Nhiều cách để phát hiện, đào tạo nhân tài

05/08/2010 22:01 GMT+7

Có rất nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc cũng như giới chuyên môn sau loạt bài về trường chuyên. Thanh Niên trích đăng bài viết của GS Hồ Tú Bảo - Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản, cùng ý kiến của ông Trần Thắng - Chủ tịch Hội Văn hóa - Giáo dục VN tại Mỹ xung quanh vấn đề này.

Đào tạo toàn diện với chất lượng cao

Mỗi nước đều có cách của mình để chọn và đào tạo người tài. Trong điều kiện nước ta đất chật, người đông và còn khó khăn, việc tạo ra môi trường học tập tốt để nuôi dưỡng và phát triển các tài năng từ lúc còn nhỏ là hoàn toàn đúng và cần thiết. Chúng ta nên chuyển sự tập trung vào đào tạo “chuyên” thành đào tạo “toàn diện với chất lượng cao” cho những học sinh (HS) xuất sắc hoặc có năng khiếu đặc biệt.

Cụ thể, nên xem xét chuyển khối chuyên Toán - Tin của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cùng các khối chuyên khác, thành một trường THPT với hai khối về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Các em được tuyển chọn hoặc xuất sắc toàn diện về khoa học tự nhiên/xã hội, hoặc có năng khiếu vượt trội về một (vài) môn của khoa học tự nhiên/xã hội ở bậc PTCS. Các em được học tập toàn diện, học tốt về tiếng Việt và tiếng Anh. Em nào có năng khiếu vượt trội về một môn nào đó sẽ được sinh hoạt ngoại khóa trong các nhóm do các thầy cô giỏi dẫn dắt. Trường gồm các thầy cô dạy giỏi ở tất cả các môn và có điều kiện học tập tốt.

Nên làm dạng trường này mà không phải trường chuyên vì lý do sau: Người tài phải được đào tạo và rồi trưởng thành qua thực tiễn. Đây là con đường của hàng chục năm, vì vậy không nên hướng các em quá sớm vào một lĩnh vực hẹp của khoa học, dù với các em có năng khiếu nào đó. Con người cần có hiểu biết toàn diện, trước và cùng lúc với việc đi vào một lĩnh vực hẹp.

GS Hồ Tú Bảo

Người giỏi phải luôn được ưu tiên

Ở bậc THPT tại Mỹ không có chương trình đặc biệt bồi dưỡng cho HS. Nếu có tài năng thì thử sức ở ĐH hay sau ĐH tại các trường danh tiếng. Trường THPT Mỹ có các CLB như Toán học, Hóa học, Thể thao... HS yêu thích cái nào thì vào CLB đó sinh hoạt. HS Mỹ quan tâm vào những trường ĐH danh tiếng, họ không chú ý đến các kỳ thi và cũng không quan tâm đến giải thưởng. Hệ thống giáo dục Mỹ rất linh hoạt, ai giỏi là tự động được đưa lên ngay. Đã có nhiều trường hợp như sau: một sinh viên vào trường MIT (trường đứng đầu về kỹ thuật của Mỹ), thấy cô sinh viên này giỏi quá nên trường cho một bài thi đặc biệt, sinh viên này làm xong, ngày hôm sau trường cấp bằng cử nhân. Như vậy học cử nhân chỉ có 1 ngày! Rồi cũng có trường hợp một sinh viên sau 3 ngày nhận được bằng tiến sĩ tại Princeton University. Vừa mới đây, nữ sinh gốc Việt Alexandria Huỳnh đã nhận học bổng chương trình tiến sĩ của ĐH Harvard khi chỉ mới 17 tuổi.

Trần Thắng

* “Nên ưu tiên cho khối trường chuyên, chẳng hạn nên đảm bảo quyền lợi vào ĐH cho HS chuyên thì các em sẽ không phân tán tư tưởng mà chuyên tâm hơn nữa vào môn chuyên, cống hiến nhiều cho khoa học”. (Bà Lê Quỳnh Liên - Tổ trưởng tổ Hóa trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

* “Nên có hệ thống các khoa, các trường ĐH thu hút nguồn HS chuyên để tạo cơ hội cho các em tiếp tục phát triển lĩnh vực chuyên mà các em đã được học trong trường phổ thông”. (Ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định)

* “Cần một chế độ đãi ngộ thích đáng cho HS chuyên như: miễn thi tốt nghiệp THPT, đạt giải quốc gia thì được tuyển thẳng vào các trường ĐH có ngành phù hợp với môn chuyên”. (Ông Lê Thành Thái - Hiệu trưởng trường Trung học Thực hành - ĐH Sư phạm TP.HCM)

* “Không bắt HS tập trung quá nhiều sức lực và thời gian học tập một vài môn chuyên biệt mà nên để các em tự do phát triển những gì các em có được theo chiến lược học rộng và sâu”. (Tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng - Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN)

Tuệ Nguyễn - Bích Thanh (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.