Zimbabwe tươi đẹp và điêu tàn: Bài 10 - Đồng tiền chết

07/09/2010 22:36 GMT+7

Tôi cầm trên tay tờ 100.000.000.000.000 đôla. Vâng, đó là một trăm ngàn tỉ đôla. Tôi đùa rằng khoản tiền này gần bằng 10 lần GDP của Mỹ.

Sau Harare xô bồ, tôi muốn dành những ngày ở Victoria Falls ngồi nghe âm thanh của dòng thác hùng vĩ, ngắm những đàn voi rừng ngay trên phố, cưỡi xe Jeep xuyên qua khu bảo tồn thiên nhiên. Thế nhưng, tôi lại bị đẩy ngược về quá khứ, với những tỉ phú nghèo xác xơ của xứ Zimbabwe lạ lùng.

Tiền tỉ

Buổi sáng cuối cùng ở thị trấn Victoria Falls, tôi lang thang dọc trục đường chính, ngắm những hàng quán còn ngái ngủ. Đột nhiên, một gã chạy tới níu áo: “Anh mua cái này không?”. Tôi tò mò nhìn anh ta chìa ra một nắm tiền giấy. “Đôla Zimbabwe, hàng hiếm đấy!”. Tôi thấy thinh thích. Hồi ở Johannesburg bên Nam Phi, tôi đã mua một tờ mệnh giá 50.000.000.000 đôla Zimbabwe với giá 50 rand, tương đương 75.000 đồng Việt Nam. Tôi tính sang Zimbabwe sẽ mua thêm, cũng là để tìm hiểu thêm cuộc khủng hoảng của nước này.

Tôi cầm cục tiền anh chàng bán dạo đưa cho, lật từng tờ. Phải nói là choáng, dù tôi đã tìm hiểu rất kỹ về cơn lạm phát khủng khiếp mà Zimbabwe vừa trải qua. Này nhé, 5 đôla, 10 đôla, 100 đôla, 10.000 đôla, 750.000 đôla, 10.000.000 đôla, 100.000.000 đôla, cứ thế cho tới những con số mà chỉ riêng việc đếm chính xác dãy số 0 đằng sau cũng mệt rồi: 10.000.000.000.000 đôla (mười ngàn tỉ), và đỉnh điểm là 100.000.000.000.000 đôla (một trăm ngàn tỉ). Bạn có tin không? Một tờ tiền giấy nhỏ bé có mệnh giá một-trăm-ngàn-tỉ đôla. Tất nhiên ở đây là đôla Zimbabwe, không phải đôla Mỹ - USD.

Cầm cả cục tiền chừng 100 tờ, tôi hỏi: “Bao nhiêu?”. Anh chàng đáp: “60 đôla Mỹ”. Ôi, tôi sắp có tổng cộng khoảng 1.000.000.000.000.000 đôla Zimbabwe (một triệu tỉ), mà chỉ mất 60 đôla Mỹ! Sau một hồi kỳ kèo, anh chàng cười nhăn nhó chịu giá 10 đôla Mỹ rồi chìa cục tiền cho tôi. Tôi liếc qua, thấy mấy tờ “khủng” không còn, biết đã gặp tay láu cá. Tôi bảo: “Anh vừa rút mấy tờ. Đưa đủ thì tôi mới trả tiền”. Anh chàng cười nhăn nhó, đoạn móc túi đưa mấy tờ tiền mệnh giá 100.000.000.000.000 đôla.

Thế là tôi trở thành tỉ phú, với tài sản gấp... 100 lần GDP nước Mỹ. Ấy là tôi nói vui thôi. Cái khoản tiền một triệu tỉ đôla mà tôi mới mua được chỉ là một thứ “đồ chơi”, một món quà lưu niệm, chẳng có giá trị gì về mặt tiền tệ cả.

Không có giá trị lưu thông, nhưng những tờ tiền “khủng” này lại chứa đựng những câu chuyện về bi kịch đã và đang xảy ra nơi đất nước đẹp tươi này, đất nước của một Robert Mugabe từng rất vĩ đại trong công cuộc đấu tranh chống thực dân, và trở nên bệ rạc trong công cuộc kiến thiết đất nước.

Những tỉ phú nghèo xơ xác

Cầm cục tiền, trong đầu tôi hiện lên hình ảnh một Zimbabwe vài năm trước mà tôi được xem trên ti vi và báo chí. Những con người đứng khuất sau chồng tiền giấy cao ngất giữa khu chợ Harare. Số tiền ấy chỉ đủ mua vài cái bánh mì!

Cơn lạm phát kinh khủng, có lúc vượt quá 200.000.000%, đẩy người dân Zimbabwe vào một bi kịch đen tối. Đồng tiền mới in ra hôm nay, hôm sau đã mất giá, trở thành tờ giấy lộn. Thậm chí giá trị của tờ tiền đó còn không bằng giá thành sản xuất ra nó. Thành ra, người ta tính là dùng tiền đun lò còn lãi hơn lấy tiền mua củi về đun. Chuyện này đã xảy ra ở châu u hồi trước Thế chiến 2.

Tôi căng tờ giấy 100.000.000.000.000 đôla ra xem. Dưới ánh mặt trời rực rỡ Nam bán cầu, tôi thấy hiện lên hình ảnh chú trâu rừng và thác Victoria hùng vĩ. Bên dưới là chữ ký của Tiến sĩ Gideon Gono, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ quốc gia.

Trong cơn lạm phát kinh khủng và triền miên, giới chức Zimbabwe có một chính sách rất đơn giản để đối phó. Đó là không ngừng in tiền. Từ vài con số không (0) ban đầu, tờ tiền đôla Zimbabwe được in với mệnh giá cao nhất là 100.000.000.000.000 đôla, tức 14 con số 0 sau số 1, giữ kỷ lục là tờ tiền có nhiều số 0 nhất được đưa vào lưu thông từ trước đến nay. Năm 1946, Hungary từng lưu hành tờ 100 tỉ tỉ pengo (kỷ lục về tờ tiền mệnh giá cao nhất từng được lưu hành), giá trị hối đoái lúc đó tương đương 0,2 USD, nhưng tờ này in chữ, không in số. Hungary cũng từng in tờ 1.000 tỉ tỉ pengo cùng năm đó nhưng rốt cuộc không đưa vào lưu thông.

Đồng tiền mất giá vùn vụt, sinh mệnh con người trên đất Zimbabwe rẻ đi sau mỗi ngày. Ách thực dân đã được cởi bỏ mấy chục năm nhưng cuộc sống tự do, hạnh phúc, ấm no thì chưa thấy ló dạng, ngoài lời hứa của những người anh hùng thuở xưa.

Ký lệnh in tiền mỏi tay, có vẻ thế, nên Chính phủ Zimbabwe cuối cùng tuyên bố ngưng lưu hành đồng nội tệ và chuyển qua dùng đôla Mỹ (USD), cùng tiền rand của Nam Phi. Cảnh người dân phải chở những xe tiền đi mua bánh mì trôi vào dĩ vãng. Những tờ đôla Zimbabwe biến mất và sau một thời gian, trở thành món hàng lưu niệm được ưa chuộng. Cũng theo thời gian, giá của những tờ tiền chết này tăng lên. Ngày trước, người ta bán cả nắm tiền chỉ vài đôla Mỹ. Giờ đây tăng hơn 10 lần, nhưng nói chung là tùy vào tài trả giá của khách.

Cầm những tờ tiền mệnh giá cao ngất trong tay, trước mắt tôi như hiện lên những gã tỉ phú Zimbabwe nghèo, những người với tài sản hàng triệu tỉ đôla vốn chỉ đáng giá vài bữa ăn trong tiệm Chicken Inn.

“Tôi từng có cả xe tiền như thế”, anh chàng bán dạo kể. “Nhưng giờ hết rồi. Tôi là một tỉ phú nghèo xơ xác”. Anh nói từ khi chuyển qua xài tiền Mỹ và tiền Nam Phi, tình hình kinh tế ổn định hơn, người dân bớt đi nỗi lo thường trực về đói khát dù trong tay sở hữu nhiều bao tải tiền.

Chia tay chàng bán dạo, mà giờ tôi biết có tên là Kgagudi Sekukhune, tôi tiếp tục rảo bước giữa thị trấn Victoria Falls thanh bình. Lòng chợt thấy vui vui khi mình trở thành một tỉ phú. Nhưng phía sau niềm vui tôi đang trải nghiệm là một đêm dài của đất nước 13 triệu dân này.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.