Chạy đua vũ trang ở vùng Vịnh

05/09/2010 09:02 GMT+7

(TNTS) Theo báo điện tử Lenta.ru, từ đầu tháng 8.2010, sau khi xuất hiện tin không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tấn công Iran, vài quốc gia ở vùng vịnh Persic đã tích cực mua thêm vũ khí.

Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đô đốc Mike Mullen đã tuyên bố ngày 2.8.2010 về việc Mỹ soạn thảo kế hoạch tấn công Iran bằng vũ lực. Tuy nhiên chi tiết kế hoạch như thế nào thì ông Mullen không nói rõ. Tổng thống Iran - Mahmoud Ahmadinejad, gần đây cũng nhắc đến khả năng “có thể xảy ra hai cuộc chiến ở vùng Vịnh và Trung Đông”.

Ngay sau các tuyên bố trên, Vương quốc Hồi giáo Oman bất ngờ đặt mua của hãng Lockheed Martin (Mỹ), 18 chiếc tiêm kích F-16 Fightning Falcon, loại mới cải tiến. Giá trị của bản hợp đồng (nếu Quốc hội Mỹ thông qua) sẽ vào khoảng 3,5 tỉ USD. Hợp đồng bao gồm cả máy bay, radar và hệ thống vũ khí đi kèm.

Nhiều khả năng Quốc hội Mỹ sẽ chấp thuận cho Lockheed Martin bán vũ khí, bởi Oman cùng với Kuwailt và Ả Rập Xê Út là những đồng minh then chốt của Mỹ tại vùng Vịnh. Trước đây, phía Oman từng đàm phán với hãng Eurofighter của châu u để mua loại Typhoon, nhưng giờ đây có lẽ nước này sẽ mua thêm máy bay của Mỹ. Bởi, Oman cho rằng, với thời gian gấp rút như thế, Lockheed Martin hoàn toàn có thể cung cấp máy bay đúng tiến độ, đúng thời hạn.

Lần cuối cùng Oman mua máy bay của Mỹ là vào năm 2005. Khi đó vương quốc Hồi giáo này mua 12 chiếc tiêm kích F-16 nâng cấp (loại Block 50 hoặc Block 52 với động cơ Pratt & Whitney F100-PW-229 và radar Northrop Grumman APG-68(v)9. Việc Oman ký hợp đồng mới với Lockheed Martin, giúp hãng này có thể duy trì sản xuất loại F-16 đến năm 2013 - 2015. Ngoài ra, Oman còn bổ sung hợp đồng bằng việc đặt mua thêm 2 chiếc máy bay vận tải loại C-130J Super Hercules của Lockheed Martin.

Cùng lúc thông báo về việc Oman mua vũ khí, phía Mỹ còn loan tin Ả Rập Xê Út đang đàm phán để mua 84 chiếc tiêm kích Boeing F-15 Eagle và sửa chữa 72 chiếc cùng loại hiện đang có ở nước này. Hiện chưa rõ chi tiết của hợp đồng, nhưng cũng có thể Ả Rập Xê Út sẽ mua loại F-15 - Silent Eagle do Boeing thiết kế, sản xuất. Tổng giá trị hợp đồng vào khoảng 30 tỉ USD.   

Đáng chú ý, trước đó một thời gian ngắn, Ả Rập Xê Út đã quyết định mua thêm 60 chiếc trực thăng chiến đấu, loại Boeing AH-64D Apache Longbow Block và 70 chiếc trực thăng vận tải Sikorsky UH-60 Black Hawk. Ngoài ra, nước này còn mua nhiều radar APG-63(v)3 và ăng-ten lưới dành cho tiêm kích F-15. Nếu tính cả hợp đồng mới, Ả Rập Xê Út đã chi 60 tỉ USD để mua vũ khí Mỹ.

Cũng cần nói thêm, không phải tất cả các hợp đồng với Ả Rập Xê Út đều được Quốc hội Mỹ thông qua. Chẳng hạn, Quốc hội Mỹ có thể không cho phép bán loại ăng-ten AFAR, hay vài kiểu vũ khí đi kèm dành cho máy bay tiêm kích. Bởi, trước đây, Israel từng tuyên bố, nếu Mỹ bán cho Ả Rập Xê Út toàn bộ các vũ khí như nêu trên, thì Isarel sẽ đánh mất ưu thế quân sự trong khu vực. Mỹ rất tích cực ủng hộ Israel, hằng năm đều trợ giúp nước này vũ khí, khí tài quân sự và chắc chắn sẽ lắng nghe lời thỉnh cầu của đồng minh số 1 tại Trung Đông.

Ngày 12.8.2010, Bộ Quốc phòng Kuwailt đặt mua của Mỹ 209 tên lửa thuộc hệ thống MIM-104 Patriot. Nước này còn nói rõ rằng, tên lửa Mỹ sẽ giúp bảo vệ Kuwailt, trong trường hợp nếu bị Iran tấn công. Tổng giá trị hợp đồng nếu thực hiện thành công sẽ vào khoảng 900 triệu USD. Hiện, trong biên chế quân đội Kuwailt có 5 hệ thống tên lửa Patriot, loại được cải tiến là PAC-2 và Pac-3. Tất cả đều thuộc quyền quản lý của không lực nước này.

Oman, Kuwailt và Ả Rập Xê Út là thành viên của Hội đồng hợp tác các nước Ả Rập thuộc vùng vịnh Persic. Ngoài ra, còn có các quốc gia khác như Qatar, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain. Vào tháng 4.2010, Qatar đã mua một số tên lửa chống tàu biển Exocet MM40 Block 30 của Pháp. Không loại trừ khả năng tới đây Qatar và UAE sẽ sớm đàm phán các hợp đồng quân sự để mua thêm vũ khí.

Về phía mình, Tehran từ đầu năm 2010 tích cực sản xuất và thử nghiệm nhiều loại vũ khí mới như máy bay tiêm kích Saeqeh và Azarakhsh. Iran cũng bắt đầu cải tiến loại F-14 Tomcat bằng công nghệ riêng của mình. Tháng 2.2010, báo chí Iran loan tin về cuộc thử nghiệm máy bay không người lái với hệ thống radar Sofreh Mahi. Đến đầu tháng 2.2010, nước này khánh thành nhà máy sản xuất tên lửa Qaem và Toofan-5.

Trong thời gian tới đây Mỹ khó có thể tấn công Iran. Bởi cường  quốc này đang mệt mỏi với cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq, Afghanistan và cả ở Pakitstan. Theo lời ông Mahmoud Ahmadinejad, chính quyền Iran có những thông tin cho thấy Mỹ bắt đầu “cuộc chiến tranh tâm lý” để chống lại Iran. Và việc các nước vùng Vịnh mua vũ khí không loại trừ là một phần của cuộc chiến tranh tâm lý đó.

Máy bay tấn công không người lái của Iran

Đài truyền hình nhà nước Iran mới đây cũng phát những hình ảnh quân đội nước này thử nghiệm loại máy bay tấn công không người lái mang tên Karar. Hãng AFP dẫn nguồn từ phía Iran cho biết, Karar có thể mang 4 tên lửa hành trình và 2 trái bom. Tổng thống Iran - Ahmadinejad, đã chứng kiến cuộc thử nghiệm này phát biểu: “Karar là kẻ sẽ đem đến cái chết cho kẻ thù của đất nước này”. Vị lãnh đạo này nhấn mạnh, Iran “cần phải đạt đến đẳng cấp để có thể đáp trả những đòn thích đáng” đối với những kẻ đe dọa đất nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Ahmad Vahidi cho biết, oanh tạc cơ Karar có tầm bay tới 998 km.

Iran sản xuất tàu cao tốc mang tên lửa

Theo AFP, ngày 23.8, Iran tuyên bố chính thức đi vào sản xuất loại tàu tuần tiễu cao tốc Serak và Zulfiqar mang tên lửa. Hình ảnh những chiếc tàu đầu tiên này được đài truyền hình nhà nước Iran trình chiếu. Bộ trưởng Quốc phòng Iran - Ahmad Vahidi nhấn mạnh: Những tàu tuần tiễu mới sẽ “bổ sung sức mạnh cho hải quân Iran”.

Serak là tàu tuần tiễu cao tốc, có lớp vỏ bằng sợi thủy tinh độ bền cao, được trang bị nhiều loại vũ khí, hệ thống thông tin liên lạc điện tử và hệ thống dẫn đường hiện đại nhất. Còn Zulfiqar, được đặt tên để vinh danh vị lãnh tụ Hồi giáo đầu tiên người Shiah Hazrat Ali. Loại tàu này được trang bị tên lửa hành trình, hai thiết bị phóng tên lửa và hệ thống kiểm soát bằng máy vi tính cùng hai khẩu pháo cỡ lớn.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.