Tây Ninh: Phá rừng cao su làm bãi rác

29/08/2010 22:55 GMT+7

Sau 18 năm được đầu tư tiền bạc chăm sóc, vườn cao su 30 ha đột nhiên rơi vào khu vực quy hoạch “xử lý chất thải rắn” và có nguy cơ bị chặt bỏ.

Thực hiện lời kêu gọi khai hoang những khu đất canh tác kém, năm 1992, ông Nguyễn Hồng Minh được Nông trường cao su Bời Lời giao 50 ha đất tại bùng binh xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh để trồng cây cao su. Sau đó, vì tuổi cao sức yếu, không có điều kiện canh tác, ông Minh giao lại cho người cháu (là Huỳnh Thị Lan Phương, vốn tham gia đầu tư, canh tác cùng ông Minh từ những ngày đầu) tiếp tục chăm sóc, trồng trọt vườn cao su. Việc giao đất trồng cao su giữa nông trường và bà Phương được lập thành hợp đồng kinh tế với thời hạn giao đất là một chu kỳ cây cao su (50 năm), đến năm 2043 mới hết hạn.

Yên tâm với hợp đồng đã ký kết và muốn tạo công ăn việc làm cho người lao động cũng như phủ xanh đất trống, đồi trọc, bà Phương đã đầu tư tiền bạc, công sức san ủi mặt bằng, trồng, chăm sóc suốt 18 năm qua. Đột ngột ngày 25.1.2010, nhiều người cùng phương tiện dụng cụ, thiết bị cơ giới đổ bộ xuống khu vực vườn cao su nói trên tiến hành khoan địa chất và trưng ra một số văn bản, nói 30 ha/50 ha cao su nói trên nằm trong khu vực quy hoạch dự án xử lý chất thải rắn.

Tìm hiểu nguyên nhân thì được biết, ngày 6.11.2008, UBND tỉnh có văn bản chấp thuận cho Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Nhật Hoàng thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn với diện tích 30 ha, công suất 200 tấn rác/ngày. Thế nhưng một dự án với quy mô lớn như thế lại không được thông báo cho những người bị ảnh hưởng trực tiếp đến dự án.

Đáng chú ý, khi bà Phương liên tục khiếu nại thì Sở KH-ĐT tỉnh Tây Ninh viện nhiều lý do để thu hồi bằng được đất mà không quan tâm đến quyền lợi của người đang đầu tư, canh tác trực tiếp bị ảnh hưởng khi tuổi thọ của cây cao su chưa hết chu kỳ. Cụ thể, Sở KH-ĐT cho rằng Nông trường Bời Lời cho thuê đất không đúng thẩm quyền; Năm 2001, UBND tỉnh có quyết định giao hơn 939 ha đất của Nông trường Bời Lời cho UBND huyện Trảng Bảng quản lý...

Vấn đề được đặt ra ở đây là người dân không thể nào biết được việc nông trường cho thuê đất là sai khi sử dụng ổn định suốt chừng ấy năm không có ai “hỏi thăm”. Làm sao người dân có thể biết được văn bản thu hồi đất của nông trường giao cho UBND huyện khi quyết định này không được công bố?

Liệu có công bằng khi những người đầu tư chân chính, ngay tình phải gánh chịu hậu quả từ những quyết định thay đổi chóng vánh. Tại sao cứ phải đốn bỏ những cây cao su đang vào độ tuổi thu hoạch mủ có giá trị cao và lấy bằng được khu đất này để làm bãi xử lý rác là câu hỏi chưa có lời giải đáp hợp lý.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.