Sơn Long quyền thuật ở nước ngoài

10/08/2010 12:30 GMT+7

(TNTS) Màn biểu diễn võ thuật đặc sắc trong ngày khai hội giải quốc tế võ thuật cổ truyền của phái Sơn Long quyền thuật làm nhà thi đấu như nổ tung bởi những tràng vỗ tay vang dội. Với lực lượng hùng hậu hơn 70 võ sư, vận động viên mang nhiều quốc tịch, chuyến thi đấu - giao lưu đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người yêu võ.

"Rồng núi" lâm trận

Vị Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế võ Việt Nam, một tổ chức võ đạo có uy tín tại Pháp và các nước hội viên, là một người Thụy Sĩ. Võ sư Olivier Barbey có dáng dấp cao lớn nổi bật trong đám đồ đệ. Sắp bước vào tuổi "tri thiên mệnh", Olivier có hơn nửa đời người gắn với nghiệp võ. Anh theo học đại sư Nguyễn Đức Mộc từ những ngày bước chân vào đại học, và ngày nay được tin cậy giao chức Trưởng tràng điều hành môn phái Sơn Long quyền thuật có đến 25.000 người tập. Đây là một võ phái lớn, đang phát triển mạnh tại Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Áo, Bỉ, Mỹ, Algeria, Burkina Faso, Madagasca…

Nhắc đến người thầy quá cố, Olivier thật sự xúc động đến nghẹn lời không nói được. Hình ảnh đại sư Nguyễn Đức Mộc như tái hiện qua câu chuyện kể: Ông sinh ở Bắc Ninh, từ sáu tuổi đã được người cha truyền dạy võ gia truyền. Chính quyền thực dân khi ấy cấm đoán việc tập võ, ông phải vào sâu trong núi Tam Bộ Sơn để rèn cước luyện quyền. Đến năm 16 tuổi, cơ duyên cho ông gặp võ sư Hoàng Hoa Ba, một cao thủ Thiếu Lâm ẩn danh ở núi Mã Dương Cương. Thêm 10 năm khổ luyện, đạt đến công phu tuyệt kỹ, ông được thầy cho xuống núi. Và chuyến xuất dương qua Pháp năm 26 tuổi đã đưa chàng trai đặt chân đến vùng đất Paris hoa lệ. Từ đây bước chân phiêu bạt đã đưa ông đi khắp các nước Trung Đông và châu Phi. Đến đâu ông cũng dụng công nghiên cứu, tham bác nhiều môn võ khác, gạn đục khơi trong để tìm ra, đúc kết một hệ thống chiến đấu hữu hiệu cho riêng mình.

Tại Pháp vào những năm 50 thế kỷ trước, các môn võ judo, karate đang làm mưa làm gió, chưa ai nghe nói đến võ Việt. Một thân một mình nơi đất khách, ông đứng ra đăng ký mở võ đường, mặc cho bao nhiêu sức ép và cả sự thách đấu. Chính tinh thần dũng cảm và tài nghệ tuyệt kỹ đã giúp ông đứng vững, và số học trò theo học ngày càng đông. Để tưởng nhớ những ngày tháng khổ luyện nơi quê nhà trong chốn "thâm sơn cùng cốc", ông quyết định lấy tên môn phái là Sơn Long quyền thuật. Với ngụ ý môn võ của mình như rồng ẩn mình trên núi cao, đợi thời cơ thích hợp xuất hiện giúp ích cho đời. Bằng phương pháp dạy thật đặc biệt, thương yêu học trò như con, tích cực tham gia công tác xã hội, chẳng mấy chốc tên tuổi Sơn Long quyền thuật ngày càng vang xa, và "rồng núi" đã chính thức bước vào làng võ thế giới như một đại phái. 


Võ sư Olivier Barbey cùng các môn đệ

Là hàng đại thụ trong làng võ Việt ở nước ngoài, ông giành được sự kính trọng đặc biệt của nhiều đồng nghiệp. Ông ra đi lặng lẽ vào một chiều tháng 5.2009, hưởng thọ 96 tuổi với lời nhắn nhủ không nhận dù chỉ là một vòng hoa đến viếng. Ngày 20.7 vừa qua, các đệ tử của ông từ khắp nơi đã tụ hội về một làng quê Bắc Ninh, đưa di cốt ông về với đất mẹ. Nghĩa cử thầy trò thật cao cả, những người chứng kiến ai cũng xúc động trước tình cảm hiếm có này. 

Những người kế nghiệp

Những ngày người thầy bắt đầu già yếu, Olivier đang ở thành phố Lausanne, Thụy Sĩ. Là người làm công tác giáo dục trẻ em đường phố, anh rất thành công trong việc biến những đứa bé cứng đầu trở thành những học trò ngoan ngoãn. Phong trào võ Việt do anh xây dựng đang phát triển rất tốt. Bàn giao việc quản lý lại cho các học trò, anh tức tốc qua Pháp để gần gũi, chăm sóc thầy. Nhận lãnh trọng trách điều hành môn phái theo di ngôn, anh và các cộng sự đã không phụ lòng người thầy quá cố.


Biểu diễn đá bay ngang

Để có được bản lĩnh đứng đầu một môn phái lớn, Olivier cho rằng anh được thầy truyền cho "y bát". Đó là một quá trình "tâm truyền", người thầy không nói nhiều, không khen ngợi cả khi học trò cố gắng. Thế nhưng, khi võ sinh có khó khăn về tinh thần, thầy như luôn ở bên cạnh, sẵn sàng chia sẻ một "công án" để học trò tự nghiền ngẫm và giác ngộ. "Thầy không bao giờ coi trọng tiền bạc, nhiều khi còn đích thân nấu nướng cho học trò ăn. Những lúc đoàn võ sinh đi xa cắm lều trại, thầy đều sinh hoạt bình đẳng như mọi người. Hình ảnh ấy vừa thân thương vừa có tính thuyết phục", Olivier bồi hồi nhớ lại.

Võ sư Christan Descamps vẫn còn tinh anh, nhanh nhẹn dù đã bước vào tuổi 65. Anh là một trong những học trò đầu tiên của thầy Nguyễn Đức Mộc. Với lòng tự hào, anh bộc lộ: "Tôi có được sức khỏe cường tráng như ngày hôm nay là nhờ theo học võ suốt 42 năm không ngơi nghỉ". Là người làm trong ngành giáo dục Pháp, nhưng Descamps đã có 30 năm dạy võ, mở 4 câu lạc bộ ở Lyon, Saint Etienne, Région, Parisienne. Số học trò xuất thân từ đây cũng đã đến mấy ngàn người. Descamps rất hài lòng với con đường mình đã chọn, và "hình ảnh người thầy cùng tài năng, đức độ của ông luôn làm tôi khâm phục".


Tung đòn thiết cước

Hai anh em ruột Xavier và Damien đều thuộc hàng mang đẳng cấp cao nhất, nằm trong ban điều hành của liên đoàn, nói về con đường học võ của mình là: "tiên học nhân, hậu học võ", sự phát triển tinh thần luôn đi đôi với kỹ thuật. "Cách dạy võ của thầy không giống các trường khác. Thầy đưa chúng tôi về nhà, không chỉ truyền thụ võ công mà còn quan tâm đến sự học hành văn hóa và nghề nghiệp. Thầy theo sát và hiểu được tính cách từng đứa học trò, luôn biết được mặt mạnh, mặt yếu từng người". Nhờ có võ nghệ cao cường mà Xavier đã nhiều lần ra tay nghĩa hiệp, dùng các thế võ khống chế, can thiệp kịp thời những vụ xô xát, không để xảy ra đổ máu.

Thế hệ học trò thứ hai cũng rất nhiều người xuất sắc, như Philippines Clement, là học trò của Olivier, đang đặc trách kỹ thuật Liên đoàn Võ Việt tại Thụy Sĩ. Có thể nói anh là võ sư hiếm hoi ở châu u có thể thi triển thuần thục mười bài quyền thống nhất của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Để đạt tới trình độ xuất sắc như vậy, từ năm 2003 Philippines đã liên tục mỗi năm qua Việt Nam ở lại từ 2 đến 3 tháng để miệt mài tập luyện cùng các võ sư Phạm Văn Uẩn và Nguyễn Văn Cảnh tại Bình Định. Từng tham gia thi đấu và đạt nhiều huy chương tại các giải đấu quốc tế tổ chức ở Việt Nam và châu u, Philippines tin rằng mình cũng sẽ gặt hái thành công ở giải quốc tế  tại  TP.HCM lần này và Festival Võ thuật Tây Sơn 2010 tại Bình Định.

Bài & ảnh: Cao Thụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.