Những siêu dự án "rùa"

30/08/2010 23:58 GMT+7

Dự án "tỉ đô", siêu dự án... từng là niềm tự hào của nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhưng đằng sau số vốn công bố gây sốc, hàng loạt dự án chậm trễ, hoặc chỉ nằm trên giấy khiến cuộc sống của hàng ngàn, hàng vạn hộ dân bị “treo”.

VN hiện có 24 siêu dự án (vốn đăng ký trên 1 tỉ USD/dự án) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn hơn 72 tỉ USD, nhưng 50% trong số đó đang được soát xét về tiến độ thực hiện. Nhiều dự án có nguy cơ bị rút giấy phép đầu tư vì nhiều vấn đề...

Những dự án “hứa”

Tháng 5.2007, người dân và cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng “sốc” khi Công ty CP tài chính - phát triển doanh nghiệp (FBS) tuyên bố đầu tư 2,4 tỉ USD vào dự án Khu đô thị - du lịch Thủy Tú nằm ở quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Ngày 22.5.2007, trong "đại lễ khởi công", công ty này tuyên bố sẽ biến đồng không mông quạnh thành đô thị sầm uất. Theo đó, trên tổng diện tích 409,2 ha sẽ xây dựng các khu trung tâm thương mại cao ốc từ 30 - 45 tầng, khu nhà ở, nhà vườn, nhà liên kế và khu vực đảo bao gồm các biệt thự cao cấp, bệnh viện, trường học... Thế nhưng, chỉ 6 tháng sau (tháng 11.2007), UBND TP Đà Nẵng bất ngờ quyết định thu hồi đất đã cấp cho FSB. Nguyên nhân là do FSB không thực hiện đúng các điều khoản đã ký kết với Công ty quản lý và khai thác đất TP Đà Nẵng và không nộp tiền chuyển quyền sử dụng đất theo đúng quy định. Từ năm 2004, UBND TP Đà Nẵng đồng ý giao diện tích đất nói trên cho FSB đầu tư khai thác hạ tầng tại dự án này nhưng việc triển khai đền bù đến cuối năm 2007 vẫn... giậm chân tại chỗ. Thiệt hại lớn nhất là hàng trăm hộ dân ở các xã nghèo bị thu hồi đất nông nghiệp, mỏi mòn chờ đợi tiền đền bù để chuyển đổi nghề trong vô vọng.

Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh có quy mô khoảng 1.200 ha, thuộc huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Báo cáo mới nhất của Sở KH-ĐT Khánh Hòa cho biết, từ khi giấy phép đầu tiên được cấp (tháng 12.2007) đến nay đã hơn 32 tháng, nhưng tiến độ triển khai dự án rất chậm. Trong 28 dự án được cấp giấy phép, chỉ có 3 dự án triển khai thi công và 8 dự án hoàn thành thủ tục đền bù giải tỏa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ các dự án tại Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh chậm triển khai một phần do các chủ đầu tư chờ đợi nhau để đầu tư vì nơi đây còn vắng vẻ.

Thiện Nhân

Tương tự là dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Biển Rồng được UBND tỉnh Quảng Nam trao giấy chứng nhận cho nhà đầu tư Mỹ vào tháng 10.2009, có tổng vốn đầu tư lên đến 4,15 tỉ USD. Theo "thiết kế trên... miệng" của chủ đầu tư, trên diện tích hơn 400 ha ven biển thuộc xã Điện Dương (huyện Điện Bàn) sẽ mọc lên khu du lịch sinh thái gồm nhiều hạng mục hoành tráng. Nhưng khi UBND tỉnh yêu cầu chi 4 triệu USD ký quỹ, thì chủ đầu tư lảng tránh. Tháng 6.2010, tỉnh Quảng Nam chính thức "nói lời chia tay" với siêu dự án Bãi Biển Rồng.

Không riêng gì Bãi Biển Rồng, ở xã Điện Dương còn cả chục dự án đầu tư du lịch "án binh bất động" trải khắp cả xã làm ảnh hưởng đến hơn 3.000 hộ dân. Một cán bộ ở xã chua chát: "Người dân có đất mà không thể sản xuất; nhà hư mà không thể nâng cấp; muốn cho con miếng đất làm của hồi môn cũng không được...".

Dấu hiệu sang nhượng trái phép?

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đa số các dự án đăng ký quy mô tổng vốn đầu tư rất lớn lên tới hàng trăm triệu USD, phân kỳ đầu tư dài hạn nhưng chỉ mới trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, lập dự án và chờ giao mặt bằng. Bà Lê Kim Hương, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giải thích, nguyên nhân chậm trễ chủ yếu là vì vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế. Nhưng ông Trần Phúc Chỉnh, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách tỉnh lại đặt nghi vấn rằng sự chậm trễ này chưa hẳn do các nhà đầu tư khó khăn về vốn. Nhiều trường hợp, nhà đầu tư nhận dự án nhưng để tìm cơ hội sang nhượng nên tìm mọi cách kéo dài các dự án. Như vậy sẽ rơi vào tình trạng thu hút vốn FDI ảo trong khi những doanh nghiệp khác có nhu cầu đầu tư thực sẽ không có cơ hội.

Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, nếu nhà đầu tư không có khả năng tài chính, không chuyên nghiệp thì rõ ràng họ vào VN để tìm lợi nhuận dưới danh nghĩa nhà đầu tư. “Nói thẳng ra là sang nhượng dự án lấy lãi và mua bán dự án. Nhiều nhà đầu tư không có thực vốn như họ vẽ ra lúc đầu, không có chuyên môn, không có năng lực kỹ thuật để thực hiện dự án. Các dự án chậm triển khai trong nhiều năm thì nhiều lắm”, bà Vân khẳng định. Theo bà Vân, việc có cương quyết rút giấy phép hay không thì địa phương phải thật sáng suốt khi đánh giá được tình hình của dự án đó.

N.T.Tâm - H.Việt - H.Trà - N.Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.