Chỉ tiêu chờ thí sinh

07/09/2010 23:04 GMT+7

Còn 2 ngày nữa sẽ kết thúc việc nhận hồ sơ (HS) xét tuyển NV2. Thế nhưng, vẫn còn nhiều chỉ tiêu (CT) của nhiều ngành học chờ thí sinh. * Nên công khai thông tin * Các trường CĐ sẽ phải tuyển tiếp NV3

Phía Bắc

Chiều ngày 7.9, ông Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết đến thời điểm hiện nay số HS của TS nộp về trường rất ít. Trường mới nhận được khoảng hơn 200 HS trong tổng số hơn 600 CT.

Các trường CĐ sẽ phải tuyển tiếp NV3

Đến nay, nhiều trường CĐ đã nhận được khá nhiều HS NV2 nhưng vẫn chưa xác định được mình sẽ xét tuyển bao nhiêu CT do chưa xác định được lượng TS trúng tuyển NV1 đến nhập học tại trường. Theo kinh nghiệm hằng năm, TS trúng tuyển vào các trường CĐ thường chỉ nhập học khoảng 70% trở lại. Có trường chỉ được 50%. Bà Phan Thị Hải Vân, Trưởng phòng Đào tạo trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex cho biết, trong mấy ngày qua, nhận thấy lượng TS NV1 đến nhập học mới được 50% cho nên trường đã thay đổi CT NV2 từ 130 CT giờ thành 600 CT. Thế nhưng lượng HS đến thời điểm này mới được khoảng 150 HS. Với tình hình này, trường sẽ phải tuyển tiếp NV3.

Ông Lê Đình Thông, Trưởng phòng Đào tạo trường CĐ Công nghệ thông tin cũng cho biết hiện trường đã nhận được khoảng 400 HS. Tuy nhiên xét bao nhiêu CT trong số đó thì còn phụ thuộc vào lượng TS trúng tuyển NV1 nhập học.

Trường CĐ Công thương hiện đã nhận được khoảng 1.500 HS nhưng các ngành Công nghệ dệt, Công nghệ sợi, Công nghệ sản xuất giấy lại thiếu rất nhiều. Trong khi đó, trường CĐ Kinh tế công nghệ TP.HCM nhận được khoảng 3.000 HS, trong đó TS tập trung nhiều vào các ngành kinh tế. Các ngành như Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật điện - điện tử lượng HS ít hơn. Với trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, trong số 569 HS nộp vào thì TS cũng tập trung chủ yếu vào ngành: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Công nghệ kỹ thuật cơ khí trong khi ngành Công nghệ thông tin lại rất ít HS.

Thạc sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng trường CĐ Bách Việt thông tin, hiện nay trường đã nhận được khoảng 1.200 HS. Tuy nhiên các ngành Thiết kế thời trang, Tin học ứng dụng mỗi ngành mới chỉ nhận được khoảng 10 HS trong khi CT là 45 - 50 SV mỗi ngành. 2 ngành Thư ký văn phòng và Thiết kế nội thất cũng còn đến hơn 50 CT.

Mỹ Quyên

Còn trường ĐH Thăng Long vẫn còn 200 CT dành cho tất cả các ngành. Trường ĐH Phương Đông đã nhận được khoảng 60% HS của tổng số 2.300 CT (bao gồm bậc ĐH và CĐ). Trường ĐH Thủy lợi đã nhận khoảng 700 HS/270 CT. Viện ĐH Mở: đã nhận khoảng 2.000 HS trong tổng số 1.400 CT nhưng tỷ lệ HS/CT không đều ở các ngành. Vẫn có những ngành còn CT xét tuyển bao gồm Công nghệ sinh học, Điện tử thông tin; Tin học ứng dụng. 

ĐH Huế

Theo thống kê của Ban Đào tạo ĐH thuộc ĐH Huế, đến ngày 6.9, tổng số HS đăng ký xét tuyển NV2 vào các trường thành viên và các khoa trực thuộc ĐH Huế là 1.376 HS (so với CT là 1.936 CT) và bậc CĐ là 321 HS/400 CT.

Hiện tại, các ngành có tỷ lệ HS đăng ký cao là Quản trị kinh doanh (thuộc khoa Du lịch) với 153 HS/33 CT; hệ thống thông tin kinh tế (ĐH Kinh tế) với 86 HS/20 CT; Quản lý đất đai (bậc CĐ trong trường ĐH Nông Lâm) với 127 HS/60 CT. Với 350 CT xét tuyển chung cho các ngành gồm Khoa học cây trồng, Bảo vệ thực vật, Bảo quản chế biến nông sản, Khoa học nghề vườn, Lâm nghiệp, Chăn nuôi - Thú y, Thú y, Nuôi trồng thủy sản, Nông học, Khuyến nông và Phát triển nông thôn, Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Khoa học đất, Quản lý môi trường và nguồn lợi thủy sản (thuộc ĐH Nông Lâm) nhưng cũng mới chỉ có 161 HS đăng ký... Đặc biệt, ngành tiếng Nga (ĐH Ngoại ngữ) vẫn chưa có HS nào nộp (20 CT); ngành Kỹ thuật trắc địa - Bản đồ có 1 HS/60 CT. Ngoài ra, ngành tiếng Pháp, tiếng Hàn cũng chỉ có 5 HS nộp trong khi có hơn 20 CT vào hai ngành này.

Đà Nẵng và Quảng Nam

Hết ngày 7.9, số HS thu trực tiếp của ĐH Đà Nẵng là 2.300 HS, chưa kể số HS gửi theo đường bưu điện. Số HS nộp vào trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng là hơn 700 (trong khi đó có 455 CT), số ngành TS đăng ký còn khá thấp như Văn hóa học (CT 42/5), SP Giáo dục chính trị (26/7), Sư phạm Tin (34/9)... Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng là 187 HS đăng ký (trong khi CT là 251), một số ngành theo thống kê có số TS còn khá ít như: Cử nhân tiếng Nga (33/1), CN tiếng Pháp du lịch (19/4). Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng đã có đã có 1.323 HS (trong khi CT là 781); nhưng theo lãnh đạo Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng thì số TS CĐ gọi nhập học sẽ cao khoảng 1,4 đến 1,6 lần so với CT, vì thường TS trúng tuyển đi học CĐ hằng năm số lượng đều giảm so với số lượng gọi nhập học. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Hoàng Việt, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, số lượng TS đăng ký xét tuyển NV2 vào các trường thuộc ĐH Đà Nẵng sẽ còn có nhiều thay đổi bởi số lượng TS đăng ký qua đường bưu điện và nộp HS vào 2-3 ngày cuối cùng là không hề nhỏ.

Thạc sĩ Lê Nguyên Bảo, Phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân cho hay, trường đã nhận được hơn 3.000 HS đăng ký xét tuyển NV2 vào các ngành của trường, và đồng thời thông báo, ĐH Duy Tân dự kiến xét tuyển 1.000 CT NV3.

Còn trường ĐH Quảng Nam cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, số TS đăng ký NV2 vào trường đã bằng so với số CT của trường (ĐH: 650 và CĐ: 300). Tuy nhiên, số TS đăng ký vào các ngành phân hóa không đều, các ngành như CĐ SP Toán thì dư số lượng nhiều so với CT, trong khi đó các ngành như Việt Nam học, Văn hóa du lịch, tiếng Anh thì lại thiếu.

Trường CĐ Bách khoa Đà Nẵng cũng đăng ký xét tuyển NV2 550 TS, đến thời điểm hiện tại đã thu được 560 HS. Số lượng TS nộp HS vào trường chủ đạo vẫn là các ngành: Tài chính, Ngân hàng, Kế toán. Còn các ngành như Quản trị, Xây dựng, Tin học ứng dụng... hiện vẫn còn thiếu một số CT.

Thạc sĩ Lê Ngọc Quý, Phó hiệu trưởng trường CĐ Phương Đông Đà Nẵng cũng cho biết, trường đã nhận được 800 HS so với CT là 1.100. Theo ông Quý, thì những ngành: Y sĩ, Điều dưỡng đa khoa của trường hiện đang rất hút TS, tỷ lệ đăng ký là rất đông trong khi đó số TS đăng ký vào các ngành kinh tế, kỹ thuật như: Tài chính ngân hàng, Quản trị vẫn còn tương đối ít, chỉ chiếm 25% trong tổng số TS đăng ký.

Phía Nam

Tính đến ngày 7.9, TS nộp đơn xét tuyển NV2 vào bậc ĐH của trường ĐH Tôn Đức Thắng là 2.201 HS (CT là 1.200). Số HS này đã là cao nhưng nếu tính đến số lượng TS nộp vào bậc CĐ thì không đáng kể. TS nộp đơn xét tuyển NV2 vào bậc CĐ của trường này đã tăng đến 4.796 HS (trong khi CT chỉ có 600). Các ngành khối Kinh tế như Tài chính - Tín dụng, Quản trị kinh doanh, Kế toán - Kiểm toán, mỗi ngành có trên 1.000 HS nộp vào. Số lượng TS có mức điểm thi 15, 16 không phải là ít.

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Tài chính - Marketing, cũng cho biết trường đã nhận được gần 3.000 HS xét tuyển NV2 (CT của trường chỉ là 775). Số lượng HS nộp vào bậc CĐ rất nhiều trong khi CT chỉ có 600 và lượng TS có điểm sàn trên cả điểm sàn ĐH cũng khá nhiều.

Đến chiều 7.9, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã nhận được hơn 900 HS xét tuyển NV2. Năm nay trường xét tuyển 700 CT vào ĐH và CĐ. Điểm xét tuyển các ngành cao hơn NV1 từ 0,5 đến 1 điểm. Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo, các ngành có CT nhiều nhưng TS nộp HS xét tuyển ít như Kỹ thuật công nghiệp, Cơ kỹ thuật, Tiếng Anh hay một số ngành sư phạm kỹ thuật... còn bậc CĐ là các ngành: Kỹ thuật điện, Điện công nghiệp, Cơ khí chế tạo máy...

 Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh của trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, năm nay trường xét tuyển 3.900 CT NV2 cho cả bậc ĐH lẫn CĐ. Tính đến chiều 7.9, trường này đã nhận hơn 21.000 HS xét tuyển NV2 của TS. Như vậy, trường này có tỷ lệ chọi khá cao: 1 chọi 5,3 (tính tương đối). Được biết, đa số TS nộp HS xét tuyển vào khối ngành kinh tế.

Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) xét tuyển 720 CT NV2 cho cả bậc ĐH và CĐ, đến chiều 7.9, đã có hơn 1.200 HS NV2. Theo thạc sĩ Lâm Thành Hiển - Phó hiệu trưởng, những ngành có HS xét tuyển ít nhưng CT nhiều gồm Điện tử, Điện công nghiệp, Xây dựng dân dụng, Cầu đường, Công nghệ hóa, Hóa thực phẩm, Công nghệ Sinh học, Tiếng Nhật, Tiếng Anh. 

Bí mật để tránh tiêu cực?

Trong khi đó, nhiều trường cho rằng không công khai thông tin xét tuyển NV2 để tránh xảy ra tiêu cực cũng như để công bằng. Tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho hay hiện tại có khoảng 2.000 HS xét tuyển NV2 nộp vào trường (xấp xỉ CT) nhưng chưa ai được phép mở lượng HS này. Vì theo quan điểm của trường, nếu thông tin các ngành được công khai, sẽ không công bằng với các TS nộp HS qua đường bưu điện.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng cho rằng các TS ở xa, phải nộp HS qua đường bưu điện sẽ không nắm được các thông tin này và sẽ bất lợi hơn rất nhiều so với TS đến trường nộp trực tiếp và được tư vấn cụ thể thông tin HS của các ngành học.

Hầu hết lãnh đạo các trường ĐH công lập ở Hà Nội cũng đều đồng ý cần phải giữ bí mật thông tin số lượng HS, mức điểm trúng tuyển đến phút chót. Ông Lê Trọng Thắng - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Mỏ Địa chất nói: “Tư vấn sớm cho TS trong thời hạn nộp HS xét tuyển có thể sẽ làm sai lệch nhu cầu đăng ký của các em. Vì vậy, đến ngày 10.9, thời hạn cuối cùng của lịch nhận HS nhà trường mới “chốt sổ” và mới xét theo nguyên tắc từ cao xuống thấp”. Bà Nguyễn Thị Tĩnh - Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho biết, trường cũng chỉ nhận HS của TS mà không tư vấn bất kỳ thông tin gì để đảm bảo công bằng và khách quan.

Về vấn đề này, rõ ràng TS luôn mong mỏi có được càng nhiều càng tốt những thông tin liên quan đến việc xét tuyển NV2. Đó là lý do mà có rất nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh NV2 diễn ra trong suốt thời gian qua. Như thế vẫn chưa đủ, nhiều phụ huynh và TS vẫn liên tục gọi đến các trường ĐH-CĐ, các cơ quan thông tin để mong có bất kỳ một thông tin nào đó về ngành mình dự kiến nộp HS. Ý kiến của lãnh đạo các trường ủng hộ việc không công khai nhằm đảm bảo công bằng trong thông tin cho TS không nộp HS trực tiếp cũng có phần hợp lý.

Tuy nhiên, thiết nghĩ vẫn còn nhiều cách để TS nộp HS qua đường bưu điện có thể nắm được thông tin. Đưa lên website như ĐH Huế là một ví dụ.

Công khai thông tin cần thiết và tư vấn đầy đủ để TS đưa ra quyết định cuối cùng là một cách làm dân chủ.

Đăng Nguyên - Thiên Long - Vũ Thơ - Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.