Vượt qua cuộc khủng hoảng thứ tư

01/09/2010 23:54 GMT+7

65 năm trước, Cách mạng Tháng Tám đã đánh sập chế độ thuộc địa gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong suốt thời gian từ khi thành lập nước cho đến nay, Việt Nam đã phải trải qua hơn 30 năm chiến tranh và chịu ảnh hưởng của 4 cuộc khủng hoảng trong, ngoài nước.

Cuộc khủng hoảng thứ nhất tiềm ẩn từ cuối những năm 70, bùng phát vào những năm 80 và kéo dài cho đến đầu những năm 90 thế kỷ trước. Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ hậu quả chiến tranh, từ việc kéo dài cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, cộng hưởng với những khó khăn quốc tế (sự đổ vỡ chế độ XHCN ở Liên Xô, Đông u, cuộc bao vây cấm vận của Mỹ...). Sản xuất tăng chậm và thực chất không phát triển; lạm phát phi mã; kinh tế vĩ mô mất cân đối nghiêm trọng; tỷ lệ thất nghiệp ở mức hai chữ số, tỷ lệ đói nghèo cao.

Công cuộc đổi mới đã đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và từ 1992 - 1997 đã đạt tốc độ tăng trưởng 8,77%/năm  - cao nhất từ trước đến nay. Nhưng vào lúc này đã xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ khu vực năm 1997 - 1998. Cuộc khủng hoảng thứ hai đã ảnh hưởng gián tiếp đến nước ta, với những tác động tiêu cực về vốn đầu tư nước ngoài, về xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế, lạm phát... Đến mấy năm sau tăng trưởng kinh tế vẫn chưa phục hồi được tốc độ cũ.

Năm 2000, Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ được ký kết. Tuy nhiên, sự kiện ngày 11.9.2001 cộng hưởng với cuộc khủng hoảng chu kỳ của nước Mỹ đã tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Nhờ tiếp tục đổi mới, mở cửa hội nhập, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam đã vượt qua tác động của cuộc khủng hoảng thứ ba này. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, vốn đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục mới, xuất khẩu tăng liên tục với tốc độ cao, dự trữ ngoại hối tăng, GDP bình quân đầu người tăng khá...

Cuộc khủng hoảng thứ tư bắt đầu từ thị trường nhà đất ở Mỹ, lan nhanh sang hệ thống tài chính, kinh tế và công ăn việc làm; lan từ Mỹ sang các nước, tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng xảy ra khi Việt Nam vừa mới gia nhập WTO từ đầu năm 2007. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị suy giảm (từ trên 8% trong 3 năm trước, đến 2008 chỉ còn 6,31%, năm 2009 chỉ còn 5,31%). Lạm phát cao trong năm 2007 (12,63%), bùng lên trong năm 2008.

Để đối phó với tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng toàn cầu và hiệu ứng phụ từ kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế, đầu tư nước ngoài, tăng trưởng công nghiệp, xuất khẩu bị sụt giảm, thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng..., mục tiêu ưu tiên đã được chuyển từ kiềm chế lạm phát sang ngăn chặn suy giảm kinh tế với nhiều giải pháp, trong đó có việc kích cầu đầu tư, tiêu dùng. Kết quả Việt Nam đã không rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng thế giới, bắt đầu từ quý II/2009 đã có dấu hiệu thoát đáy vượt dốc đi lên và đang trên đường tiến tới phục hồi.

Từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, từ chỗ còn là một trong vài chục nước nghèo nhất thế giới… nay Việt Nam đã trở thành nước độc lập tự chủ, có quan hệ ngoại giao với trên 170 nước, có quan hệ buôn bán với trên 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức và định chế quốc tế, là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, thành viên WTO, năm 2010 đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, chuyển sang thực hiện mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.