tham nhũng - do các chính phủ quốc gia thực hiện. Trọng tâm là cải cách chính trị và kinh tế cũng như xây dựng các nền kinh tế thị trường. Phát triển không thể bị áp đặt từ bên ngoài, mà phải là công việc của chính các nước. Các nước đang phát triển phải thực thi các chính sách và chiến lược đúng đắn, với sự tham gia của các chủ thể nhà nước và phi nhà nước.

“Chúng tôi mong muốn được làm việc trong tinh thần các nước chủ động thực hiện sự phát triển của chính mình... Chúng tôi không tiếp cận theo cách bên cho - bên nhận nữa mà làm việc như các đối tác bình đẳng trong một ngôi làng toàn cầu đầy thách thức” - ông Piebalgs nhấn mạnh.

Nói cách khác, hợp tác phát triển không còn là làm từ thiện mà là thúc đẩy lợi ích riêng của lẫn nhau. Như Trung Quốc chẳng hạn, trong một thế giới toàn cầu hóa liên kết với nhau, việc tăng sự thịnh vượng ở một nước hay khu vực được thể hiện thành thương mại, đầu tư và doanh thu bán hàng tăng lên ở các phần khác của thế giới.

Việc khuyến khích đầu tư tư nhân và các dòng tài chính, thúc đẩy quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư, hỗ trợ các tổ chức xã hội và đảm bảo tính gắn kết về chính sách sao cho tất cả các chính sách quốc tế hoạt động theo cùng một hướng - cụ thể là làm giảm đói nghèo và bệnh tật - mới là điều quan trọng.

“Viện trợ thông minh hơn” nghĩa là sự trợ giúp có chọn lọc hơn, mang tính đổi mới và hiệu quả hơn, cần phải là mục đích trọng yếu.

Các vấn đề này và những vấn đề khác nữa cần được tìm hiểu thêm trong bối cảnh ASEM.

Thứ nhất, vì EU là nhà cung cấp viện trợ ODA lớn nhất trên thế giới, gần 4 tỉ euro mỗi năm để viện trợ cho các nước châu Á kém thịnh vượng là thành viên của ASEM.

Thứ hai, vẫn còn nhiều người đang sống trong nghèo cùng cực ở châu Á.

Thứ ba, hiện đang có một đòi hỏi bức thiết về sự hợp tác và điều phối mạnh mẽ hơn giữa EU và các nước châu Á, vốn đồng thời cũng là nhà tài trợ, như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ.

Thứ tư, EU và các nước châu Á cần đánh giá lại xem liệu viện trợ phát triển có nên tiếp tục đóng vai trò đáng kể trong các nước thu nhập trung bình và các nền kinh tế đang nổi lên của châu Á như Trung

Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Thái Lan hay không, hay liệu đã đến lúc xem xét các hình thức khác để huy động các nguồn lực cho phát triển.

Khi các nguồn lực nói chung còn hạn chế, đã có tranh luận nghiêng về tập trung các quỹ phát triển cho các nước nghèo hơn của châu Á. Điều này không có nghĩa là làm ngơ với tình cảnh của người nghèo tại các nước có thu nhập trung bình mà là cần có tư duy sáng tạo hơn để huy động các nguồn lực tại chính các quốc gia này.

“Viện trợ của EU nên đóng vai trò là chất xúc tác cho các khoản đầu tư bổ sung - ông Pielbags nêu rõ tại cuộc họp ở Yogyakarta - Nó phải được dùng theo cách 1 euro tạo ra 2 hoặc nhiều euro”.

Giải thưởng Xích đạo cho làng tre

Cứ hai năm một lần, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) lại chọn ra 25 dự án môi trường, đa dạng sinh học và phát triển bền vững trên thế giới để trao giải thưởng Xích đạo.

Năm nay, giải thưởng được trao cho làng tre Phú An ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Lễ trao giải diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ (New York) vào sáng sớm 21-9 (giờ VN) và gặp gỡ chủ nhiệm dự án được giải.

Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh - 58 tuổi, chủ nhiệm dự án làng tre - nói với Tuổi Trẻ ngay trước khi bước lên bục nhận giải: “Tôi rất vui và hãnh diện với giải thưởng này khi một dự án bảo tồn sinh học của Việt Nam nhận được sự thừa nhận ở quy mô thế giới”.

Giải thưởng Xích đạo ngoài phần thưởng 5.000 USD còn là sự động viên tinh thần thật sự cho một dự án đầy dũng cảm và mang tính đột phá nhưng gặp rất nhiều khó khăn đối với tiến sĩ Hạnh, bởi rõ ràng một dự án bảo tồn với mục tiêu phát triển bền vững không thể là một dự án kinh doanh vì lợi nhuận. “Tôi rất mong muốn nhân rộng mô hình này ra nhiều làng quê nữa ở Việt Nam, hỗ trợ những người nghèo để giúp họ hiểu rằng chính họ chứ không phải ai khác sẽ là người gìn giữ sự đa dạng sinh học ở nơi họ sinh sống” - bà Hạnh chia sẻ.

Tiến sĩ Hạnh cũng khẳng định việc các doanh nghiệp chung sức với dự án của bà không chỉ có ý nghĩa thiện nguyện, mà ngành sản xuất tre và các sản phẩm từ tre có thể mở ra nhiều cơ hội kinh doanh lớn thật sự.

Hải Minh (từ New York)

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.