Công bố điểm sàn ĐH-CĐ

08/08/2010 23:14 GMT+7

* Điểm chuẩn NV1 và chỉ tiêu xét tuyển NV2 của các trường Hôm qua, Bộ GĐ-ĐT đã công bố mức điểm sàn xét tuyển ĐH-CĐ. Với mức điểm này, có gần 400.000 thí sinh (TS) đủ điều kiện cùng tranh đua để nhận trên 250.000 chỉ tiêu (CT) vào ĐH.

Điểm sàn khối A, D: 13; khối C, B: 14

Bộ GD-ĐT cho biết, điểm sàn xét tuyển bậc ĐH của các trường sử dụng kết quả thi ĐH theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT là: khối A, D: 13; khối C, B: 14. Điểm sàn bậc CĐ các khối tương ứng thấp hơn ĐH là 3 điểm. Cụ thể: khối A, D: 10; khối C, B: 11. Điểm sàn đối với các khu vực kế tiếp giảm 0,5 điểm, các đối tượng ưu tiên kế tiếp giảm 1 điểm. Mức điểm tối thiểu xét tuyển CĐ của các trường CĐ sử dụng kết quả thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT cũng bằng mức điểm sàn CĐ  theo đề thi ĐH ở các khối thi tương ứng.

Chỉ có 257.276 chỉ tiêu ĐH

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tổng số TS dự  thi ĐH các khối A, B, C, D năm nay là 1.042.982 (trong đó khối A: 575.310, khối B: 224.065, khối C: 78.672, khối D: 164.935). Tuy nhiên, số TS đạt mức điểm từ sàn trở lên chỉ có 393.114 người, như vậy sẽ có 649.868 TS trượt ĐH. Số TS đạt điểm sàn sẽ tham gia xét tuyển vào ĐH ở cả 2 nguyện vọng (NV) với 257.276 CT. Cụ thể như sau: Khối A có 209.683 TS đạt từ 13 điểm trở lên, 150.032 CT. Khối D có TS đạt từ điểm sàn trở lên là 66.966, 54.493 CT. Khối B có 84.864 TS, 28.764 CT. Khối C có 31.619 TS 23.987 CT.

Lý giải vì sao năm nay, điểm thi của TS thấp hơn năm trước nhưng điểm sàn vẫn không thay đổi, bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết: Năm nay do đề thi có tính phân hóa cao nên số TS đạt điểm cao từ 28 điểm trở lên thấp hơn rất nhiều năm trước. Tuy nhiên, số TS nằm ở phổ điểm từ 13-20 thì không thay đổi nhiều. Do đó, Hội đồng điểm sàn của Bộ GD-ĐT đã quyết định giữ nguyên mức điểm sàn như năm 2009.

Bà Hà khẳng định, với số lượng TS đạt điểm sàn năm nay vẫn đảm bảo các trường có thể tuyển đủ CT được giao. Để "trợ giúp" các trường khó khăn, Bộ cũng đã có quy định riêng. Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1 điểm, nhưng không quá 1,5 điểm. Các trường được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, theo địa chỉ sử dụng, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 điểm, nhưng không quá 1 điểm. Đây sẽ là cơ hội để TS xét tuyển vào những trường đặc thù với mức điểm trúng tuyển thấp hơn mức điểm chung (do được điểm ưu tiên cao hơn mức chung - PV).

Bà Hà cũng lưu ý các trường không được hạ điểm trúng tuyển, trừ những trường hợp đặc biệt (trường có điểm trúng tuyển NV1 cao; trường đóng tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; một số ngành nghề khó tuyển sinh) Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ xem xét quyết định.

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.