Dấu ấn Ngô Bảo Châu trong giới trẻ mê toán VN

19/08/2010 21:13 GMT+7

* Tôi đã khóc khi nghe tin GS Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng Fields (TNO) Sau khi tin Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng danh giá Huy chương Fields (được ví như giải Nobel của toán học) đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế, nhiều bạn sinh viên Việt Nam ở khắp nơi đã không giấu được sự xúc động xen lẫn tự hào với chiến thắng này. >> Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải “Nobel Toán học”

Lê Tự Minh Trung, sinh viên trường ĐH Bách khoa TP.HCM vui mừng xen lẫn tự hào: “Là một người yêu toán học nên mấy ngày qua tôi rất quan tâm đến thông tin GS Ngô Bảo Châu có thể nhận được giải thưởng Fields. Trưa nay, theo dõi tin GS Ngô Bảo Châu đã chính thức nhận giải thưởng được mệnh danh là giải Nobel toán học này, tôi đã nhảy cẫng lên vì sung sướng, vì kỳ tích tuyệt vời của anh”.

 
Bùi Nghiêm Đắc Vinh - Ảnh: nhân vật cung cấp

Bùi Nghiêm Đắc Vinh, sinh viên đang theo học tại trường ĐH Khoa học ứng dụng Vaasa (Phần Lan) xúc động chia sẻ với Thanh Niên Online: “Việc GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields là một điểm sáng cho nền toán học nước nhà trên bầu trời khoa học thế giới. Tôi hi vọng, đây sẽ là nguồn động lực lớn cho những người làm khoa học trong nước phấn đấu để có những bước tiến vượt bậc trong các lĩnh vực, giúp nền khoa học nước nhà ngang tầm với các cường quốc khoa học trên thế giới”.

Toán học nước ta lâu nay đã trưởng thành qua từng cuộc thi quốc tế và việc GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields như khẳng định cho sự lớn mạnh không ngừng đó. Tuy nhiên, trong nhiều niềm vui, cũng không ít những nỗi trăn trở của nhiều bạn sinh viên.
 
Đỗ Thị Nga, sinh viên khoa Toán - Tin, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: “Trong quá trình theo học tại trường, tôi đã được học và tiếp xúc với nhiều giáo sư toán học trong nước. Các thầy là những người rất say mê với công việc nghiên cứu. Tuy nhiên, cuộc sống của các thầy vẫn còn nhiều vất vả về mặt kinh tế. Thực tế, đến bây giờ, tôi đã gặp không ít trường hợp những vị giáo sư phải đến trường, trung tâm nghiên cứu bằng chiếc xe đạp. Vì thế, với giải thưởng của GS Ngô Bảo Châu, tôi kỳ vọng rất nhiều vào tương lai của nền toán học nước nhà và nền toán học sẽ có được tiếng nói trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học ở nước ta”.

 
Lê Phi Hùng - Ảnh: nhân vật cung cấp

Lê Phi Hùng, từng là cử nhân khoa học tài năng của ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội và đoạt giải nhì Cuộc thi toán quốc tế dành cho sinh viên (IMC) tại Bungari, hiện đang theo học tại trường ĐH Bách khoa Paris (Pháp) đã rất vui mừng và đồng cảm với GS Ngô Bảo Châu.

Phi Hùng tâm sự: “Ở phổ thông, mô hình chuyên Toán tuy có ý kiến cho rằng còn bất cập hay còn hiện tượng luyện “gà” nhưng trong nền giáo dục của nước ta, đây vẫn là môi trường đào tạo tốt, tập trung nhiều học sinh có tư chất. Theo tôi, các nhà toán học cần giúp đỡ để việc đào tạo này phát triển hơn. Các đề thi học sinh giỏi cần tránh đi theo lối mòn mà nên đề cao tính sáng tạo; cần có những cuốn sách, những bài viết trên báo chuyên đề về toán mang tính chất định hướng. Còn ở đại học, nước ta có những nhà toán học giỏi và các trung tâm đào tạo tốt. Tuy nhiên, thực tế lại thiếu những ưu đãi để hấp dẫn những người giỏi”.

Nói thêm về sự kiện GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fileds, Phi Hùng tự hào: “Khi biết GS Ngô Bảo Châu đạt được giải thưởng Fields, bản thân tôi rất khâm phục anh. Đây là mơ ước của tất cả những người học toán và làm toán. Theo tôi, đây là một cơ hội tuyệt vời cho toán học Việt Nam. Chúng ta có một nhà Toán học đầu ngành, uy tín khoa học lớn. Hơn nữa, theo tôi được biết, tuy làm việc tại nước ngoài nhưng GS vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với các trường đại học trong nước. Đây là một ưu thế mà không nhiều nước có được. Sự giúp đỡ và định hướng của GS sẽ là cầu nối giúp các nhà toán học trẻ tiếp cận với nhiều nền toán học lớn trên thế giới. Với uy tín của mình, GS sẽ dễ dàng mời các GS hàng đầu thế giới về Việt Nam giảng bài, giới thiệu sinh viên giỏi cho các GS đó hướng dẫn”.

Khôi Nguyên

Ấn tượng của thủ khoa từng gặp GS Ngô Bảo Châu

 
Ảnh: Bảo Nga

Với cống hiến của mình cho toán học, hôm nay, GS Ngô Bảo Châu bước lên bục nhận Huy chương Fiedls. Nhưng với tài năng và niềm đam mê toán học của mình, GS Ngô Bảo Châu từ lâu trở thành động lực và thần tượng của không ít học sinh, sinh viên chuyên toán, trong đó có Nguyễn Mạnh Tiến (ảnh), thủ khoa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2010. Tại kỳ thi này, Nguyễn Mạnh Tiến đạt điểm gần như tuyệt đối ở môn toán với số điểm là 9,75.

Tôi còn nhớ gặp Mạnh Tiến khi cậu học sinh này vừa biết tin mình đỗ thủ khoa, chúng tôi thắc mắc tại sao em lại chọn lựa cho mình ngành Toán - Tin (ĐH Khoa học Tự nhiên), một ngành ít “hút” trong khối ngành khoa học tự nhiên. Lúc đó, Tiến đã giải thích với niềm hi vọng: “Em mạo hiểm một phen. Trong sáu bạn vào đội tuyển thi toán thì đã hết năm bạn chọn các ngành công nghệ thông tin, kinh tế. Em chọn Toán cơ bản dù biết rằng ngành này ít ứng dụng trực tiếp, ra trường cơ hội kinh tế không cao, chỉ duy nhất học lên nghiên cứu tiếp. Nhưng đó là con đường em quyết đi tiếp”.

Và ngay từ lúc đó Tiến đã kể về căn nguyên cho chọn lựa của mình. Trong đó, có xuất hiện cái tên GS Ngô Bảo Châu, người vừa được giới toán học thế giới vinh danh trong ngày hôm nay với giải thưởng Fields.

Từ nhỏ, vốn mê những con số và thích đọc sách toán hơn đọc truyện tranh, Mạnh Tiến thi vào lớp chuyên toán của trường THPT Năng khiếu (TP.HCM). Đó cũng là cơ hội để em được tham dự trong một buổi hội thảo nghe thầy Ngô Bảo Châu giảng bài trong một dịp anh về nước. Khi đó, Mạnh Tiến học lớp 10.

Chính buổi hội thảo của GS toán học xuất sắc Ngô Bảo Châu đã làm niềm đam mê toán học của Mạnh Tiến càng được củng cố hơn. Đó là một trải nghiệm ấn tượng trên bước đường học tập của Tiến. Đây cũng là lúc Mạnh Tiến bắt đầu mối “duyên nợ” với môn Toán.

Cậu học sinh này đã “hái” cho mình nhiều giải thưởng quan trọng ở môn này: Thủ khoa giải Lê Quý Đôn; HCB Olympic toán học mở rộng của Singapore; HCB Olympic 30.4 môn toán; Giải III học sinh giỏi Quốc gia và nhiều lần đạt học sinh giỏi TP.HCM môn toán…

Mạnh Tiến nói về thần tượng của mình: “Để đoạt giải Field còn khó hơn Nobel vì điều kiện tiên quyết của nó phải là những tài năng phát lộ sớm. Dưới 40 tuổi khi đoạt giải đó là điều không đơn giản đối với người nghiên cứu khoa học. Vì làm khoa học có khi cả đời vẫn không tìm ra được đáp án cuối cùng. Với em, GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng danh giá này không chỉ là niềm tự hào của GS mà của cả nền toán học Việt Nam. Đây là động lực cho em và các bạn mê toán không chùn bước trên con đường chinh phục những đỉnh cao của toán học”.

Bảo Nga - Nguyên Mi

Tôi đã khóc khi nghe tin GS Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng Fields

* Chúc mừng Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu, anh không chỉ là niềm tự hào của Việt Nam mà là niềm tự hào của toàn châu Á (về toán học). Cảm ơn anh! (famanhai@yahoo.com)

* Chúc mừng GS Ngô Bảo Châu cùng gia đình. Cảm ơn anh Châu đã cho chúng tôi, những người Việt Nam ngẩng cao đầu với bạn bè quốc tế. Chúc anh sức khỏe, thành công và có nhiều cống hiến để đời cho toán học thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. (Phương Lâm, TP.HCM)

* Xin chúc mừng đến GS Ngô Bảo Châu! GS đã cho chúng tôi niềm tự hào khi lần đầu tiên đất nước ta có được giải thưởng Fields - một giải thưởng cao quý nhất trong toán học và niềm tự hào đó sẽ đến với tất cả mọi người trên thế giới yêu thích toán cũng như ở Việt Nam.

Là một người Việt Nam đang học tập và nghiên cứu toán chúng tôi sẽ luôn noi gương anh - người anh đã truyền cho chúng tôi niềm say mê nghiên cứu toán học! Hi vọng một này nào đó không xa, chúng ta sẽ có thêm một Ngô Bảo Châu thứ hai nữa! Chúng tôi luôn hướng về GS, chúc GS mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục có những bước đột phá trong toán học! (Nguyễn Cao Phong, ncphongspt@gmail.com)

* Tôi đã khóc khi nghe tin GS Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng Fields - giải “Nobel Toán học” năm 2010, người đầu tiên của Việt Nam nhận được giải thưởng danh giá này. Xin chúc mừng anh - xin được gọi Giáo sư như thế vì tôi cùng tuổi với anh, cùng cầm tinh con Chuột. Chắc rằng không chỉ tôi, mà rất nhiều người Việt Nam đã rơi nước mắt vì vui mừng khi nghe thông tin anh nhận giải thưởng Fields. Được biết, anh sẵn sàng về Việt Nam 3 tháng mỗi năm để làm việc, cùng đóng góp cho nền Toán học nước nhà, chúng tôi mừng và tin vì anh là người Việt Nam và cũng có lòng tự hào như chúng tôi, phải không anh - GS Ngô Bảo Châu? (Lê Văn Huy, duchuydl@gmail.com)

T.N.O
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.