Người mẹ của những “siêu lúa”

11/09/2010 20:51 GMT+7

Người ta gọi các giống lúa của chị là những “siêu lúa”, bởi khả năng chống chịu phi thường trong môi trường khắc nghiệt hay dịch bệnh.

Lúa siêu mạnh

Nhập những từ khóa: “AS 996”; “OM 4900”; “OM 4498”; “OM 6162”… trên trang tìm kiếm Google, lập tức có ngay hàng loạt kết quả các giống lúa nổi tiếng với chất lượng tốt, năng suất khá cao và khả năng đề kháng mạnh. Tiếp tục gõ tên của người tạo ra các giống lúa này, GS-TS Nguyễn Thị Lang, thật ngạc nhiên vì hầu như rất ít thông tin. Càng ngạc nhiên hơn khi biết đây là một trong những nhà khoa học tạo nhiều “siêu lúa” đóng góp vào ngân hàng gien của thế giới; là tác giả của những giống lúa từng đứng đầu bảng tại Bangladesh, Myanmar, Ấn Độ…, và đặc biệt tại vựa lúa miền Tây Nam Bộ.

Cách nay ít lâu, tôi tìm đến chị nhằm gặp một trong những nhà khoa học sớm phát hiện những tính năng chịu đựng lạ lùng của “lúa ma”, loại lúa sống trong vùng sâu Đồng Tháp Mười, để từ đó lai tạo nên giống lúa mạnh mẽ chống chọi với phèn mặn và ngập lụt. Giống lúa AS 996 ra đời có thể chịu mặn đến 3-4 phần ngàn đã gây một tiếng vang trong giới khoa học nông nghiệp thế giới, nay được trồng rộng rãi ở nhiều nước.

Lần sau, ở “đại bản doanh” của Viện Lúa ĐBSCL, chị vui mừng cho hay vừa bảo vệ thành công công trình nghiên cứu giống lúa có tên OM 5629 trước Hội đồng khoa học Nhà nước. Một tin vui cho những vùng đất bị ngập mặn, bởi theo GS-TS Nguyễn Thị Lang, giống lúa mới này có thể chống chịu độ mặn 7 phần ngàn (trong phòng thí nghiệm lên đến 12 phần ngàn). Kết quả trồng 4.000 - 5.000 ha tại Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang… đã chứng minh giống lúa mới chẳng những có thể sống trong môi trường khắc nghiệt mà còn đạt năng suất khá cao (cao nhất 7 tấn/ha, hơn 10-15% các giống lúa đối chứng đang được trồng phổ biến trong vùng), đẹp và ngon cơm. Như vậy, đây là giống lúa thứ 24 của nữ khoa học gia này được công nhận là giống lúa quốc gia. Quả là một đóng góp đáng nể, nếu biết rằng đôi khi để tạo thành công một giống lúa mới, người nghiên cứu phải tốn hàng chục năm, thậm chí có khi mất cả đời mà chưa tìm ra được giống lúa ưng ý.

Cuộc sống đặt hàng

Việc các giống lúa mang “họ” OM (viết tắt của địa danh Ô Môn, nơi đặt trụ sở Viện Lúa ĐBSCL) có mặt trên diện tích lớn và giữ vai trò chủ lực trong các vụ mùa ở ĐBSCL là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà khoa học nông nghiệp tại Viện Lúa ĐBSCL. Trong đó, vợ chồng GS-TS Bùi Chí Bửu và GS-TS Nguyễn Thị Lang là những người góp công đầu.

Điều đó càng trở nên ý nghĩa nếu ta quay ngược thời gian, khi giống lúa có nguồn gốc Trung Quốc đổ bộ từ Bắc và kéo dài vào Nam. Đến năm 1995, nhiều giống lúa từ các nước cũng du nhập vào vùng đất Tây Nam Bộ, nhưng vẫn chưa thể phát huy hết ưu thế. Thôi thúc có được những giống lúa tốt hơn cho vùng đất này, các nhà khoa học đã dồn tâm trí để liên tục cho ra đời giống lúa mới, dần dần đánh bại các giống ngoại. Nông dân miền Tây bắt đầu làm quen, ưa chuộng, rồi gắn bó với các giống lúa nội. Những thành tựu của các nhà khoa học đều nhằm đáp ứng theo đơn đặt hàng của thời cuộc, chia sẻ khó nhọc của nông dân để từ đó nâng vị thế của không chỉ nền sản xuất gạo Việt Nam mà còn đóng góp vào thành tựu nông nghiệp của thế giới.

Các giống lúa của GS-TS Nguyễn Thị Lang ra đời cũng thể hiện điều đó. Đơn cử như giống OM 4900. Tuy mới được công nhận ở Việt Nam, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã được trồng với diện tích lớn. OM 4900 được lai theo phương pháp cổ truyền, có giống cha là Jasmine 85 và mẹ là C 53 (Lemont). Người tạo ra nó với mong muốn kết hợp các đặc điểm di truyền cho năng suất cao, mùi thơm và hàm lượng amylose thấp. Sau 5 năm chọn lọc, kết quả cho ra giống lúa OM 4900 chất lượng tốt, năng suất biến thiên từ 5-8 tấn/ha, có khả năng chịu mặn, chống khá tốt rầy nâu, đặc biệt có thể chịu ngập đến 20 ngày. Tính năng khá “chuẩn” này từ lâu là ao ước của nông dân.

 
Cùng nông dân thăm đồng - Ảnh: T.Trình

Tuy nhiên, trước khi được Việt Nam công nhận, ít ai biết rằng OM 4900 phải “đi vòng” sang Myanmar (trong động thái trao đổi vật liệu với Viện Lúa quốc tế - IRRI). Trong vụ mùa 2006 - 2007, nó lập tức đứng đầu bảng xếp hạng tại địa phương và được nước này cho phóng thích (từ thực nghiệm ra trồng đại trà - NV). Diện tích trồng đại trà của OM 4900 năm 2007 là 2.369 ha, đến 2008 vọt lên 19.562 ha. Đến tháng 7.2008, Bộ NN-PTNT mới công nhận cho sản xuất thử giống lúa này. Khi OM 4900 được công nhận là giống lúa quốc gia năm 2009, lập tức nó trở thành “hàng hot”, hàng loạt các công ty đăng ký xin mua bản quyền giống. Lúc này, diện tích trồng đại trà OM 4900 đã tăng lên trên 40.000 ha. Nhưng GS-TS Nguyễn Thị Lang nói chị chưa quyết định bán đứt bản quyền cho đơn vị nào, dù có nơi chào mua với giá không nhỏ.

Nhà khoa học cũng phải biết... đi xin

Cũng theo GS-TS Nguyễn Thị Lang, khó khăn của người làm khoa học đôi khi không chỉ nằm ở chuyên môn mà còn ở chỗ thường xuyên “đói” kinh phí phục vụ cho công tác nghiên cứu. Và “để thành công trong một chương trình nghiên cứu, nhà khoa học không chỉ biết tính toán, mà còn phải biết… đi xin”. Chị bộc bạch: “Ban đầu đi vận động kinh phí để nghiên cứu khoa học, thấy ngại ngại. Sau tìm hiểu mới biết các nhà khoa học ở nhiều nước cũng làm như vậy. Điều quan trọng là công trình nghiên cứu có đủ thuyết phục và người nghiên cứu đã chứng minh được mình hay chưa. Nhiều khi, một nhà khoa học lớn cũng phải về xin kinh phí của các địa phương, phải làm đề tài cấp tỉnh để có tiền tiếp tục nghiên cứu. Quan trọng nhất là có được thành tựu để đóng góp”.

Trách nhiệm của chị với cây lúa không dừng lại sau cánh cửa phòng thí nghiệm. Có lần, một nữ giáo sư người Philippines sang thăm bạn. Bà được đưa tới vùng nông thôn hẻo lánh của huyện biên giới Tịnh Biên (An Giang) để gặp GS-TS Nguyễn Thị Lang, khi GS Lang đang giảng giải cho mấy chục nông dân cách trồng lúa. Bà quá đỗi ngạc nhiên vì với học hàm, học vị đó, ai lại làm vai trò của một cán bộ nông nghiệp cấp xã. GS-TS Nguyễn Thị Lang cười xoa, giải thích rằng việc giảng giải cho người dân như thế này là chỉ cho người ta cách để nuôi… con mình. Nông dân biết cặn kẽ, làm đúng thì giống của mình tạo ra mới có thể phóng thích tốt được.

Bảo vệ lúa với bất kỳ giá nào - đó là tính cách của chị, tình yêu của chị. Các đồng sự của chị tại Viện Lúa ĐBSCL hẳn chưa quên trận đại dịch rầy năm 2007. Trước tình hình nguy cấp, lệnh hủy ngân hàng gien với trên 1.400 giống được đưa ra vì sợ rầy lây lan. Chị đã bảo vệ các giống lúa của mình bằng thái độ cương quyết: “Nếu chúng ta không làm lúa nữa thì hãy hủy ngân hàng gien”. Sau đó, chị và các đồng sự đã làm tất cả để giữ được ngân hàng gien, mà không để rầy lây lan, trước “án” kỷ luật treo lơ lửng. Cũng trong trận rầy đó, trong số trên 220 giống lúa được trồng khắp ĐBSCL, có 18 giống trụ được. Trong số này, giống lúa của GS-TS Nguyễn Thị Lang chiếm phần lớn.  

“Điều tôi canh cánh bây giờ là mình chưa có một chiến lược đầu tư cho cây lúa trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu. Trước giờ mình chỉ làm chắp vá thôi”, GS-TS Nguyễn Thị Lang chia sẻ. Chị từng đề xuất ý kiến thành lập chương trình này, bởi nhận thấy về lâu dài, nếu không sớm chủ động chuẩn bị giống để đối phó với tình hình khí hậu ngày càng xấu đi, ắt nông dân ta sẽ chịu thiệt. Nhưng ý kiến đó chưa được chấp thuận. Rồi khi chị đề xuất chương trình tuyển gien kháng mặn cho vùng ĐBSCL, cũng lại có ý kiến bác bỏ với lý do đó là chuyện “viễn tưởng”. Buồn. Chị âm thầm chứng minh điều “không thực tế” đó bằng việc cho ra đời những giống lúa có khả năng kháng mặn ngày càng cao, năng suất và phẩm chất tốt.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.