Ấn Độ và siêu dự án máy bay tiêm kích

02/09/2010 14:40 GMT+7

(TNTS) Ấn Độ vừa kết thúc giai đoạn 1 cuộc thử nghiệm đấu thầu 6 loại máy bay tiêm kích đa năng để tiến tới một hợp đồng lớn mua 126 chiếc cho không lực nước này.

Dự án tuyển chọn để mua 126 máy bay tiêm kích đa năng hạng trung cho Không lực Ấn Độ bắt đầu từ tháng 8.2007. Theo dự kiến ban đầu, dự án sẽ kết thúc vào khoảng năm 2012 - 2014. Tuy nhiên sau đó lại có thông tin, kết quả cuộc tuyển chọn sẽ được thông báo sớm hơn. Trong những ngày qua, một số báo Ấn Độ còn đưa tin rằng, hãng được lựa chọn sẽ nhận hợp đồng trị giá 420 tỉ rupee (tương đương 9,1 tỉ USD). Theo điều kiện hợp đồng, hãng thắng thầu sẽ phải cung cấp 18 chiếc tiêm kích hoàn chỉnh. Số còn lại sẽ được sản xuất tại Ấn Độ theo giấy phép nhượng quyền.

Ngoài ra, sau khi đã có 126 máy bay như mong muốn, có thể Ấn Độ sẽ mở rộng hợp đồng bằng việc sản xuất thêm từ 54 đến 64 chiếc máy bay nữa. Dự án nêu trên được tiến hành 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất kết thúc vào tháng 7.2010. Trong giai đoạn này, phi công của Không lực Ấn Độ sẽ thực hiện các chuyến bay thử nghiệm (tại quốc gia có máy bay tham dự đấu thầu) cùng với các loại vũ khí được gắn kèm theo. Sau đó, họ sẽ rút gọn danh sách các loại tiêm kích lọt vào vòng chung kết. Bước kế tiếp là họ sẽ lái những chiếc máy bay này về Ấn Độ để tìm hiểu, nghiên cứu và nắm toàn bộ cơ chế hoạt động của chúng cùng các loại vũ khí đi kèm.

Tham dự đấu thầu dự án nêu trên có 6 hãng: Dassault Aviation (Pháp), Eurofighter (châu u), Lockheed Martin và Boeing (Mỹ), Saab (Thụy Điển) và Mig (Nga). 6 hãng này đưa ra các loại máy bay như, Rafale, Typhoon, F-16IN Super Viper, F/A-18 Super Hornet, JAS-39 Gripen NG và Mig-35.

Sau khi Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhận được báo cáo về giai đoạn 1, tuy chưa có những phát ngôn chính thức, nhưng báo chí Ấn Độ thường đưa tin, khẳng định loại máy bay này, hay máy kia trúng thầu (!?). Lần gần đây nhất - ngày 9.8, có thông tin cho biết loại Rafale và Typhoon lọt vào vòng trong và sẽ tiếp tục được thử nghiệm thêm. Sau đó Không lực Ấn Độ sẽ chọn loại tốt nhất từ hai loại này.

Theo thống kê chính thức của Không lực Ấn Độ, đến cuối năm 2009, lực lượng không quân nước này có 169 máy bay do Pháp và Anh sản xuất như Mirage 2000 và Sepecat Jaguar. Ngoài ra, có 343 chiếc do Liên Xô/Nga sản xuất như Mig-21, Mig-27, Mig-29, Su-30MKI. Hiện Ấn Độ đang có kế hoạch loại bỏ Mig-21, Mig-27 do đã cũ, nhưng đến năm 2015, Ấn Độ sẽ có 230 chiếc Su-30MKI.

Theo tin của kênh truyền hình Times Now (Ấn Độ), chiếc tiêm kích F/A-18 bị loại khỏi dự án vì nhà sản xuất Boeing không đồng ý chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ loại máy bay này. Còn Gripen NG không đáp ứng yêu cầu vì hệ thống thông tin của máy bay khá yếu kém. Với hãng Saab, dù đã hứa chuyển giao cho Ấn Độ code của chương trình điều khiển radar, nhưng sản phẩm của họ cuối cùng cũng bị loại. Riêng với Mig-35 dù trong quá trình thử nghiệm chứng tỏ được các phẩm chất tác chiến của mình, nhưng động cơ của nó không thuyết phục được người Ấn.

Cần nói rõ các thông tin đưa ra chỉ là đồn thổi. Mới đây nhất, theo thông tin của báo Jane’s, đại diện của Bộ Quốc phòng Ấn Độ - ông Sitanshu Kar, khẳng định: Tuy đã nhận được báo cáo tổng kết giai đoạn 1 của dự án đấu thầu về kết quả thử nghiệm 6 loại tiêm kích, nhưng hiện vẫn chưa gút lại danh sách các ứng viên lọt vào vòng chung kết.

Dù vậy, tin đồn về chiếc Mig-35 bị loại khỏi cuộc đua là có cơ sở, vì hiện nay chiếc máy bay này mới hoàn tất giai đoạn thiết kế và chuẩn bị bay thử nghiệm chính thức vào cuối năm nay. Phía Nga dự kiến đến năm 2013 hoặc 2014 mới đi vào sản xuất hàng loạt loại tiêm kích đa năng này. Thông tin của Times Now về F-16IN cũng có thể tin, bởi với Không lực Ấn Độ đây là loại máy bay không có tương lai, vì không thể cải tiến thêm được nữa.

Trong khi đó báo điện tử, Lenta.ru của Nga cho rằng, nếu cuối cùng Ấn Độ quyết định chiếc Mig-35 là máy bay tiêm kích thắng thầu là điều hợp lý nhất. Vì từ nhiều năm nay Liên Xô trước đây và Nga ngày nay với Ấn Độ là đối tác truyền thống trong lĩnh vực quân sự. Nhờ thế, mà các loại máy bay chiến đấu, đặc biệt là tiêm kích của Nga đóng vai trò then chốt của Không lực Ấn Độ. Không đơn giản khi các loại Mig-21, Mig-27. Mig-29 và Su-30MKI chiếm số lượng áp đảo trong biên chế của không quân Ấn Độ.  

Ngoài ra, vào đầu tháng 8.2010, trang web quân đội Ấn Độ - LiveFist, tiến hành cuộc thăm dò 2.282 người về việc lựa chọn các loại tiêm kích nêu trên và nhận được kết quả như sau: Vị trí thứ nhất thuộc về chiếc Rafale. Kết tiếp là chiếc Typhoon, rồi F/A-18 và Gripen NG (đồng hạng ba), thứ tư là Mig-35 và cuối cùng là F-16IN.

6 loại máy bay tham dự đấu thầu

Mig-35 (Mig, Nga):

Tốc độ cao nhất: 2.100 km/giờ. Tầm bay: 3.000 km. Radar: Zuk-A và ăng ten lưới loại hiện đại nhất. Pháo 30 ly và 10 trái bom (hoặc tên lửa) với tổng trọng lượng 6,5 tấn.

Rafale (Dassault Aviation, Pháp):

Tốc độ cao nhất: 2.400 km/giờ. Tầm bay: 3.700 km. Radar: RBE2 và ăng-ten lưới loại hiện đại nhất. Pháo 30 ly và 14 trái bom (hoặc tên lửa), tổng trọng lượng 9,6 tấn.

Typhoon (Eurofighter, châu u):

Tốc độ cao nhất: 2.500 km/giờ. Tầm bay: 2.900 km. Radar: Euroradar Captor. Pháo 27 ly và 13 trái bom (hoặc tên lửa), tổng trọng lượng 7,5 tấn.

F-16IN (Lockheed Martin, Mỹ):

Tốc độ cao nhất: 2.300 km/giờ. Tầm bay: 4.200 km. Radar: AN/APG-80 và ăng-ten lưới. Pháo 20 ly và 11 trái bom (hoặc tên lửa), tổng trọng lượng 7,7 tấn.

F/A-18 (Boeing, Mỹ):

Tốc độ cao nhất: 1.900 km/giờ. Tầm bay: 2.300 km. Radar: AN/APG-79 và ăng-ten lưới. Pháo 20 ly và 11 trái bom (hoặc tên lửa), tổng trọng lượng 8,05 tấn.

Gripen NG (Saab, Thụy Điển):

Tốc độ cao nhất: 2.500 km/giờ. Tầm bay: 3.200 km. Radar: PS-05/A và ăng ten lưới. Pháo 27 ly và 8 trái bom (hoặc tên lửa), tổng trọng lượng 8 tấn.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.