Xét tuyển NV2: Những cơ hội cuối cùng

09/09/2010 22:41 GMT+7

Đến 17 giờ hôm nay (10.9) là hạn cuối để các thí sinh (TS) đủ điểm sàn ĐH-CĐ (nhưng rớt NV1) nộp hồ sơ (HS) xét tuyển NV2.

Thống kê sơ bộ tình hình NV2 ở các trường dưới đây giúp TS dễ dàng hơn trong việc tìm cho mình những chỉ tiêu (CT) cuối cùng.

Những ngành có nhiều cơ hội NV2

Theo bà Trịnh Minh Huyền - Phó hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng, những ngành như Xã hội học, Tiếng Trung có ít  HS nên TS nếu có điểm không cao nên để ý những ngành này.

Thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm TP.HCM khuyên: “Trong ngày cuối cùng, nếu muốn nộp HS vào trường mà điểm thi không cao hơn điểm sàn nhiều, TS nên nộp vào các ngành khối Ngoại ngữ: Sư  phạm tiếng Trung, Cử nhân song ngữ Nga - Anh...

Theo kinh nghiệm tuyển sinh hằng năm của thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, những ngành như Máy xây dựng, Thiết bị năng lượng, Điện tàu thủy thường có ít TS nộp HS nên sẽ nhiều cơ hội trúng tuyển.

Ông Trần Văn Ánh - Hiệu trưởng trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho biết đến chiều 9.9, các ngành nhận ít HS so với CT là Bảo tàng, Văn hóa Dân tộc thiểu số (CT là 43 nhưng đến giờ chưa nhận được HS đăng ký xét tuyển nào), Di sản văn hóa, Thư viện thông tin, Văn hóa học, Quản lý văn hóa...

Tại sao Bộ GD-ĐT không công khai thông tin?

Chiều nay các trường hết hạn nhận HS xét tuyển NV2. Theo ghi nhận của PV Báo Thanh Niên, hiện có nhiều trường ĐH, CĐ được Bộ chấp thuận cho áp dụng Điều 33 của Quy chế tuyển sinh để tuyển với mức điểm thấp hơn điểm sàn từ 1,5 - 2 điểm. Tuy nhiên, trong suốt thời gian diễn ra việc xét tuyển, Bộ GD-ĐT đã không công bố danh sách các trường ĐH, CĐ được áp dụng điều này cho TS biết. Vì vậy, khi nhận được thông tin từ các trường công bố được áp dụng Điều 33, TS vẫn hoang mang không dám nộp HS do sợ các trường “xé rào” và kết quả xét tuyển sẽ không được công nhận. PV Báo Thanh Niên đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH để xin công khai danh sách những trường này nhưng đều không được trả lời.

Vũ Thơ

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình -  Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) cũng cho biết những ngành có HS đăng ký xét tuyển rất ít so với CT là Tiếng Nhật (7 HS/50 CT), Tiếng Anh (37 HS/50 CT), Công nghệ sau thu hoạch (18 HS/100 CT), Xây dựng (27 HS/100 CT), Công nghệ thông tin (30 HS/100 CT).

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM vừa được phép mở chương trình đào tạo tiên tiến ngành Kỹ thuật môi trường nên thông báo xét tuyển 50 CT (từ 1.600 CT NV2 các ngành) cho các TS có điểm thi ĐH từ 13 trở lên đối với khối A, D1 và từ 14 trở lên đối với khối B.

Ngày 8.9, lãnh đạo trường ĐH Văn Hiến cho biết TS đăng ký xét tuyển NV2, NV3 vào các ngành: Văn hóa học, Tâm lý học, Xã hội học, Ngữ văn, Đông Phương học, Tiếng Anh kinh thương có điểm bằng điểm sàn trở lên chắc chắn sẽ trúng tuyển vào trường. Sở dĩ trường có quyết định này vì trong thời gian qua, số lượng TS trúng tuyển NV1 và đăng ký xét tuyển NV2 vào các khối ngành xã hội của trường rất thấp.

Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng dự kiến xét tuyển NV3 cho các ngành còn CT gồm 700 CT bậc ĐH cho các ngành: Quy hoạch đô thị và nông thôn, Xây dựng cầu đường, Kỹ thuật hạ tầng đô thị, Quản lý xây dựng, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh và Tiếng Anh. Ở bậc CĐ, trường xét tuyển 300 CT cho các ngành: Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh.

Các trường CĐ còn nhiều CT cho NV3

Cho đến chiều 9.10, việc xét tuyển NV2 tại nhiều trường CĐ vẫn hết sức căng thẳng vì HS quá ít so với CT. Bà Huỳnh Phương Mai, Phó hiệu trưởng trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vạn Xuân chia sẻ: “Không hiểu sao năm nay TS nộp HS vào trường rất ít, thua hẳn mọi năm. Đến thời điểm này mới chỉ có khoảng 300 TS trúng tuyển NV1 vào nhập học, chúng tôi cũng mới nhận được khoảng 300 HS NV2, còn đến 400 CT nữa”. Bà Mai cho biết, hiện các ngành đều thiếu, dù đây là những ngành mà rất nhiều doanh nghiệp đối tác có nhu cầu tuyển dụng SV sau khi tốt nghiệp, như ngành Nuôi trồng thủy sản, Điện tử, Công nghệ thông tin... Với tình hình này, trường sẽ tiếp tục tuyển NV3.

Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex cũng trong tình trạng tương tự. Bà Phan Thị Hải Vân, Trưởng phòng Đào tạo thông tin: “Số lượng TS  trúng tuyển NV1 nhập học ít quá, hiện nay chúng tôi còn thiếu rất nhiều CT. Cụ thể, Quản trị kinh doanh: 100, Kế toán: 100, Công nghệ may: 100, Thiết kế thời trang: 100, các ngành còn lại mỗi ngành còn khoảng 50 CT. Trường sẽ nhận tiếp HS NV3”.

Thạc sĩ Trần Ái Cầm, Phó hiệu trưởng trường CĐ Nguyễn Tất Thành cho hay, trường đã nhận được 900 HS nhưng vẫn chưa tuyển đủ, dự kiến xét khoảng 500 CT NV3. Các ngành thiếu nhiều là: Công nghệ may, Tiếng Trung, Cơ điện tử. Ngành Quản lý văn hóa (khối R), Kinh tế gia đình (khối B) của trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM cũng còn thiếu khoảng 40 CT nên sẽ tiếp tục tuyển NV3.

Lưu ý trước giờ quyết định

Năm nay có điểm mới là TS được nộp HS xét tuyển NV2, NV3 ngay tại trường và qua đường bưu điện phát chuyển nhanh. Nếu gửi phát chuyển nhanh vào ngày cuối thì gần như chắc chắn HS của TS sẽ đến sau ngày 10.9, trong lúc không ít trường đã công bố điểm chuẩn NV2 và danh sách trúng tuyển ngay trong tối 10.9. Tuy nhiên, TS hãy yên tâm vì nếu đủ điểm chuẩn NV2 và nộp trước 17 giờ 10.9 (tính theo dấu bưu điện phát chuyển nhanh) thì trường phải công nhận TS trúng tuyển. Nếu không được công nhận, TS có quyền khiếu nại. Trong trường hợp này, TS hãy chờ đợi vì không lý gì khi mình đã đậu NV2 lại đi nộp đơn xin xét tuyển NV3!

Khác với các năm trước, một yếu tố đặc biệt của năm nay là nhiều trường công lập phải xét tuyển NV2 ngang mức điểm sàn. Do vậy, rất nhiều TS có mức điểm này ồ ạt nộp đơn mà quên mất nguyên tắc: nhà trường lấy điểm từ cao xuống thấp đến lúc đủ CT. Vì vậy, TS có điểm thi ngang mức điểm sàn sẽ rất khó trúng tuyển nếu chọn vào các trường tốp cao.

Khoảng 2-3 ngày trước hạn cuối nộp HS xét NV2, nhiều trường cho biết chỉ mới tiếp nhận khoảng 50% HS so với CT, dù chỉ lấy ngang mức điểm sàn. Thông tin này ngầm được hiểu: TS đã nộp HS NV2 vào các trường này gần như chắc chắn sẽ trúng tuyển. Thế nhưng, một số chuyên gia đào tạo không khỏi nghi ngờ và cho rằng có thể đó là chiêu của một số trường. Số liệu công bố cho báo chí trong từng thời điểm nhất định được xem là một yếu tố trong chiến lược tuyển sinh của từng trường, chỉ một số người trong hội đồng tuyển sinh mới nắm vững và đưa ra đúng thời điểm có lợi cho trường nhất. Có trường đưa ra con số HS nộp ít lại để hy vọng có thêm nhiều TS nộp tiếp vào trường mình vì dù có nhiều HS các trường vẫn chưa yên tâm do đó chưa phải là con số SV đến làm thủ tục nhập học. Ngoài ra, nếu dư CT thì trường sẽ phân phối TS đến các bậc học thấp hơn, chuyển đến những ngành khó tuyển trong trường, hoặc chuyển dữ liệu đến các nơi cần thiết khác...

Làm gì khi rớt NV2?

Nếu rớt NV2, TS cũng không nên vội vã. TS cần có thời gian để nắm bắt thêm thông tin, tìm hiểu các ngành và trường định nộp HS NV3, và chỉ cần nhớ là phải nộp trước 17 giờ ngày 30.9.2010.

Hãy chú ý thông tin NV3 với các yếu tố quan trọng như: đúng khối thi, ngành nào có xét tuyển NV3, số CT cho từng ngành cụ thể, vùng tuyển sinh phù hợp với điều kiện của cá nhân mình, trường có được vận dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hiện hành không... Riêng điều 33 với điểm ưu tiên khu vực (KV) giữa 2 KV liền kề chênh lệch đến 1 điểm (thay vì 0,5 điểm như không có điều 33) sẽ rất có lợi cho TS. Hiện có một số trường ĐH như ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa), ĐH Phan Thiết (Bình Thuận), phân hiệu ĐH Nông Lâm TP.HCM tại Ninh Thuận... đã được Bộ GD-ĐT cho phép vận dụng điều 33 này. Khi vận dụng điều 33 và các quy định chi tiết khác, mỗi trường lại cũng có một số “vận dụng” phù hợp với trường của mình; tốt nhất TS nên trực tiếp tìm hiểu từ chính phòng đào tạo của trường dự định nộp HS. Nếu không có điều kiện đến trường trực tiếp, TS nên chủ động vào trang web của trường để tìm hiểu; nếu lại không biết địa chỉ website của trường, hãy “vào Google” để tìm kiếm.

Nhựt Quang

Nhựt Quang - Đăng Khoa - Thiên Long - Mỹ Quyên

  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.