Ngả rẽ bất ngờ của tò he

08/09/2010 11:23 GMT+7

Tò he như khúc đồng dao thương mến, như một phần không thể thiếu của tuổi thơ nhiều người, nhiều miền quê nước ta. Cũng vì lẽ đó mà tò he từng gần như biến mất; rồi được đem đi Mỹ, đi Nhật biểu diễn; để bây giờ lép vế khốn đốn, nó buộc phải có những ngả rẽ bất ngờ để có thể tồn tại...

Tôi luôn nghĩ đến chuyện cổ tích, đến những phép nhiệm màu nào đó, mỗi lần nhìn thấy các con giống, các món tò he hình Quan Công, Trương Phi, Điêu Thuyền hay siêu nhân, Tôn Ngộ Không, kép võ, đào nương... hiện ra bởi bàn tay các nghệ nhân ngồi rong, đi rong, kiếm ăn rong ấy. Cái gì đó thật là ảo diệu.

Dặm trường “ăn dỗ trẻ con”!

Ngộ nghĩnh, đồng dao như tò he, thì ăn dỗ thế nào được người lớn. Chỉ ăn dỗ trẻ con và khách du lịch nước ngoài thôi. Cụ Đặng Văn Hạ, ngoài 80 tuổi xắn quần móng lợn, vui vẻ nói. Làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội được tiếng là “làng nặn tò he”, làng nghề có câu lạc bộ tò he truyền thống được báo chí ca tụng xôm trò lắm; thế nhưng số người xách tay nải lang thang đi kiếm ăn thông qua việc ngồi nặn tò he ở chỗ đông người chẳng còn được là bao. Làng có 2 người được Nhà nước phong nghệ nhân nặn tò he là cụ Tố và cụ Hải, thì một cụ đã khuất núi, một cụ rẽ ngang đi hát chầu văn thuê trong các giá đồng! Câu lạc bộ tò he của xã cũng chỉ có 27 thành viên, trong đó số người thật sự sống bằng nghề nặn tò he như xưa, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ngày mai làng có đám cưới, chưa có tiền bỏ phong bì ăn cỗ, thế là sáng nay, ông Hạ rinh cái tuổi bát tuần của mình ra bến xe bus đầu làng để vào thủ đô. Con cháu cấm đoán vì sợ cụ tuổi cao sức yếu, nhỡ có mệnh hệ nào, lại nữa, rằng chúng nó sợ mang tiếng để bố đi lê la “đầu đường, xó chợ” (theo đúng nghĩa đen, không có ý miệt thị gì). Cụ Hạ cười phớ lớ: “Không đi, ngồi nhà bứt rứt chân tay không chịu được, bố đã đi lang thang cả một đời rồi, mà con!”.

Ông Hạ đi vào công viên Thống Nhất ngồi, cháu ông là cậu Đặng Đình Tiên, vừa đoạt giải nhất cuộc thi nặn tò he năm 2010 của làng thì bám trụ ở công viên nước Hồ Tây. Ông Hạ tíu tít túm áo người quen, xởi lởi: “Tôi bắt đầu theo cha mẹ đi nặn con giống này từ năm 1947. Bấy giờ người ta chỉ gọi là “nặn con giống”, đủ gà, bò, trâu, lợn..., những con vật xinh xinh bằng bột nếp dùng để cúng lễ rồi ăn luôn. Rồi nặn 12 con giáp. Có khi là con gà, con chó, nhưng nhiều nhất vẫn là nặn con chim bay loè xoè hay vênh mỏ đậu trên cành tre. Vì thế, người xã Phượng Dực có câu ca ngợi các nghề phụ quê mình: “Thứ nhất bánh đa/ thứ nhì bánh cuốn/ thứ ba chim cò”, ý là cái nghề “nặn chim cò” kiếm ăn rất tốt.

Sau nữa, thời chiến tranh, nghề này gọi là “nặn chiến sĩ”. Bởi, bấy giờ, cả nước ra trận, ai cũng ao ước mình được là người chiến sĩ vệ quốc. Hình người chiến sĩ bằng bột gạo nếp thơm nồng được ông Hạ nặn với chiếc mũ “tào mào” úp trên đầu như một bẹ cau non, chú đeo balô và khoác súng bazôca thật hào hùng. Có giai đoạn, các ông đi “nặn chiến sĩ” thường nặn bột làm cái kèn thổi tò te để câu nhử sự để ý của khách “chơi”, tiếng “tò te” trở nên quen thuộc. Và, hình như vì thế mà người ta gọi chệch nghề nặn con giống là “tò he”.

“Giáo sư” tò he, nặn bột xanh đỏ bán cho tây!

Gần đây, trước sự phát triển đến chóng mặt của các loại đồ chơi nhập ngoại, đồ chơi điện tử Trung Quốc, các “con giống” bằng bột ngơ ngác bước ra từ thế giới như là của... cổ tích ngày càng bị lép vế là dễ hiểu. Những cô công chúa xinh đẹp hơn cả trong tưởng tượng của trẻ thơ, bật công tắc điện là hát múa như đảo đồng, hát múa suốt đêm ngày. Những cỗ xe đồ chơi đẹp lộng lẫy có thể điều khiển từ xa, có thể bay lên không trung hoặc chạy khắp xóm theo ý thích của các bé. Tất cả, dường như đã lấp kín thời gian cũng như niềm đam mê của trẻ nhỏ. Và, thế là người trẻ ở Xuân La đã kỳ công đi tìm các ngả rẽ cho cái nghề đã mấy trăm năm qua được coi là “báu vật” ở quê mình.

Bắt đầu từ hôm anh chàng Đặng Văn Kha, cháu cụ Hạ, dựng xe máy, bày khay bột nặn tò he bán cho học sinh ở cổng trường cấp 2 nọ ở quận Hà Đông (Hà Nội). Bỗng dưng có cô giáo hiệu phó nhà trường đi qua, thấy Kha nặn Trư Bát Giới, nặn nàng tiên cá như... người đang phù phép, thoắt một cái đã xong, mà gợi cảm quá. Kha vui tính mới cầm các bọng bột, ngắm cô giáo rồi “tỉa” vài nét, mái tóc suôn, áo dài, gương mặt thanh tú, má đỏ hây hây cứ lần lượt hiện ra. Cô giáo sững sờ bảo Kha là cuối buổi học vào uống nước với anh chị em giáo viên. Rồi họ quyết định mời Kha làm một thúng bột nếp - tẻ, xanh - đỏ - tím - vàng nặng 40kg, đến giữa sân trường, cho các cháu học ngoại khoá bằng cách giao lưu với “nghệ nhân” tò he. Kha rủ thêm em họ mình là Đặng Đình Tiên, người vừa đoạt giải nhất cuộc thi nặn tò he của làng Xuân La lên đường.

Đúng là, nếu hoa nào cũng toả hương, thì trẻ em nào mà Kha gặp, chúng cũng thích tò he. Các cháu được hướng dẫn, được xem biểu diễn “ảo thuật” nặn đủ thứ trên đời, kể cả nặn thầy - cô giáo và các loại thuỷ thủ Mặt trăng, siêu nhân cuồng phong, siêu nhân sấm sét cho đến Lý Thông, Thạch Sanh. Rồi các cháu nặn bay một thúng bột ngũ sắc. Dĩ nhiên, tiền công của chú Kha cũng lên đến cả triệu đồng. Kha để lại số điện thoại di động, rồi đến trường Vạn Phúc, trường 3/2, trường Văn Quán..., thi nhau các trường mời trình diễn và dạy trẻ nặn tò he. Cả sân trường sặc sỡ sắc màu. Mùi bột nếp thơm lựng. Thế là “giáo sư” tò he vớ được một cái nghề béo bở. Chưa hết, người ta còn mời Kha về nhà, làm “gia sư” dạy các cháu nặn tò he, dạy bao giờ các cháu biết nặn thì thôi, cứ mỗi buổi ngoại khoá “về nguồn” với “văn hoá dân tộc” như thế, họ thanh toán toàn bộ chi phí bột nếp - tẻ, lá lẩu, ép nước, trưng cất, nấu nướng (trình diễn luôn các bước chuẩn bị nguyên liệu, pha màu bằng cây cỏ tự nhiên để làm bột rẻo tò he) rồi, Kha bỏ túi 100.000đ/2 tiếng.


Các “nghệ nhân tò he” làng Xuân La sẵn sàng làm “gia sư tò he”, trình diễn “ảo thuật” hình khối và sắc màu cho trường học, nhà hàng, khách sạn...

Nắm được tâm lý khách du lịch nước ngoài thích “thực mục sở thị” từng công đoạn chế biến và tung hoành nặn đủ thứ từ bột màu của các nghệ nhân tò he, nhiều nhà hàng, khách sạn ngỏ ý mời Kha và vài người trẻ của làng đến. Họ ngồi trên chõng tre, mặc áo the, đội khăn xếp, ra dáng một gã trai Kinh kỳ thời cổ đang trình diễn nghệ thuật của cha ông. Giữa tưng bừng đàn ca sáo nhị, Kha diễn thuyết láu lỉnh và biểu diễn nặn tò he vô cùng linh hoạt, với đủ “võ” sáng tạo cho phù hợp với từng thể dạng người. Họ vác đồ nghề đóng vai “giáo sư” thuyết giảng về tò he (có phiên dịch) khắp từ khách sạn Bến Trăng bên Gia Lâm, về khách sạn ở Phố Cổ, sang Meliá, về Daewoo, quy mô nhỏ hơn là các nhà hàng đặc sản. Hứng lên, nhòm ông tây, bà đầm nào đó từ đầu đến chân, khăn xếp, áo the đứng khỏi chõng, cầm bụm bột màu lững thững đi bảy bước, chợt quay ngoắt lại, Kha đã có thể lịch lãm đưa tặng vị khách “bức tượng” bột nếp nhỏ bé mà... giống họ như đúc! Tiếng reo hò rộ lên. 

Cậu bé Đặng Văn Hậu, sinh năm 1985, đã được xem là kỳ nhân của làng tò he Xuân La, khi Hậu được mời vào Huế biểu diễn nặn bột trong festival. Bàn tay lão luyện của anh em Hậu còn được người ta mời đi đắp tượng các ông Tam Đa để thờ; đắp đủ cô Bảy, cô Bơ, cô Chúa Thượng ngàn, ông Hoàng Mười, Hoàng Bảy, xôi, gà, thủ lợn, lá trầu, quả cau... tất tật bằng bột nếp để cho người ta “thăng” trong giá đồng. Có những ngày, nghệ nhân làng Xuân La chỉ nặn gà trống Gô Loa cho theo đơn đặt hàng của người Pháp. Có những tháng, 30 nghệ nhân lăn lê bò toài nặn cho đủ 51.000 quả ớt giống hệt nhau bằng bột màu đỏ. Nhận cái hợp đồng chưa từng thấy cho công ty nọ xuất khẩu sang Hàn, Nhật đó, anh em tò mò lắm. Tìm hiểu mãi, hoá ra họ dùng cái hộp nhỉnh hơn bao diêm một chút, ở đó đặt một quả ớt, một chai rượu, một ổ bánh mì nhỏ bé, tất cả làm bằng bột màu. Họ quan niệm, ai nhận món quà đó, ai tặng món quà đó đều nghiễm nhiên được xem là có thần may mắn phù hộ.

Riêng Đặng Đình Tiên thì vẫn ngày đêm rèn luyện tay nghề, bám trụ công viên nước Hồ Tây, quyết tâm lập một trang web, một công ty kinh doanh các sản phẩm tò he. Anh Đặng Văn Khang thì giản dị hơn: Anh mua bút máy, bút bi, bút chì về, nặn hình các con giống thật đẹp rồi gắn ở đầu các cây bút. Bán chỉ 10.000 đồng một con giống, có khi, với bút bi và bút chì, 10.000 đồng được cả bút có gắn rồng, phượng, cá chép hay khỉ, báo, hươu, nai, sư tử và hoa hồng ở đầu bút. Bột nhập ngoại pha tẩm kỹ, màu luôn tươi tắn, không mốc, không nứt gãy. Các trường cấp 2, cấp 3 và đại học, học sinh, sinh viên giờ rất chuộng những cây bút xinh xắn này, có em mua đến 5 cái bút tò he một lúc. Anh Khang đang tính sản xuất đại trà mặt hàng kiểu này, ký gửi ở hệ thống các hàng lưu niệm ở Hà Nội.

Ai cũng có một nghề, nghề nào cũng có lương tâm của nó. Liệu có phải ai cũng yêu thương công việc mà cha anh mình đã nhiều đời sáng tạo rồi gắn bó đến như chuyện ở làng tò he không nhỉ? Đáng quý hơn, là tôi còn thấy anh Kha, cậu Tiên biết vừa tự hào, vừa... tự trào, hí tếu về cái nghề độc đáo làng mình, rằng đó là trò “ăn dỗ trẻ con”, là “đầu đường, xó chợ”. Vẻ như mỗi “con” tò he cũng đều có hồn cốt cả đấy chứ.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.