Vì sao đường huyết trồi, sụt?

30/07/2010 10:00 GMT+7

Ổn định đường huyết là mục tiêu cơ bản trong điều trị bệnh tiểu đường. Điều đáng nói là không ít bệnh nhân tiểu đường có lượng đường huyết dao động nhiều khi đến mức hỗn loạn mặc dầu người bệnh vẫn uống thuốc đầy đủ.

Như thế, phải có lý do nào đó khiến thuốc không hiệu quả? Theo kết quả thống kê được tiến hành ở CHLB Đức sau 3 năm liền, trong 3/4 tổng số trường hợp, lượng đường trong máu không ổn định không phải vì bệnh quá nặng, cũng không vì thuốc quá yếu mà do sai lầm trong nếp sinh hoạt của người bệnh.

Muốn biết tại sao uống thuốc y như căn dặn của thầy thuốc mà đường huyết cứ khi trồi khi sụt, người bệnh chỉ cần thành thật trả lời đúng hay sai đối với 10 câu hỏi trắc nghiệm dưới đây:

- Trong ba bữa cơm thường ngày, bạn thường có một bữa ăn quá no đến độ đầy bụng?

- Trong ba bữa cơm thường ngày, bạn thường có một hay hai bữa ăn xong vẫn còn đói, do thiếu ăn độn rau cải?

- Bạn thường ăn cơm đúng giờ cho dù chưa đói?

- Bạn có thói quen không uống nước trước và trong bữa ăn?

- Bạn hay ăn thịt nhiều hơn cá?

- Bạn không vận động trước bữa ăn?

- Bạn không vận động sau bữa ăn?

- Bạn dùng mỡ động vật để chiên xào?

- Bạn còn thói quen ăn món ngọt hay trái cây lúc bụng không thật đói, chẳng hạn như món tráng miệng sau bữa ăn đã no bụng?

- Bạn còn thói quen ăn khuya?

Mười câu hỏi nêu trên thực ra không chỉ để hỏi mà chính là tiêu chí để người bệnh qua đó hỗ trợ thầy thuốc. Chỉ cần một lần trả lời đúng trong 10 câu hỏi trên thì người bệnh đã sai trong chế độ dinh dưỡng cần thiết để hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Tất nhiên, như vậy thì phải nhanh chóng sửa sai nếu không muốn thuốc uống vào mà  như nước đổ đầu vịt.
 
Người bệnh nên kể hết mọi uẩn khúc cho thầy thuốc vì đó là một trong các nhân tố quan trọng giúp tối ưu hóa hiệu năng của liệu pháp. Với bệnh tiểu đường, nguyên tắc đó thậm chí mang ý nghĩa hai chiều. Không chỉ với thầy thuốc, người bệnh phải thành thật với chính mình. Đó thậm chí là một trong các yếu tố quyết định cho hiệu quả của liệu pháp điều trị.
Đơn giản vậy mà ít người làm được. Có lẽ vì thế nên bệnh tiểu đường vẫn còn thuộc nhóm nan y.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.