Cuộc đua quyết liệt trên đường bay nội địa

21/09/2010 00:24 GMT+7

Ngoài hai cái tên quen thuộc là Vietnam Airlines (VNA) và Jetstar Pacific (JP), tới đây thị trường hàng không nội địa sẽ xuất hiện thêm nhiều cái tên khác như Air Mekong, Blue Sky Air, VietJet Air.

Để giữ thị phần, các hãng hàng không không những phải cạnh tranh quyết liệt về giá cả, dịch vụ mà còn phải có một chiến lược bài bản. Đây là tín hiệu vui đối với người tiêu dùng, vì có thêm lựa chọn.

Chấp nhận lãi ít để hút khách

VNA vừa tung ra chương trình giảm giá gây sốc, giảm tới 50% giá các đường bay nội địa, kể cả các “chặng bay vàng” lẫn các chặng thường xuyên ế khách, với mức giá chỉ còn từ 400.000 - 860.000 đồng/chặng. Theo lý giải của VNA, chương trình giảm giá lớn này nhằm đa dạng hóa chính sách giá trên các đường bay do VNA khai thác, góp phần kích cầu du lịch nội địa.

Ngay sau đó, hãng hàng không giá rẻ JP cũng tỏ ra không kém cạnh, khi tung ra chương trình khuyến mãi 1.000 vé máy bay giá 100.000 đồng, kéo dài từ ngày 9.9 - 10.10. 

Trong khi các hãng đều than, nhiều đường bay nội địa bị lỗ, phải lấy các đường bay quốc tế bù vào thì việc tung ra các chương trình khuyến mãi trên là điều mà nhà vận chuyển không hề muốn. Nếu không có cạnh tranh, khách hàng sẽ rất khó hy vọng có những đợt giảm giá khủng như vậy.

Theo tin từ Air Mekong, ngày 10.10 hãng này sẽ bay chuyến đầu tiên. Với bốn máy bay Bombadier 90 chỗ ngồi (76 chỗ hạng phổ thông, 14 chỗ hạng thương gia), tần suất dự kiến 20-30 chuyến bay/ngày, hãng hàng không mới này sẽ cung cấp vài ngàn chỗ/ngày, phục vụ các đường bay từ TP.HCM và Hà Nội đến các sân bay ở Phú Quốc, Côn Đảo, Buôn Ma Thuột, Vinh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng.

Theo ông Võ Huy Cường, Phó trưởng ban Vận tải hàng không, Cục Hàng không VN, mùa thấp điểm như tháng 9, tháng 10 các hãng vẫn phải chấp nhận bớt doanh thu để tăng cường năng lực cạnh tranh, kích thích nhu cầu thị trường. Ông Cường cho rằng, việc hai hãng đang thống lĩnh thị trường cùng giảm giá sẽ gây sức ép cạnh tranh gay gắt hơn với các lính mới như Air Mekong, Blue Sky Air. Với lợi thế sẵn có của mình, VNA càng khai thác tốt thì các hãng nhỏ, đặc biệt là hãng mới càng gặp khó khăn hơn. Mới đây, JP đã phải ngừng bay tuyến Hà Nội - Nha Trang cũng vì lý do mùa thấp điểm, nhu cầu bay của khách hàng rất ít. Nhưng nhiều luồng dư luận vẫn cho rằng, việc ngừng bay tuyến này của hãng còn liên quan đến sức ép cạnh tranh từ phía VNA.

Tránh đường... “ông lớn”

Đại diện của Air Mekong tỏ ra khá tự tin khi cho rằng, cạnh tranh là chuyện tất yếu và hãng đã có những đối sách riêng. “Mỗi hãng có đường đi khác nhau, lợi thế của Air Mekong không phải là giá mà là tàu bay thương gia, dịch vụ, các đường bay, và cách tiếp cận với khách hàng”, đại diện của Air Mekong bày tỏ, và cho biết hãng đã có hơn 100 đại lý chính thức ký hợp đồng.

Các hãng tư nhân vào sau đã có sự lựa chọn khôn ngoan hơn khi lựa lối hẹp. Cụ thể như Air Mekong chỉ mở một số đường bay du lịch rất có tiềm năng như Sài Gòn - Phú Quốc/Côn Đảo hay Hà Nội - Phú Quốc. Hãng này cũng có dự định khai phá những thị trường du lịch như Buôn Ma Thuột, Đà Lạt bằng tàu bay động cơ phản lực, số ghế ít nhưng phù hợp với các thị trường nhỏ. Ngoài ra, Air Mekong cũng đã tính đến chuyện mở đường bay quốc tế nếu đường bay nội địa khai thác thành công.

Blue Sky Air triển khai ý tưởng cho thuê tàu bay, bay du lịch, phục vụ đối tượng khách hạng thương gia, không sợ “đụng hàng” bởi hiện mới chỉ có Công ty bay dịch vụ SFC của Bộ Quốc phòng được phép cung cấp dịch vụ này.

Về phía mình, Air Mekong cũng cho biết, đã sẵn sàng đối mặt với chuyện lỗ trong giai đoạn đầu hoạt động, bởi kinh doanh hàng không là vấn đề dài hạn. Tuy nhiên, theo một chuyên gia, với những hãng tư nhân không có được sự hậu thuẫn tốt từ phần vốn nhà nước, về lâu dài nếu không có giải pháp tránh lỗ, rất dễ rơi vào tình cảnh như của Indochina Airlines trước đây.  Mặt khác, việc chưa khai thác được đường bay quốc tế cũng là bất lợi của các hãng hàng không nhỏ, khi không thể lấy lãi quốc tế bù đắp lỗ nội địa như VNA.

Để cạnh tranh được với VNA tại nhiều “tuyến bay vàng” như Hà Nội - TP.HCM, lựa chọn duy nhất của các hãng vẫn là hút khách hàng bằng mức giá thấp hơn, tức chấp nhận lợi nhuận ít hơn, thậm chí có nguy cơ lỗ.

Thống kê của Cục Hàng không VN cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2010, lượng khách đi lại bằng hàng không tăng 33% so với cùng kỳ năm 2009. “Tiềm năng của thị trường vẫn rất lớn, và các hãng khi tham gia đều phải cạnh tranh sòng phẳng với nhau, nếu không trụ được thì sẽ bị đào thải”, ông Cường nhìn nhận.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.