Chi tiêu "quá tay" làm tăng gánh nặng viện phí

10/08/2010 01:57 GMT+7

Khác với giá cả của những mặt hàng tiêu dùng khác, việc tăng viện phí cần phải cân nhắc yếu tố tác động đến sức khỏe người dân.

Tăng = người nghèo mất khả năng chữa bệnh

Sáng 3.8, tại quầy thu phí của Bệnh viện (BV) T.N (TP.HCM - BV công), nhân viên thông báo số tiền gia đình ông H.V.B phải đóng thêm cho BV là 5,9 triệu đồng. Ông B. giật mình, bởi trước đó ông đã chi 10 triệu đồng để thanh toán các khoản: phẫu thuật (5 triệu), 3 triệu đồng mua dụng cụ, thuốc, 2 triệu đồng tạm ứng viện phí. Vét hết túi trước túi sau và kêu cả hai người con lại để góp thêm nhưng tổng số tiền mà ba cha con ông B. gộp lại cũng chỉ được 4 triệu đồng. Sau vài lần “hội ý”, cha con ông B. buộc xin hoãn thời gian đóng tiền để chạy về nhà mượn thêm hàng xóm cho đủ. Cầm bảng thống kê các dịch vụ, thuốc men, viện phí dài ngoằng, ông B. nói: “Số tiền phải đóng thêm nhiều quá. Vợ chồng tôi thì già, con tôi đi làm thợ hồ mỗi ngày chỉ kiếm được 100.000 đồng, vậy mà nghe nói sắp tới tăng viện phí nữa thì người nghèo như gia đình tôi lấy đâu ra tiền mà chữa bệnh?”.

“Ngành y tế không nên chỉ nghĩ đến việc điều chỉnh tăng giá viện phí, mà cần chú trọng kiểm soát chi tiêu, mua sắm ở BV công để giảm bớt gánh nặng viện phí cho người dân” - Một chuyên gia của Bộ Y tế

Ông Vũ Thế Hùng (BV Đa khoa tư nhân Tràng An, Hà Nội) cho rằng: “Trước hết, ngành y tế nên thẳng thắn nói rằng, đây là tăng viện phí, chứ không phải “điều chỉnh”, vì "điều chỉnh" là khi giá dịch vụ, hàng hóa có lúc lên, lúc xuống. Trong khi đó, lần này ngành y tế kiến nghị tăng giá với khoảng 350 dịch vụ y tế. Việc tăng giá với các dịch vụ có giá không phù hợp với chi phí thực tế là cần thiết, tuy nhiên cần điều chỉnh ở mức phù hợp”.

Một chuyên gia của Bộ Y tế (xin không nêu tên) nói rằng: “Điều chỉnh viện phí với một số dịch vụ là cần thiết, nhưng phải đưa ra được mức tăng phù hợp, và phải có lộ trình. Việc tăng giá là đúng, nhưng mức tăng đột ngột, một số biểu giá tăng quá cao so với mức giá trước đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tâm lý, khả năng tài chính của người bệnh, nhất là người bệnh nghèo (đại đa số). Trong vòng 5 năm qua, đây không phải lần đầu Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh tăng viện phí”. Theo vị chuyên gia bộ này thì, việc điều chỉnh giá đã lạc hậu là cần thiết, nhưng cần phải có tiêu chí làm khung xây dựng, trong đó thể hiện được dịch vụ đó chi phí thực tế bao nhiêu, có bao nhiêu phần trăm từ nguồn ngân sách nhà nước, đóng một phần viện phí là bao nhiều phần trăm... Việc tăng phí của 350 dịch vụ lần này là dịch vụ có tần suất sử dụng cao (nhiều), chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến nhiều người bệnh.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM chia sẻ: “Chủ trương tăng viện phí đã được chúng ta tính đến từ lâu rồi, tôi cho rằng người dân cũng sẽ chia sẻ đóng góp thêm với ngành y tế, hầu mong có sự chăm sóc sức khỏe ngày một tốt hơn. Nhưng một số mức tăng theo dự thảo vừa qua sẽ gây “choáng”, bởi tăng cao đột ngột. Nhiều cử tri lo ngại khi viện phí tăng cao, sức khỏe người dân sẽ ra sao? Việc lo lắng của người bệnh là có cơ sở, bởi mặt bằng chung đời sống người dân còn nhiều khó khăn”.

Mặc dù ngân sách nhà nước (NSNN) còn hạn chế, còn nhiều lĩnh vực phải ưu tiên, nhưng Chính phủ đã ưu tiên tăng chi NSNN cho y tế hằng năm, năm sau cao hơn năm trước. Chẳng hạn: năm 2002 là 7.187 tỉ đồng (chiếm 5% NSNN); năm 2007 tăng lên 23.280 tỉ đồng (6,3% NSNN), năm 2008 khoảng 27.463 tỉ đồng... Tại TP.HCM, trong năm 2009, chỉ tính riêng ở các BV cấp TP, NSNN cấp cho BV hoạt động (chi lương, chi hành chính...) là 900 tỉ đồng, năm 2010 là 990 tỉ đồng, chưa tính kinh phí mua máy móc trang thiết bị.

Vào bệnh viện công tưởng rẻ...

Các nhà quản lý BV tư, và nhiều bác sĩ đang làm việc tại các BV công có chung nhận định: “Nhiều trường hợp vào BV công tưởng rẻ, nhưng hóa ra tính tổng chi tiêu lại thì thấy gần bằng với BV tư. Bởi ở BV công, người bệnh phải chi tiêu nhiều khoản không nằm trong viện phí”. Chị Đ.T.H.P (36 tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) trước khi đi sinh đứa con thứ hai, ban đầu định vào một BV phụ sản công ở TP.HCM, nhưng rồi qua hỏi thăm người bạn vừa sinh ở BV này, tính ra tổng chi phí cho ca sinh, “tiền này, tiền nọ” cũng ngang ngửa với một BV tư ở TP, nên chị quyết định sang BV tư, mà theo chị “để không bị khổ về chuyện kiếm giường”.

Các bác sĩ cho rằng, hằng năm, Nhà nước cấp kinh phí cho các BV công để xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, chi tiền lương nhân viên..., nhưng có những khoản chi Nhà nước không quán xuyến hết được, chẳng hạn như những gói thầu mua sắm máy móc thiết bị, dụng cụ... Một bác sĩ trưởng khoa của một BV công (ở Q.5, TP.HCM) cầm một loại dụng cụ rất nhỏ dùng trong phẫu thuật nói với chúng tôi: “Cũng loại dụng cụ y như vầy, nhưng BV tư cạnh BV chúng tôi lại mua vào rẻ hơn 1 triệu đồng. Vì BV tôi dùng phương thức “áp giá” theo giá trúng thầu của một BV công trước đó, mà không biết BV công đó đấu thầu thế nào để mua sản phẩm y chang nhưng lại đắt hơn 1 triệu đồng so với BV tư là điều rất bất hợp lý. Đây chỉ mới là một sản phẩm bé tí, có giá trị chưa đến 10 triệu đồng, còn hàng ngàn loại máy móc, dụng cụ khác thì sao? Nếu như vậy thì Nhà nước tốn một khoản tiền không nhỏ cho những vụ mua sắm thế này. Dụng cụ BV công mua đắt, kéo theo người bệnh sẽ phải trả tiền cho dụng cụ đó”.

“Khi xã hội hóa ở BV công, cần lưu ý với những trường hợp liên danh mua sắm máy móc, vì nhiều máy đặt vào BV công đã bị “tư nhân hóa” đẩy giá trị của máy móc đó lên rất cao, cao hơn nhiều so với giá trị thực, thậm chí là máy đã sử dụng rồi được tân trang lại tính bằng giá máy mới. Giá thiết bị đẩy lên cao đồng nghĩa với việc BV sẽ phải tính giá đắt cho bệnh nhân. Việc giảm được giá mua máy móc thiết bị sẽ giúp viện phí dịch vụ được tính ở mức phù hợp, từ đó giảm được gánh nặng cho người bệnh”, một nhà quản lý BV tư nói. Bà Hồng Vân, Ban Thực hiện chính sách BHYT (thuộc Bảo hiểm xã hội VN) cho biết: “Hiện chưa có quy trình chuyên môn, phác đồ điều trị chuẩn dẫn đến tình trạng lạm dụng trong chỉ định các kỹ thuật y tế, kê đơn thuốc. Có tình trạng cùng loại hình dịch vụ nhưng giá chênh lệch rất nhiều giữa các BV. Cơ quan chức năng cần kịp thời phát hiện những bất hợp lý trong chỉ định của bác sĩ và biểu hiện lạm dụng thuốc, kỹ thuật làm gia tăng chi phí khám, chữa bệnh không cần thiết”.

Ông Đặng Văn Khoa cho rằng: “Đã đến lúc cần có chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực y tế để mổ xẻ tận gốc, phân tích chi li, rõ ràng tất cả các khoản chi cho đầu vào ở các BV công. Làm sao để phần đầu vào này (mua sắm máy móc thiết bị...) “trong sáng” nhất, hợp lý nhất để đỡ gánh nặng chi phí (đầu ra) cho người bệnh”.

Thanh Tùng - Liên Châu - T.Đạt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.