Tiến Đoàn “đối đầu” Hoàng Anh

19/09/2010 10:32 GMT+7

Ðó là cuộc đối đầu ở hai tuyến nhân vật chính diện - phản diện trong bộ phim truyền hình 40 tập Phía cuối cầu vồng bắt đầu trình chiếu từ ngày 16-9 trên VTV3.

Gọi vui những diễn viên nam của mình là "kim cương", Mai Thanh Phong, đạo diễn của Những ngọn nến trong đêm và gần đây nhất là Blog nàng dâu, nhận xét: "Với công việc chính là người mẫu, các bạn có thể đẹp như kim cương và đôi khi diễn cũng hơi... cứng như kim cương. Nhưng tôi tạm hài lòng với những gì các bạn ấy đã thể hiện".

Tiến Ðoàn và Hoàng Anh cũng chia sẻ vài kỷ niệm quanh bộ phim này.

* Ðạo diễn đã hỗ trợ thế nào cho các anh trong diễn xuất, đặc biệt trong những cảnh có nhiều kịch tính?

- Tiến Ðoàn: Bản thân tôi chưa từng đóng phim, tại Bước nhảy hoàn vũ cũng bị chê là cứng. Nhưng anh Phong nói hãy khai thác yếu tố tự nhiên (chưa có kinh nghiệm diễn xuất) và... tưởng tượng. Hãy nghĩ mình không phải là một Tiến Ðoàn lịch lãm nữa. Như Anthony Hopkins thủ vai tên bác sĩ biến thái có sở thích ăn thịt người (phim Sự im lặng của bầy cừu) đã đóng đạt đến nỗi chính bà mẹ của diễn viên này phải thốt lên: "Tôi không nghĩ con tôi lại tàn ác đến thế!".

Anh Phong khuyên tôi phải tìm điểm nhìn để phát huy đôi mắt, phải biết nghiến răng hay siết chặt bàn tay ra sao cho toát ra được cái dã tâm của nhân vật Peter Yeo.

Trước khi bước vào cảnh nóng, đạo diễn cũng dặn sex trong điện ảnh không phải chuyện mô tả việc nhân vật không còn trang phục trên người. Anh yêu cầu tôi cần bộc lộ cảm xúc toại nguyện của nhân vật sau khi đạt được việc đó. Tôi và bạn diễn đã trao đổi về cách tạo đường nét cho cảnh quay, đạo diễn tính toán về không gian, góc quay để chúng tôi diễn trong tâm lý thoải mái nhất.

- Hoàng Anh: Nhân vật chính diện thường tạo cảm giác nhàm chán cho khán giả vì biên độ cảm xúc của anh ta rất hẹp, từ đầu tới cuối phim chỉ làm người tốt. Ðôi khi tôi được phép sáng tạo, kể cả lời thoại và cho Nam Phong trỗi dậy. Dù hai nhân vật nam có mâu thuẫn với nhau nhưng sự đấu trí hầu hết diễn ra đằng sau công ty.

Cảnh đấu tay đôi hiếm hoi, lời thoại của tôi dài cả trang, Tiến Ðoàn nói đúng ba câu. Còn lại không có lời thoại, chúng tôi chỉ thể hiện bằng mắt, cơ mặt...

* Trường đoạn nào vượt qua kinh nghiệm diễn xuất của anh?

- Tiến Ðoàn: Cảnh Peter lạnh lùng bỗng bộc bạch về tuổi thơ bị người mẹ bỏ rơi trong cô nhi viện. Khi ấy tôi phải thuyết phục khán giả dừng một phút và thương lấy nhân vật đã độc ác suốt gần 40 tập phim, để hiểu mọi sự tàn nhẫn của anh ta có gốc gác từ quá khứ. Ðạo diễn cũng yêu cầu tôi phải khóc và tôi đã làm thế trong... 20 phút.

Cảnh quay xong, anh Phong ra vỗ vai hỏi tôi: Tuổi thơ em có khổ lắm không, có bị hành hạ chà đạp không mà nhập vai quá vậy?(cười)

- Hoàng Anh: Ðó là cảnh kết khi Nam Phong tìm gặp Lim trong một ngôi biệt thự, bộc lộ hết những yêu thương dồn nén quá lâu. Tôi đã không dễ dàng trong việc thể hiện những cảnh đó, cái nắm tay siết chặt hay một nụ hôn ngọt ngào. Tôi đã phải rất tập trung và "yêu say đắm" bạn diễn của mình để những cảnh cuối được tự nhiên nhất!

Phát sóng vào 21g từ thứ hai đến thứ sáu, Phía cuối cầu vồng (đạo diễn: Mai Thanh Phong, biên kịch: Hoàng Nhung, quay phim: Lê Minh Hà) được chuyển thể từ truyện dài Công ty của tác giả Phan Hồn Nhiên.

Là bộ phim đầu tay của Trần Gia Media, nội dung phim xoay quanh một công ty quảng cáo (Big Sun). Ở đây xuất hiện vị tổng giám đốc đầy bản lĩnh Nam Phong (Hoàng Anh thủ vai) và phó tổng giám đốc lắm thủ đoạn Peter Yeo (Tiến Đoàn thủ vai). Chen vào cuộc đời họ là hai bóng hồng với hai cách vào đời đối lập.

Thành công đưa Nam Phong vào một cuộc hôn nhân mang tính hợp đồng, nhưng Bảo Trang (Lục Diệp đóng) sắc sảo lại không thể giữ chân khi anh tìm đến một thứ tình yêu có thật với cô nhân viên Lim (Bích Huyền đóng).

Phim cũng đi vào khai thác vấn đề tình yêu đồng giới khi xuất hiện nhân vật Katherin Trần (hoa hậu thân thiện, Hoa hậu Hoàn vũ VN 2008 Dương Thùy Linh đóng)...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.