“Bẫy” thầu giá rẻ: Không thể đổ lỗi do cơ chế

29/08/2010 22:39 GMT+7

“Bẫy thầu giá rẻ” là vấn đề đã được nhiều chuyên gia thuộc hầu hết các bộ, ngành thảo luận nhiều lần nhằm đưa ra các quy định tốt nhất để khắc phục. Đấu thầu giá rẻ là mong muốn của các chủ đầu tư hay tại cơ chế chính sách về đấu thầu?

Luật quy định như thế nào?

Điều 37, 38 Luật Đấu thầu và Điều 2 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản quy định hồ sơ dự thầu được đề nghị trúng thầu khi: Có hồ sơ dự thầu hợp lệ; đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm; đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu; có giá đánh giá thấp nhất (giá đánh giá là giá dự thầu của các nhà thầu sau khi đã quy về cùng một mặt bằng) và giá dự thầu sau khi đã sửa lỗi số học và hiệu chỉnh các sai lệch không lớn hơn giá gói thầu đã duyệt (giá gói thầu là giá nêu trong kế hoạch đấu thầu đã phê duyệt).

Với quy định nêu trên, việc đánh giá hồ sơ dự thầu (sau khi mở thầu) thường phải qua 3 bước:

- Bước 1 đánh giá sơ bộ, nghĩa là xem xét các yếu tố về hành chính pháp lý để chọn ra các hồ sơ dự thầu hợp lệ; sau đó là xem xét các hồ sơ và cập nhật thông tin về năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu đã vượt qua bước đánh giá sơ bộ.

- Bước 2 đánh giá chi tiết về kỹ thuật. Hồ sơ dự thầu nào vượt qua được bước đánh giá về kỹ thuật chắc chắn sẽ cung cấp được hàng hóa, dịch vụ (hoặc công trình xây lắp) đảm bảo chất lượng và kỹ thuật theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu (tuy nhiên, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, công trình còn bị phụ thuộc rất lớn bởi quá trình thi công và giám sát thi công).

- Bước 3 là bước xác định giá đánh giá, chọn ra hồ sơ dự thầu đã vượt qua bước 2 có giá đánh giá thấp nhất và giá đề nghị trúng thầu (giá dự thầu sau sửa lỗi và hiệu chỉnh) không lớn hơn giá gói thầu để đề nghị trúng thầu.

Như vậy các quy định về đấu thầu không bắt buộc phải chọn nhà thầu chào giá rẻ. Luật Đấu thầu quy định việc chọn thầu trước hết phải đảm bảo các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, chất lượng và kỹ thuật, sau đó mới đến yếu tố giá thấp nhất, nhưng phải là giá đã quy đổi về cùng một mặt bằng (ví dụ: trong một gói thầu xây lắp, hồ sơ mời thầu yêu cầu phải sử dụng xi măng mác P.300. Một nhà thầu chào xi măng P.300 Bỉm Sơn với giá 500.000 đ/tấn; nhà thầu khác chào xi măng P.300 Chinfon với giá 1.000.000 đ/tấn, khi đánh giá phải quy về cùng Bỉm Sơn hoặc cùng Chinfon để đảm bảo công bằng).

Rõ ràng, nếu thực hiện tốt các quy định về đấu thầu như nêu trên, chẳng những sẽ chọn được nhà thầu có chất lượng mà còn tiết kiệm được đáng kể vốn đầu tư của Nhà nước. Thế nhưng trong thực tế, tình trạng thiếu trung thực, thiếu công bằng trong đấu thầu và việc sử dụng các nhà thầu kém chất lượng vẫn tồn tại, thậm chí rất phổ biến như báo chí và dư luận xã hội vẫn thường xuyên phản ánh.

Hai nguyên nhân hiện hữu

Với hai nguyên nhân nêu trong bài, có thể nói rất khó để có được các kết quả đấu thầu như mong đợi của Nhà nước. Để khắc phục tình trạng trên không có cách nào khác ngoài việc quan tâm đúng mức đến chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ tham gia làm công tác đấu thầu trên toàn bộ hệ thống từ cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu đến các cơ sở thực hiện.

Thứ nhất, do năng lực đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác đấu thầu không đáp ứng với yêu cầu của công việc được đảm nhiệm.

- Về bản chất, đấu thầu giống như một cuộc thi và hồ sơ mời thầu như đề bài thi. Hồ sơ mời thầu, tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu và quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu quyết định việc có đạt mục tiêu của đấu thầu là tạo ra cuộc cạnh tranh công bằng, minh bạch và hiệu quả hay không. Để có được hồ sơ mời thầu có chất lượng (bao gồm tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu), chủ đầu tư (theo phân cấp của Luật Đấu thầu là người phê duyệt hồ sơ mời thầu) cần phải có kiến thức và hiểu biết nhất định về công việc của gói thầu. Tuy nhiên, trong thực tế các chủ đầu tư trong hệ thống bộ máy thực hiện công tác đấu thầu các gói thầu sử dụng vốn nhà nước hiện nay hầu như không thể đáp ứng được yêu cầu này. Ví dụ: một ông chủ tịch xã chỉ có trình độ văn hóa ở cấp phổ thông cơ sở là chủ đầu tư các dự án về trạm điện, bệnh xá, trường học; một bác sĩ bệnh viện trưởng là chủ đầu tư của dự án công trình xây dựng bệnh viện hàng trăm giường bệnh; một cử nhân kinh tế là chủ đầu tư của các dự án quy mô hàng ngàn tỉ đồng về năng lượng, dầu khí...

Do không có khả năng quản lý dự án, không có kiến thức chuyên môn, nên hầu hết các chủ đầu tư phải thuê tư vấn để thực hiện các công việc về lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu... Qua khảo sát thực tế nhiều năm gần đây ở hầu hết các địa phương, chúng tôi thấy rằng đội ngũ tư vấn về đấu thầu ở VN còn quá non trẻ và thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật chuyên môn cũng như nghiệp vụ đấu thầu để tạo ra các hồ sơ mời thầu có chất lượng.

Thứ hai, các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác đấu thầu quá nhiều nhưng lại không đủ rõ.

- Về cơ chế chính sách, sau Luật Đấu thầu, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản và Nghị định 85/CP, Bộ KH-ĐT đã ban hành thêm hàng chục thông tư và văn bản quy phạm pháp luật khác nhằm hướng dẫn chi tiết nghiệp vụ đấu thầu, trong đó có tới 6 thông tư (từ số 01 đến số 06) hướng dẫn chi tiết việc lập hồ sơ mời thầu và hồ sơ yêu cầu.

Với dung lượng hàng trăm trang giấy khổ A4, Thông tư số 01 và số 06 hướng dẫn chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp và mua sắm hàng hóa vẫn không thỏa mãn được việc hướng dẫn cho người áp dụng biết làm hồ sơ mời thầu một cách hoàn chỉnh. Bởi cả 2 thông tư này đều không chi tiết hóa được cách thức hay phương pháp quy về một mặt bằng giá. Việc không đưa ra được các tiêu chí cụ thể để quy về một mặt bằng trong hồ sơ mời thầu khiến cho quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể là tại công đoạn xác định giá đánh giá, thường người ta chỉ làm được việc sửa lỗi số học và hiệu chỉnh các sai lệch mà không làm tiếp được bước quy về mặt bằng chất lượng (chẳng hạn theo ví dụ đã nêu trên người ta không biết quy xi măng Chinfon thành Bỉm Sơn và ngược lại). Thế là xấu tốt lẫn lộn, giá trị hàng hóa 500.000 đồng được so cùng hàng hóa có giá trị 1.000.000 đồng. Người ta vẫn đổ lỗi cho cơ chế đấu thầu giá rẻ là thế đấy.

TS Ngô Minh Hải
(Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.