Khối phồng vùng bẹn, bệnh gì?

30/07/2010 16:26 GMT+7

Vùng bẹn tự nhiên xuất hiện một khối phồng, lúc mất lúc có, lúc to lúc nhỏ. Rất có thể bạn đã bị thoát vị bẹn.

“Mổ xẻ” thành bụng

Ổ bụng của chúng ta được bao bọc xung quanh rất chắc chắn. Phía trước và hai bên là lớp cơ bụng, phía sau là khối cơ lưng. Toàn bộ khối cơ này có tác dụng giữ và bảo vệ các tạng trong ổ bụng. Đa phần các tạng này thuộc hệ tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục. Nếu không có lớp cơ này, toàn bộ các tạng sẽ bị sổ ra, đảo lộn vị trí và bị rối loạn chức năng.

Để thực hiện tốt chức năng giữ cho tạng không bị sổ, đòi hỏi lớp cơ thành bụng phải khỏe để thắng được lực đẩy từ trong ra và phải kín để không một tạng nào “chui” được ra ngoài. Thật không may là thành bụng nam giới lại không kín như thế, mà chúng lại bị xuyên thủng bởi một cấu trúc, đó là thừng tinh. Thừng tinh chứa đường dẫn tinh trùng thực hiện chức năng sinh sản, chứa động mạch sinh dục để nuôi tinh hoàn. Thừng tinh đi theo hướng từ trong bụng, xuyên qua lớp cơ thành bụng ra ngoài, khoét một lỗ thừng tinh trên thành bụng. Vì một lý do nào đó như lỗ thừng tinh không kín, thành bụng yếu nhão thì tại chỗ thừng tinh chui ra thành bụng rất yếu, không có cơ che chắn, các tạng luôn có nguy cơ chui ra ngoài tại đây, tạo ra một khối phồng vùng bẹn.

Khối phồng và bệnh danh thoát vị

Thoát vị là sự ra khỏi vị trí bình thường của một cơ quan qua một lỗ thoát vị. Trong trường hợp này, các tạng trong ổ bụng chui ra ngoài qua lỗ thừng tinh và tạo ra một khối phồng thoát vị gọi là thoát vị bẹn. Đặc điểm của khối thoát vị là lúc có lúc không, lúc to lúc nhỏ, và thường thì không đau. Khối phồng xuất hiện khi thay đổi tư thế, lúc đứng thì có, lúc nằm thì hết. Để thì to, nắn bóp thì nhỏ dần và mất. Hướng xuất hiện của khối thoát vị luôn xuất hiện từ trên bụng xuống tinh hoàn. Bản chất bên trong khối phồng chính là các tạng trong ổ bụng, có thể là một quai ruột, có thể là mạc nối thành bụng.

Bệnh thoát vị nói chung lành tính. Tuy vậy cũng có lúc gây ra những biến chứng nguy hiểm. Biến chứng nguy hiểm nhất là khi các tạng tranh nhau chui ra và bị bóp nghẹt tại lỗ thoát vị. Điều này làm thắt nghẽn mạch máu, hậu quả là quai ruột bị hoại tử vì không có máu nuôi. Trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong.

Cho đến nay, biện pháp điều trị của bệnh chủ yếu vẫn là phẫu thuật để đưa khối thoát vị trở lại ổ bụng và gia cố thành bụng cho khỏe thêm. Nói chung người bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Chính vì vậy mà khi có dấu hiệu bệnh một khối phồng tại vùng bẹn, đừng quá lo lắng, hãy bình tĩnh quan sát, theo dõi và kịp thời đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

BS Yên Lâm Phúc
(Học viện Quân y)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.