Hiểm họa từ lòng đất

18/09/2010 00:59 GMT+7

Mối nguy từ những đường ống ngầm cũ kỹ đang chực chờ dân Mỹ khi hệ thống dài đến 4 triệu km này không được quan tâm bảo dưỡng.

Tuần trước, ngoại ô thành phố San Bruno thuộc tiểu bang California rung chuyển khi một đường ống ngầm dẫn khí đốt đột ngột phát nổ, khiến ít nhất 4 người chết, hơn 50 người khác bị thương, đồng thời quất sập ít nhất 50 ngôi nhà. Vụ việc đã hé lộ sự thật về một vấn đề vô cùng nghiêm trọng nhưng luôn được che lấp từ bấy lâu nay: phần lớn cộng đồng dân cư trên toàn nước Mỹ đang ở trên những đường ống ngầm được lắp đặt cách đây nhiều thập niên, lúc chưa có ai đến ở.

Hiểm họa được báo trước

Như đa số các đường ống dẫn khí trên toàn quốc, đường ống ở San Bruno đã tồn tại hơn 50 năm - vừa đúng tuổi thọ dự kiến của các đường ống bằng thép, dù Công ty điện lực và khí đốt Thái Bình Dương PG&E cam đoan hệ thống này vừa được kiểm tra an toàn trong năm nay. Sau thảm kịch nói trên, PG&E thiết lập một quỹ trị giá 100 triệu USD để hỗ trợ người dân tái thiết cuộc sống, với mức khoảng 15.000 - 50.000 USD/đầu người, theo AP. Tuy nhiên, số tiền này chẳng thấm vào đâu. Theo số liệu của website City-data.com, một căn nhà ở San Bruno có giá khoảng 680.000 USD.

Từ lâu, dư luận đã tỏ ra quan ngại về độ an toàn của các đường ống cũ kỹ nhưng vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Một phần lý do là chính quyền thường phó thác chuyện này cho các công ty điện lực và khí đốt, trong khi những công ty này lại do dự khi phải đổ tiền vào việc bảo dưỡng và thay thế những đường ống già cỗi. Quá trình đô thị hóa chóng mặt càng làm nguy cơ thêm trầm trọng khi những khu vực dân cư mọc lên như nấm ở gần hoặc ngay trên hệ thống ống dẫn khí khắp cả nước. “Đã có nhiều cảnh báo lâu nay về những sự cố như ở San Bruno vì giới hữu trách không ngăn chặn hiệu quả kiểu xây dựng tràn lan gần các đường ống”, AP dẫn lời nhận định của luật sư Paul Blackburn ở South Dakota.

Đài CBS dẫn thông tin từ chính quyền Mỹ cho hay kể từ năm 1990, những sự cố liên quan đến đường ống dẫn khí đốt gây thiệt hại gần 1 tỉ USD. Một bản tin khác của CBS nêu rõ: Trong hơn 2 thập niên qua, giới chức liên bang đã thống kê 2.840 sự cố đường ống khí đốt trên toàn quốc, bao gồm 992 vụ gây thiệt hại về con người.

Trước vụ nổ ở San Bruno, nước Mỹ từng bàng hoàng chứng kiến một chuỗi sự cố cơ sở hạ tầng trong mấy năm gần đây, trong đó có vụ nổ đường ống hơi nước xé toạc một con đường ở Manhattan vào năm 2007, theo AP. Tuổi của đường ống trong vụ đó cũng phải hơn 80 năm.

Những “quả bom nổ chậm”

Các chuyên gia cảnh báo những sự cố khủng khiếp như tại San Bruno sẽ còn xảy ra trong tương lai do hệ thống đường ống bao phủ quá rộng mà lại ngày càng hao mòn dần. Hiện có hơn 60 triệu hộ gia đình tại Mỹ sử dụng khí đốt thiên nhiên, chiếm khoảng phân nửa dân số nước này. Hơn 60% các đường ống đã được sử dụng từ 40 năm trở lên. Hầu hết đều làm bằng thép, đó là chưa kể những hệ thống làm bằng gang hoặc thậm chí bằng gỗ như ở một số nơi tại Pennsylvania. Các đường ống dẫn khí tại khu vực đông đúc dân cư như San Bruno được liệt vào mục “các khu vực sẽ chịu hậu quả cao nếu có sự cố”. Những khu vực này chiếm trên dưới 34.000 km, tức khoảng 7% của gần 500.000 km đường ống trung chuyển khí đốt trên toàn quốc.

Giới quan sát liên tục chỉ trích các công ty khí đốt không sẵn sàng chi tiền để tránh những thảm họa tương tự như tại California. Chi phí thay thế riêng ở khu vực này có thể vượt quá 30 triệu USD. “Những công ty như PG&E luôn có những ưu tiên riêng để duy trì lợi nhuận. Điều này có thể gây hại cho sức khỏe và môi trường”, luật sư Bill Marcus nói với AP. Công ty của ông Marcus tại California chuyên tư vấn cho các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng trong các vụ việc liên quan đến khí đốt.

Năm 2002, Quốc hội Mỹ thông qua luật yêu cầu giới hữu trách phải kiểm tra những hệ thống đường ống chạy dưới các khu đông đúc dân cư. Trong 5 năm sau đó, hơn 3.000 trường hợp có vấn đề đã được xác định. Tuy nhiên, ngay cả khi phát hiện được những đường ống bị lỗi, chính quyền cũng không yêu cầu hay bắt buộc những công ty chịu trách nhiệm phải cam kết sửa chữa. Việc bảo đảm an toàn còn trở nên phức tạp hơn vì sự chằng chịt của các ống dẫn trong hệ thống khí đốt tự nhiên tại Mỹ. Cơ quan Đường ống liên bang cho hay Mỹ có trên 4 triệu km đường ống đan xen dưới lòng đất, đủ để bao quanh Trái đất khoảng 100 lần. Tuy nhiên, cơ quan này chỉ có khoảng 100 thanh tra liên bang để đảm bảo các công ty điện và khí đốt thực hiện đúng luật.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.