Ly kỳ kỳ nam

09/09/2010 17:00 GMT+7

(TNTS) Chuyện một người dân ở Phú Yên trúng kỳ nam nhưng vẫn trắng tay vì không có duyên hưởng "lộc trời ban" đã khiến câu chuyện về kỳ nam càng trở nên huyền bí hơn.

Lộc rừng

Chuyện Ma Ngân ở buôn Gia Trụ, xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa, Phú Yên trúng kỳ nam lan nhanh như gió, ai ai cũng biết. Bây giờ Ma Ngân rất nổi tiếng nên khi chúng tôi đến đầu buôn, ghé vào một nhà dân gần đó hỏi thăm, liền được một chị nhanh nhảu chỉ dẫn: "Anh cứ chạy đến cuối đường là nhìn thấy nhà rông văn hóa. Từ chỗ đó, anh bỏ qua một ngôi nhà thì nhìn thấy con hẻm nhỏ, chạy thẳng vào là nhà Ma Ngân đấy".

Đến nhà Ma Ngân, đập vào mắt chúng tôi là căn nhà cũ kỹ ọp ẹp, phần nhà sàn đã bị rách nát. Cũng vì trúng kỳ nam mà mấy ngày qua Ma Ngân buồn bã đi uống rượu hoài, quên cả việc đi rẫy. Đang uống rượu ở nhà bên cạnh, nghe người hàng xóm gọi có khách đến, Ma Ngân liền vội về nhà. Tiếp chúng tôi rất niềm nở, nhưng khuôn mặt của Ma Ngân hiện rõ nét ưu phiền. Ma Ngân làm nghề đi địu (người chuyên đi tìm trầm kỳ) từ năm 1982, gần 30 năm trong nghề nên khá am hiểu về trầm kỳ. "Vậy mà, trong lần trúng hàng (kỳ nam - PV) này, tui vẫn trắng tay", Ma Ngân thở dài rồi bắt đầu câu chuyện.


Ma Ngân buồn rầu vì không được hưởng lộc rừng

Như mọi lần đi mót bì dó bầu, Ma Ngân cùng người cháu ruột Ma Kiệt lội bộ từ buôn đi dọc triền núi, len lỏi vào các rừng cây. Qua ngày thứ hai, ông cháu Ma Ngân lội qua suối Ae Vố ở núi Hòn Mù (gần bên khu Bệnh xá Trúc Bạch trong kháng chiến chống Mỹ). Tình cờ, Ma Ngân nhảy qua tảng đá, tay ôm chặt một cây gần đó để khỏi ngã nhưng đã vô tình bóc được bì cây dó bầu. Ông đưa lên mũi ngửi rồi mừng rỡ thốt lên "Đúng là mùi hàng rồi". Sau khi xem rõ mặt bì cây dó bầu, bằng kinh nghiệm lâu năm, Ma Ngân xác định ngay cây dó bầu này có kỳ nam. "Nhìn mặt bì bong tróc, phảng phất mùi thơm, tui biết chính xác cây này có hàng nên dùng câu liêm bấu vào mặt bì thì quả nhiên phát hiện hàng trong thân cây", Ma Ngân kể lại.

Cây dó bầu mà Ma Ngân phát hiện chỉ mới khoảng 15 năm tuổi, đường kính chừng 20 cm. Phát hiện có kỳ, nhưng vì đi mót bì nên hai ông cháu Ma Ngân không mang theo rựa, chỉ còn cách dùng câu liêm chặt lấy phần trên. Ma Ngân say sưa kể: "Biết cây có hàng, tui mừng lắm, nhưng vì không có rựa, cuốc nên chỉ dùng câu liêm chặt một đoạn cách mặt bì chừng 30 cm mang về nhà làm ra chừng 1 lạng hàng và một cục trầm. Khi ông Hòa ở thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, Phú Yên, người chuyên mua gom bì trầm đến hỏi mua thì tôi bán 1 lạng hàng 2 triệu đồng, cục dó trầm 500.000 đồng. Tui nghĩ vậy là mình trúng rồi".  

Không có duyên hưởng lộc rừng


Trúng kỳ nam nhưng Ma Ngân vẫn trắng tay, nhà thì cũ nát

Câu chuyện đang hồi khá ly kỳ, bỗng dưng nét mặt Ma Ngân buồn hẳn, lời nói nghèn nghẹn như có cái gì chặn trong cuống họng. "Vài hôm sau tui biết được ông Hòa bán số lượng hàng mua của tui cho một người ở huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa với giá 195 triệu đồng. Nghe vậy, tui buồn thật nhưng rồi nghĩ "mình mua đứt bán đoạn, lời ăn lỗ chịu mà". Hơn nữa, đó chỉ là phần nhỏ, còn cả một cây lớn đang nằm trên núi. Tui làm lễ cúng "cô cậu" - nghi lễ của người đi địu - để sáng mai lên núi lấy nốt phần còn lại. Ai dè…", Ma Ngân thở dài với nét mặt buồn bã.

Chuyện Ma Ngân ở buôn Gia Trụ trúng kỳ nam đã lan khắp cả tỉnh Phú Yên. Ngay trong đêm Ma Ngân làm lễ cúng nghề, một tốp người dân đi địu ở thôn Kỳ Lộ đã âm thầm đến thôn Gia Trụ thuê người dân bản địa dẫn đường đến suối Ae Vố đốn hạ cây dó bầu có kỳ nam. Cũng trong đêm đó, Võ Hiệp -  "vua kỳ nam" xứ Nẫu cũng tức tốc đến buôn Gia Trụ và tìm đến nhà Ma Ngân. Vì Võ Hiệp trước đây có thời gian ở nhà Ma Ngân nên rất thân quen. Đến sáng, Ma Ngân đưa Võ Hiệp đến nơi thì hỡi ơi cây dó bầu có kỳ đã "không cánh mà bay".

Đã nhiều ngày trôi qua, vậy mà Ma Ngân vẫn còn buồn mỗi khi nhắc lại. Nhiều người trong buôn tiếc cho Ma Ngân trúng kỳ nam hụt, nhưng ông lại tự an ủi mình: "Có lẽ tui được "cô cậu" cho gặp, nhưng lại không cho duyên hưởng lộc. Thôi đành chịu chứ biết làm sao hè!". Khi chúng tôi hỏi vì sao chuyện Ma Ngân trúng kỳ nam chỉ một mình anh biết, vả lại sao không lấy hết kỳ mà phải chờ đợi cúng xong mới đi lấy, Ma Ngân bộc bạch: "Hôm trúng được hàng, tui về nói với bà con trong buôn để mừng chia vui vì với bà con ở đây, cây đã có chủ thì không ai dám lấy. Tui nghĩ vậy nên chờ cúng lễ xong thì lên đào lấy hàng về. Chứ ai ngờ chuyện xảy ra vậy!".

Điều bí ẩn nữa mà đến giờ ngay cả giới buôn trầm kỳ vẫn chưa biết rõ về giá thật của kỳ nam. "Giá mua hiện nay trên thị trường chưa phải là giá thật. Tùy theo đường dây mua kỳ mà có giá khác nhau, có người chỉ mua giá hơn 1 tỉ đồng/kg, nhưng có người sẵn sàng mua giá 2 tỉ đồng/kg. Còn giá bán trên mạng chỉ là giá ảo", anh Minh - một người buôn trầm kỳ ở huyện Đông Hòa tiết lộ.

Về lại huyện Đông Hòa, chúng tôi đem câu chuyện Ma Ngân ở buôn Gia Trụ trúng kỳ nam tâm sự với "vua kỳ nam" xứ Nẫu - Võ Hiệp thì được ông khẳng định là có thật và tiếc cho Ma Ngân đã bị người khác "hớt tay trên". Bằng những kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, cộng với sự mô tả về kích thước, năm tuổi cây dó bầu có kỳ, Võ Hiệp quả quyết: "Cây dó đó có lượng kỳ nam dưới 1 kg, giá bán hiện nay trên thị trường gần 2 tỉ đồng. Trường hợp cây kỳ nam mà Ma Ngân tìm thấy cũng khá đặc biệt, vì lâu nay cây có kỳ thường phải vài chục năm tuổi".

Võ Hiệp kể lại chuyện những năm tháng còn đi địu, những ân tình với gia đình Ma Ngân. Chuyện Ma Ngân trúng kỳ nam hụt cũng khiến Võ Hiệp đau đáu trong lòng. "Nghĩ mà tiếc mà thương cho Ma Ngân, bởi đâu phải ai cũng dễ gì gặp được kỳ nam. Có khi cả đời người đi địu chưa bao giờ tận mắt thấy kỳ. Vậy mà kỳ vào tay rồi vẫn bị tuột khỏi", Võ Hiệp chép miệng tiếc thay cho Ma Ngân.

Ma Ngân là người thứ 2 trong buôn gặp lộc rừng. Người trúng trước đó là Ma Toi, anh ruột của Ma Ngân nhưng hồi những năm 80 của thế kỷ trước, giá kỳ nam chỉ hơn 200.000 đồng/kg. Còn bây giờ, trúng 1 kg kỳ nam sẽ trở thành tỉ phú. 

Bí ẩn kỳ nam

Chuyện Ma Ngân gặp kỳ nam trong thân cây dó bầu chỉ mới 15 năm tuổi đã khơi lại cho giới đi địu và giới buôn trầm kỳ ở Phú Yên những suy nghĩ khác nhau về sự hình thành và phát triển kỳ nam, điều đó làm tăng thêm sự bí ẩn của loại dược liệu đặc biệt này. Võ Hiệp có nhận định riêng về sự phát triển kỳ nam trong cây dó bầu: "Những cây dó bầu có kỳ nam mà tôi từng gặp đều có kỳ nằm ở phía tây. Theo tôi, phía tây là thời điểm mặt trời có tia nắng nóng nhất nên rọi thẳng vào vị trí đó làm cho tinh dầu trong cây dó lâu ngày tích tụ lại rồi thành kỳ". Thế nhưng, theo anh Nguyễn Văn Tám ở xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa (Phú Yên), người đi địu cũng từng trúng kỳ nam, lại có nhận định khác: "Trong cây dó có một loại kiến vàng sống. Những cây dó bình thường thì không thu hút được kiến, nhưng những cây "đặc biệt" thì thu hút chúng ở bởi nơi thân cây bị trầy xước có nhựa. Từ chỗ đó, kiến vàng đục thân và rồi trong thân cây hình thành kỳ".

Một số người khác trong giới đi địu thì lại có nhận định về sự hình thành kỳ nam trong cây dó bầu khác với Võ Hiệp và anh Tám. Theo những người này, cây dó bầu bị gãy do bị bão rồi gặp một luồng gió "kỳ" nhập vào chỗ gãy, rồi kỳ bắt đầu phát triển trong thân cây dó. Điều chung nhất của những người đi địu nắm rõ là cây dó có kỳ nam thường nằm ở những vùng rừng núi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, bất kể thân cây nằm ở trên đỉnh núi cao hay nằm ỡ vùng trũng hoặc ở ven suối. Sự hình thành kỳ nam trong cây dó bầu đến giờ vẫn là điều bí mật, vì có rất nhiều người đã đầu tư trông cây dó bầu để cấy "kỳ" nhưng đến giờ đã thất bại.

 Bài & ảnh: Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.