Những kẻ kế thừa Hitler và Mussolini

25/08/2010 23:36 GMT+7

Trong số các nhóm cực hữu, nguy hiểm nhất là những đảng phái theo chủ nghĩa tân phát xít và tân nazi.

Phe tân phát xít thường dựa trên những quan điểm về chủ nghĩa dân tộc cực đoan của nhà độc tài Ý Benito Mussolini, phát triển nhiều nhất ở Ý, kế đến là Tây Ban Nha và Pháp. Trong khi đó, trường phái tân nazi lại lấy chủ nghĩa quốc xã của Adolf Hitler làm chuẩn mực hành động, phát triển mạnh ở Đức, Nga, một số nước Bắc u và vượt cả Đại Tây Dương lan tới Mỹ. Cả hai trường phái đỉnh điểm của cực hữu này đều chủ trương dùng bạo lực và đã gây nên nhiều cái chết thương tâm cho những người gốc nước ngoài.

Từ đống tro tàn Đức, Ý...

Nguyệt san Le Monde Diplomatique dẫn lời chuyên gia về chủ nghĩa bài ngoại Peter Widmann thuộc Đại học Kỹ thuật Berlin cho biết, trong vài năm gần đây, nguyên nhân của những vụ sát hại người nhập cư là do tinh thần bài ngoại, đặc biệt là bài Hồi giáo và bài Do Thái đang tăng lên tại Đức. Năm 2009, nhiều kế hoạch xây dựng các đền thờ Hồi giáo ở nước này đã gây nhiều tranh cãi và càng khiến ngọn lửa cực hữu bùng cháy. Thậm chí, tại Cologne, nhóm “Pro-Kôln” còn tổ chức một “đại hội bài Hồi” quy tụ nhiều đảng cực hữu ở một số nước châu u.

Nghiêm trọng hơn, tình trạng bạo lực vì kỳ thị đã lan ra nhiều nơi tại Đức. Những tên tân nazi đang hoành hành trên internet, với khoảng 4.800 thành viên công khai. Trong báo cáo thường niên của Bộ Nội vụ công bố vào cuối tháng 5.2009, những vụ phạm pháp có liên quan đến các tổ chức cực hữu của năm 2008 đã tăng lên 16% so với năm trước. Trong số đó, những hành vi bạo lực tăng 6%. Theo báo Süddeutsche Zeitung, những tranh cãi xung quanh chủ đề cực hữu rất thường xảy ra tại Đức. Khi một chuyện nghiêm trọng xảy ra, như một người ngoại quốc bị hành hung hoặc phe tân nazi tổ chức diễu hành, sự bất bình của dư luận rộ lên trong một thời gian ngắn rồi chìm vào quên lãng. Những lời lẽ khiêu khích mang tính bài ngoại, những vụ phá hoại nghĩa trang Do Thái gần như không được dân chúng Đức quan tâm đến. Họ cho rằng những vấn đề cực hữu là “chuyện người khác” vì vậy không cảm thấy bị đe dọa.

Ở Ý, trường phái tân phát xít cũng đang “khua kèn gióng trống” khắp nơi. Những fan hâm mộ quả bóng tròn chắc hẳn đã từng nhiều lần nghe chuyện bê bối về các cổ động viên tân phát xít tại các sân vận động của giải vô địch quốc gia Ý Serie A. Nhìn họ gào thét chửi rủa các cầu thủ gốc ngoại quốc, có cảm giác những CĐV này mua vé đến sân xem bóng đá chỉ là phụ, mục đích chính là thể hiện nỗi “khát khao” bài ngoại của mình.

Đến một số cửa hàng bán đồ lưu niệm trên khắp nước Ý, nếu chịu khó tìm, bạn có thể mua được những cuốn lịch với hình của Benito Mussolini. Không chỉ vậy, trong bài phỏng vấn trên Médiapart, nhà báo người Claudio Lazzaro cho biết thêm, tại Ý, khách hàng còn có thể mua công khai những cây dùi cui có khắc tên Mussolini. Theo ông Lazzaro, một số đảng cực hữu như Forza Nuova hay Fiamma Tricolore luôn chứng tỏ sự gắn bó với quá khứ phát xít và thu hút được nhiều thành viên trẻ tuổi. Đó là những kẻ thích được có thứ bậc, ham chứng tỏ sức mạnh và khoái bạo lực. Hiện nay, các đảng cực hữu tuyển người chủ yếu tại... sân bóng đá và củng cố quyền lực ngay tại đó.

... đến đầu trọc Nga

Ở các thành phố lớn của Nga, nhiều băng nhóm tân nazi chiêu dụ thanh thiếu niên với độ tuổi ngày càng nhỏ. “Trò chơi” ưa thích của chúng: tấn công những ai không phải da trắng và “mốt” thời thượng của bọn này chính là cạo trọc đầu. Nhiều tên còn xăm chữ thập ngoặc biểu tượng của Đức Quốc xã ngay trên cái đầu trọc vừa cạo. Một số sinh viên Việt Nam tại Nga cũng là nạn nhân của tân nazi. Vũ Anh Tuấn, rồi Tăng Quốc Bình đều bị bọn đầu trọc sát hại dã man.

Các băng nhóm cực hữu tại Nga có thể trở thành những phong trào tân nazi được tổ chức bài bản. Báo Novoie Vremia dẫn lời cảnh báo của chuyên gia về các băng nhóm đầu trọc, luật sư Serguei Belikov: “Sự tham gia của giới trẻ trong hoạt động của các tổ chức vũ lực là một yếu tố làm lung lay mối quan hệ giữa các dân tộc tại Nga”. 15 năm trước, xu hướng bài ngoại hầu như chỉ thấy ở những người lớn tuổi. Nhưng từ nửa sau thập niên 1990, tình hình đã chuyển biến nhiều. Đến năm 2000, tỷ lệ bài ngoại ở giới trẻ vượt lên hẳn so với các độ tuổi khác. Theo các chuyên gia, năm 2007, nước Nga có hơn 141 băng nhóm đầu trọc.

Những tên đầu trọc ngày càng chuộng giải pháp bạo lực khi gặp được “đối tượng”: mức độ sẽ từ dùng lời lẽ lăng nhục cho đến hành hung đủ kiểu rồi đến đỉnh điểm là sát hại dã man. Chiến thuật thường thấy của chúng là đánh “hội đồng” nạn nhân. Những băng nhóm tân nazi có mặt tại nhiều thành phố lớn của Nga. Hiện nay, những vụ tấn công vẫn giới hạn ở mức độ “xô xát đường phố”, đôi khi mới xảy ra một vụ giết người chấn động. Nhưng nếu mọi chuyện vẫn tiếp diễn, một số kẻ cuồng tín có khả năng lập kế hoạch “tấn công có hệ thống vào các nhóm người”, ông Belikov nhận định. Như vậy, các băng nhóm thanh thiếu niên có thể trở thành những tổ chức khủng bố. Một quan chức thuộc Văn phòng Nhân quyền Moscow nhấn mạnh: “Những băng nhóm này được trang bị vũ khí, huấn luyện đặc biệt và chế tạo thuốc nổ. Chúng có thể là mối đe dọa thật sự đối với an ninh chung”.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.