Người lính kèn sửa 2 nốt nhạc trong bài 'Tiến quân ca'

01/09/2010 23:18 GMT+7

Khi giai điệu hùng tráng của bài Tiến quân ca vang lên trên Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945, trong đó không chỉ có tiếng reo vui của một dân tộc, mà còn có sự tự hào của những người lính kèn.

Đội kèn Bảo an binh được thành lập năm 1924 trực thuộc Tòa Thống sứ Bắc kỳ, chỉ huy đội kèn đầu tiên là nhạc sĩ người Pháp - tên là Camille Parmentier. Thời kỳ đầu, tất cả các nhạc công đều là người Pháp vì lúc này rất ít người Việt Nam sử dụng thông thạo các nhạc cụ phương Tây.

Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 1.1946, Tiến quân ca được thông qua chính thức là Quốc ca. Hiện nay trong Bảo tàng Lịch sử quân sự hiện còn trưng bày bộ kèn 20 chiếc, đó là những chiếc kèn được ban nhạc Giải phóng quân cử Quốc thiều trong buổi lễ Tuyên ngôn độc lập cách đây 65 năm.

Theo thời gian, nhiều người Việt Nam học nhạc ở các nhà thờ, học các lớp nhạc do các nhạc sĩ Việt Nam mở như: Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Tình, Nguyễn Văn Diệp, Nguyễn Văn Tình... đã được  tuyển vào đội kèn thay thế các nhạc công Pháp. Hằng ngày, họ từ trong thành ra vườn hoa phố Lê Trực tập kèn nên người Hà Nội gọi là vườn hoa tập kèn. Ngoài việc phục vụ các sự kiện của chính quyền thành phố hay quân đội Pháp, thì cứ tối thứ bảy, họ chơi kèn tại đảo Nhện trong vườn Bách thảo. Vào tối chủ nhật họ chơi tại vườn hoa Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ). Ngày 18.8.1945, trước khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội một ngày, anh em nhạc công người Việt trong đội kèn Bảo an binh không ai bảo ai tất cả đều bỏ doanh trại về nhà.

 
 Bộ kèn đồng Đoàn nhạc binh quân đội quốc gia VN đã dùng cử hành lễ chào cờ tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội ngày 2.9.1945 được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự VN - Ảnh: Trường Sơn

Ngày 20.8.1945, Bộ chỉ huy Quân sự Hà Nội đã mời tất cả anh em trong đội kèn tham gia ban nhạc Giải phóng quân và giao cho Đinh Ngọc Liên trước đó là Đội trưởng đội kèn Bảo an binh chỉ huy tập các hành khúc chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của dân tộc sẽ diễn ra đầu tháng 9. Tất cả hồ hởi nhận lời và cuộc đời của họ bắt đầu mở sang một trang khác. 

Ngày không bao giờ quên trong đời

Lúc còn sống, NSND Đinh Ngọc Liên kể rằng từ hôm được giao nhiệm vụ, hầu như không đêm nào ông chợp mắt được, phần vì lo lắng trách nhiệm, phần vì tự hào trở thành công dân của nước Việt Nam độc lập, nhưng hơn tất cả là được cử hành Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tiến quân ca của Văn Cao ban đầu do ông Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh đề nghị Văn Cao sáng tác. Viết xong, nhạc sĩ hát thử và ông Vũ Quý rất hài lòng. Sau đó, Tiến quân ca được in trên báo Độc Lập vào tháng 11.1944. Khi nghe hành khúc này, Nguyễn Đình Thi vô cùng xúc động và nói: "Ca khúc của anh nói thay cả triệu người Việt Nam".

Để bản nhạc hoàn hảo hơn, xứng đáng là Quốc thiều của nước Việt Nam độc lập, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu đã gặp nhạc sĩ Văn Cao bàn bạc để thống nhất sửa hai nốt nhạc trong Tiến quân ca. Đó là rút ngắn trường độ nốt rê đầu tiên của chữ "đoàn" và nốt mi ở đoạn giữa trong chữ "xác" để bản nhạc thêm khỏe khoắn và trầm hùng. Khi viết xong tổng phổ, 75 anh em trong ban nhạc lao vào luyện tập ngày đêm. Họ tập trung nhiều nhất vào Tiến quân ca, sau đó đến Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi), Vũ khúc tưng bừng (Lương Ngọc Trác).

Đêm 1.9, Đinh Ngọc Liên nhắc anh em đi ngủ sớm để mai có sức biểu diễn nhưng không một ai ngủ được. Mới 1 giờ sáng 2.9, hầu hết anh em trong ban nhạc đã mặc quần soóc, áo ka ki màu vàng, đầu đội mũ ca lô gắn quân hiệu, sốt ruột đi qua đi lại trong phòng. Rồi giờ ấy đã đến, cả Quảng trường Ba Đình rợp người. Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tiến quân ca nổi lên, hàng vạn người trên quảng trường im phăng phắc, nhiều anh em trong đội kèn vừa chơi vừa ứa nước mắt. 

Nguyễn Ngọc Tiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.