TP.HCM đối mặt với nhiều loại bệnh

04/08/2010 18:40 GMT+7

(TNO) Số ca sốt xuất huyết trong tháng 7 đã tăng gấp đôi so với tháng trước. Bệnh tay chân miệng có giảm nhẹ nhưng số ca bệnh vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, cúm A/H1N1 đã quay trở lại. TP.HCM đang đối mặt với nhiều loại bệnh đang có nguy cơ "ngóc đầu dậy" trong mùa mưa này.

Sốt xuất huyết tăng cao

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong 7 tháng đầu năm, TP có gần 3.000 ca sốt xuất huyết. Chỉ riêng tháng 7 có đến 632 ca, tăng gấp 2 lần so với tháng 6. Trong đó, các quận huyện tập trung nhiều ca mắc sốt xuất huyết là Q.8, Q.6, Q.10, Q.Bình Tân,... Đặc biệt, ngay cả ở các quận trung tâm là Q.1 và Q.3 thì số người nhập viện do sốt xuất huyết cũng tăng đáng kể.

Hiện nay, sốt xuất huyết không chỉ tập trung ở trẻ em mà tỷ lệ người lớn mắc bệnh đã gia tăng nhanh chóng (chiếm khoảng 40-50% số trường hợp mắc bệnh). Mặt khác, các điểm nguy cơ lây truyền bệnh cũng mở rộng hơn, không chỉ tại nhà ở mà còn ở nơi làm việc, học tập, các công trình xây dựng, nơi sinh hoạt công cộng,... tạo nên một phức hợp lây truyền mầm bệnh phức tạp gây nhiều khó khăn cho việc phòng chống.

Trước tình hình này, Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhìn nhận: "Mưa xuống nhiều là điều kiện thuận lợi làm cho số ca bệnh sốt xuất huyết tăng lên. Tuy nhiên, việc kiểm soát của chúng ta đối với các vùng nguy cơ cao chưa được tốt nên chưa hạn chế được bệnh".

Số ca sốt xuất huyết ở TP.HCM đã vượt qua ngưỡng 150 ca/tuần, thế nên các trung tâm y tế địa phương phải kiên quyết thực hiện các biện pháp tìm diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, phát quang nơi ẩm thấp, bụi rậm, dọn dẹp các khu vực bị đọng nước,... để hạn chế môi trường lây truyền bệnh, kéo giảm con số mắc bệnh xuống, đặc biệt là từ tháng 8, bệnh sẽ bắt đầu vào thời gian đỉnh dịch, ông Giang nói thêm.

Bên cạnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng cũng đang là mối lo "rình rập" người dân TP. Mặc dù số ca bệnh này trong tháng 7 có giảm nhẹ nhưng con số mắc bệnh từ đầu năm đến nay vẫn ở mức cao với gần 2.000 ca, nhiều hơn 14% so với cùng thời điểm này của năm 2009.

Số người mắc bệnh tay chân miệng không nhiều bằng sốt xuất huyết nhưng tay chân miệng lại là bệnh nguy hiểm hơn và có tỷ lệ tử vong cao hơn sốt xuất huyết. Thế nên, việc phòng bệnh tay chân miệng vẫn được Sở Y tế TP.HCM đặt lên vị trí hàng đầu. Vì "việc vệ sinh môi trường, diệt khuẩn, tẩy trùng không chỉ phòng bệnh tay chân miệng mà đây cũng là biện pháp phòng sốt xuất huyết và cả cúm A/H1N1", ông Giang nói.

Cúm A/H1N1 trở lại

Sau một thời gian dài chìm lắng, đến nay (3.8), TP.HCM đã ghi nhận ca tử vong có liên quan đến cúm A/H1N1. Đây cũng là ca tử vong có liên quan đến cúm A/H1N1 đầu tiên của cả nước trong năm nay.

Cũng trong thời gian này, đã có một ca nhiễm cúm A/H1N1 được xác định tại Q.8, TP.HCM.

Các biện pháp điều tra dịch tễ về nguồn bệnh của hai trường hợp trên cùng việc khoanh vùng, khử khuẩn phòng dịch đang được các cơ sở y tế thực hiện.


Giữ gìn vệ sinh cá nhân là yếu tố quan trọng trong việc đề phòng nhiều bệnh như: tay chân miệng, cúm... - Ảnh: Nguyên Mi

"Việc chìm lắng của cúm A/H1N1 trong một thời gian dài đã dẫn đến sự mất cảnh giác đối với bệnh. Các biện pháp nâng cao năng lực phòng chống cúm ở các quận huyện không còn được thực hiện nữa", ông Giang cảnh báo.

Theo ông Lê Trường Giang, việc xuất hiện ca tử vong mới có liên quan đến cúm A/H1N1 là một lời cảnh báo chúng ta không được để rơi vào tâm lý chủ quan, lơ là đối với bệnh, đồng thời cũng không nên hoang mang, lo lắng. Trong tình thế đối mặt với dịch bệnh hiện nay, biện pháp tối ưu được đặt ra là thực hiện tốt vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân.

Song song đó, Sở Y tế TP.HCM cũng chỉ đạo các quận huyện khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng chống cúm A/H1N1, tuyên truyền lại cho người dân kiến thức bảo vệ mình khỏi cúm nhằm ngăn ngừa dịch bệnh quay trở lại.

Vi-rút cúm A/H1N1 lây lan chủ yếu qua đường hô hấp từ người này sang người khác, qua các giọt nước bắn ra khi ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, dụng cụ có dính vi-rút cúm, sau đó đưa tay lên miệng, mũi.

Thời gian ủ bệnh là 7 ngày, thời gian lây truyền cúm A/H1N1 là 1 ngày trước khi có dấu hiệu bệnh và kéo dài đến 7 ngày sau khi phát bệnh.

Bệnh có các biểu hiện như: sốt, đau họng, ho, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và có thể nôn, tiêu chảy. Cúm A/H1N1 có thể diễn biến nặng gây suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Mỗi người có thể tự bảo vệ mình khỏi cúm bằng các biện pháp như:

- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi. Việc đeo khẩu trang cũng có thể làm giảm sự lây truyền cúm.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước (hoặc nước diệt khuẩn), tránh chạm tay vào mặt (đặc biệt là sau khi che miệng khi ho hoặc hắt hơi).

- Tránh tiếp xúc gần với những người có vẻ như không khỏe và những người bị sốt và ho. (Nên giữ khoảng cách khoảng 1m).

- Giảm thời gian hoạt động ở những nơi đông người. Hồ bơi là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm cúm vì tuy đã có chất khử khuẩn nhưng không chắc các hồ bơi có được xử lý vệ sinh thường xuyên hay không.

- Đi khám bệnh nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, đau người, đau đầu, ớn lạnh và mệt mỏi. Nếu sốt nhưng tình trạng chưa đến lúc cần phải đi khám ở các bệnh viện, có thể dùng Paracetamol 500mg, cứ 6 giờ đồng hồ còn sốt thì uống 1 viên rồi tiếp tục theo dõi.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.