Không áp dụng án lệ xét xử dân sự

21/08/2010 23:43 GMT+7

Kết thúc phiên thảo luận sáng 21.8 về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS), Ủy ban TVQH quyết định không đưa án lệ (tiền lệ án) vào xét xử dân sự như đề xuất ban đầu của ban soạn thảo.

Theo quy định về án lệ tại điều 18a của dự luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Bộ luật TTDS: “Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm nhân dân phải tham khảo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp trên giải quyết các vụ việc tương tự nhằm đảm bảo tính thống nhất và tránh mắc lại sai lầm trong việc áp dụng pháp luật; khi giải quyết lại vụ việc, thì kết luận của tòa án cấp trên ràng buộc nhất định đối với tòa án cấp dưới, nếu vụ án không có thêm tình tiết mới”. Phó chánh án TAND tối cao Từ Văn Nhũ lý giải trước Ủy ban TVQH rằng quy định trên xuất phát từ nội dung Nghị quyết 49 ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị: “TAND tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn, áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”; và ở Việt Nam, án lệ dù chưa được thừa nhận một cách chính thức với tư cách là một nguồn trong hệ thống pháp luật, nhưng đang được vận dụng trong giải quyết các vụ việc dân sự. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba khi trình bày báo cáo thẩm tra về những quy định mới của Bộ luật TTDS đã nói rõ quan điểm của ủy ban này là không tán thành đưa án lệ vào xét xử dân sự. Cái lý căn bản nhất mà Ủy ban Tư pháp đưa ra để “bác” quy định này là mục đích đưa án lệ vào xét xử mà ban soạn thảo lý giải “hoàn toàn không phù hợp với Việt Nam, vì hệ thống pháp luật không ngừng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn nên trong từng giai đoạn cụ thể thì chính sách pháp luật cũng không hoàn toàn giống nhau”.

Mặt khác, theo bà Thu Ba, quy định tại điều 18a của dự thảo luật về án lệ “còn đơn giản và không đúng với nguyên tắc của án lệ”, vì một bản án được coi là án lệ phải được thông qua trình tự, thủ tục công nhận và do cơ quan có thẩm quyền công nhận theo luật định chứ không phải bất kỳ bản án nào của tòa án cấp trên cũng được coi là án lệ và buộc tòa án cấp dưới phải tham khảo khi tiến hành xét xử. Dự thảo luật cũng chưa làm rõ được khái niệm “án lệ”, trường hợp nào được áp dụng án lệ, mối quan hệ giữa án lệ và văn bản quy phạm pháp luật hiện hành… Vì vậy, Ủy ban Tư pháp cho rằng tại thời điểm hiện nay chưa nên áp dụng án lệ trong công tác xét xử của tòa án mà cần tiếp tục nghiên cứu để xem xét khi sửa đổi Hiến pháp, Luật tổ chức TAND và khi tiến hành sửa đổi toàn diện Bộ luật TTDS.

Đa số thành viên Ủy ban TVQH khi thảo luận đều tán thành đề xuất của Ủy ban Tư pháp và đây cũng là kết luận của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu khi “chốt” lại các nội dung phiên họp sáng 21.8.  

Bỏ quy trình “khép kín” của tòa

Theo tờ trình, TAND tối cao đề nghị sửa đổi, bổ sung 126 điều của Bộ luật TTDS (trong đó sửa đổi 73 điều, bổ sung 43 điều, bãi bỏ 10 điều) có nhiều nội dung mới, song sau khi thảo luận, Ủy ban TVQH thống nhất chỉ sửa đổi, bổ sung khoảng 60 điều, tập trung vào các vấn đề vướng mắc cấp thiết phải tháo gỡ trong quá trình TTDS hiện nay như vai trò của Viện Kiểm sát, vấn đề định giá, về trường hợp bản án, quyết định hết thời hiệu kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mới phát hiện có sai lầm...

Ủy ban TVQH đồng ý với đề xuất của Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Hữu Thể về việc khôi phục lại quyền khởi kiện cho ngành kiểm sát, cũng như khôi phục quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự từ khi tòa án thụ lý vụ việc đến khi kết thúc giải quyết vụ việc và các quyền liên quan như quy định trước khi ban hành Bộ luật TTDS năm 2004, nhằm tránh tình trạng xét xử các vụ việc dân sự theo quy trình “khép kín” của tòa như quy định hiện nay.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.