Cải cách chính trị ở Trung Quốc - Bài 1: Chiếc áo đã chật

12/09/2010 22:33 GMT+7

Ngày càng có nhiều người tin rằng, sẽ sớm diễn ra cải cách chính trị tại Trung Quốc sau những phát biểu gần đây của các nhân vật cấp cao trong giới lãnh đạo đất nước này.

Tín hiệu quan trọng

Thực ra, lời kêu gọi cải cách chính trị của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Thâm Quyến ngày 22.8 chỉ là sự nhấn mạnh và chính thức phát tín hiệu cải cách thể chế chính trị cho toàn dân nước này. Theo Tân Hoa xã ngày 5.3.2010, trong báo cáo công tác chính phủ tại Bắc Kinh, ông Ôn Gia Bảo từng nêu rõ: “Cải cách Trung Quốc là cải cách toàn diện, bao gồm thể chế kinh tế, thể chế chính trị và nhiều lĩnh vực khác. Nếu không có cải cách chính trị thì việc cải cách thể chế kinh tế và hiện đại hóa không thể thành công”. Cải cách thể chế chính trị ít nhiều đã được đề cập trong báo cáo thường niên về công tác chính phủ, nhưng về cơ bản được diễn đạt thành “tích cực phát triển ổn định”. Theo phân tích của các chuyên gia nước này, báo cáo công tác Chính phủ Trung Quốc năm 2010 đã đưa ra một tín hiệu quan trọng nhằm thúc đẩy cải cách chính trị.

Trước khi có lời kêu gọi của ông Ôn Gia Bảo, dư luận trong và ngoài nước đã rất chú ý đến bài viết của trung tướng Lưu Á Châu đăng trên tạp chí Phoenix của Hồng Kông (báo Sydney Morning Herald của Úc dẫn lại vào ngày 12.8). Trong bài viết, tướng Lưu kêu gọi nhanh chóng thay đổi mô hình thể chế tại Trung Quốc. “Một hệ thống không cho người dân được thở không khí tự do và phát huy sức sáng tạo đến mức cao nhất, một hệ thống không lựa chọn những người tốt nhất làm đại diện cho chế độ và nhân dân để đưa vào các vị trí lãnh đạo, hệ thống ấy sẽ đi đến diệt vong”, ông viết. Ông Lưu cũng cho rằng Trung Quốc không thể chỉ dựa vào sức mạnh kinh tế mà vươn lên được: “Một quốc gia chỉ chăm chăm vào sức mạnh đồng tiền thì chỉ là một quốc gia chậm tiến và ngu dốt”. Cuối cùng, ông kết luận: “Trong 10 năm tới, sẽ không thể tránh khỏi một sự chuyển đổi từ chính trị quyền lực sang dân chủ”.

Những ý kiến của tướng Lưu khiến dư luận rất quan tâm vì vị thế của ông trong hệ thống chính trị ở Trung Quốc. Sinh năm 1952, ông từng là Phó chính ủy bộ đội không quân Trung Quốc và vừa được thăng lên Chính ủy Học viện Quốc phòng. Ông còn là con rể của cố Chủ tịch Lý Tiên Niệm, một trong “Bát đại nguyên lão” của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Mặt khác, nền kinh tế phát triển quá nhanh của Trung Quốc đã dẫn tới nhiều hệ lụy như khoảng cách giàu nghèo chênh lệch khủng khiếp, xu hướng chạy theo lợi nhuận bất chấp hậu quả dẫn tới nhiều vụ sữa bẩn, sập hầm mỏ, môi trường bị xâm hại, người dân bất mãn chính quyền... Vì thế việc tìm kiếm chiếc áo mới rộng hơn cùng chế độ quản lý phù hợp là một yêu cầu cấp bách của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Nỗ lực may áo mới

Tại phiên họp thứ 3 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 11 khai mạc ngày 5.3.2010, ông Ôn Gia Bảo thừa nhận cơ chế quản lý còn tồn tại rất nhiều vấn đề, bao gồm việc chính quyền can thiệp quá nhiều vào nền kinh tế vi mô, quản lý xã hội và phục vụ cộng đồng còn yếu; ý thức tuân thủ pháp luật của một số cán bộ còn rất kém; một số lãnh đạo xa rời quần chúng, xa rời hiện thực, hình thức chủ nghĩa, quan liêu trầm trọng; nhiều tệ nạn hủ bại xảy ra trong một số lĩnh vực.

Để có được “chiếc áo mới” như ý muốn, ông Ôn Gia Bảo trước mắt đã đưa ra 5 phương pháp: thúc đẩy xây dựng chính quyền theo kiểu phục vụ, duy trì xã hội công bằng; coi trọng hơn việc phục vụ quần chúng và quản lý xã hội; thúc đẩy cải cách thể chế quản lý xã hội và sáng tạo cái mới, điều chỉnh hợp lý quan hệ lợi ích xã hội; nỗ lực nâng cao lòng tin của dân chúng; khoa học hóa, dân chủ hóa quyết sách và đẩy nhanh xây dựng hệ thống thực thi, giám sát lẫn nhau, cùng điều chỉnh cơ chế vận hành hành chính; phải coi trọng việc dẹp bỏ các tệ nạn hủ bại.

Ông Vu Phối - Giám đốc Phòng nghiên cứu Sử thế giới thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc - nhận xét, việc đề ra 5 phương pháp trên khiến việc cải cách chính trị được cụ thể hóa, trực tiếp đối diện với vấn đề mà dân chúng quan tâm như thay đổi thể chế doanh nghiệp, thu hồi và đền bù đất đai, bảo vệ môi trường, tranh chấp về lao động, khiếu kiện của dân, an toàn sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm... Ông Vu kết luận: “Mục tiêu cải cách cần nhắm đúng vào những vấn đề thiết thực mà dân chúng quan tâm, mới có thể bảo đảm quan hệ hòa hợp giữa chính quyền và người dân”.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng tuyên bố cần đảm bảo quyền của người dân, đặc biệt là quyền bầu cử, quyền được biết thông tin, quyền tham gia, quyền diễn đạt, quyền giám sát. Đồng thời, báo cáo tại phiên họp thứ 3 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 11 cũng nêu rõ, cán bộ lãnh đạo - đặc biệt là cán bộ cấp cao - cần thực hiện những quy định quan trọng như báo cáo tài sản và kinh tế cá nhân, bao gồm thu nhập, nhà ở, đầu tư cùng công việc của vợ con; tự giác phối hợp, chấp thuận sự kiểm soát của các ban thẩm tra. Ông Tôn Đoạn Nghiệp - Phó ban Giám sát tỉnh Sơn Đông cho rằng, từ nay về sau người dân Trung Quốc sẽ tích cực đẩy mạnh việc giám sát trên cơ sở lời hứa “tạo điều kiện” để dân phê bình, giám sát chính quyền. Điều này hứa hẹn nhiều hình thức mới mẻ về giám sát dân chủ sẽ xuất hiện tại đại lục.

Nguyễn Lệ Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.