Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp

28/07/2010 15:35 GMT+7

Những ngày qua, các ca bệnh tay chân miệng vẫn liên tục xuất hiện tại TPHCM. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nhanh chóng triển khai các giải pháp phòng chống.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM sáng 27-7, rất đông trẻ con, người lớn ngồi nằm ken chật hành lang Khoa Nhiễm-Thần kinh. Các bác sĩ điều trị cho biết bình thường các trẻ mắc bệnh tay chân miệng có phòng riêng để nằm nhưng hiện đông quá nên một số phải nằm tạm ngoài hành lang.

Liên tục nhập viện 
 
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, số trẻ mắc tay chân miệng được khoa tiếp nhận hiện đã tăng gấp đôi so với cùng thời điểm tháng trước. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận gần 10 trường hợp mắc bệnh này. Hiện trong bệnh viện  còn 30 trẻ điều trị nội trú, đa số mắc ở độ 2, độ 2B. Riêng một trường hợp bị biến chứng nặng độ 3 hiện đã tạm ổn định, không còn phải thở máy. Cũng theo bác sĩ Khanh, số trẻ nhập viện tay chân miệng đa số vẫn ở độ tuổi học mầm non.
 
Cùng ngày, ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng cho thấy số trẻ nhập viện điều trị do mắc bệnh tay chân miệng vẫn không ngừng tăng. Theo bác sĩ Vũ Quang Vinh, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, riêng trong ngày 27-7 có 8 trẻ nhập viện. Hiện tại Khoa Nhiễm đang còn 20 trẻ mắc bệnh này nằm điều trị nội trú. 
 

Chưa ghi nhận ca nặng

Thống kê chung trong tháng 6, trong số 1.641 trẻ đến khám tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã có 180 trẻ phải nhập viện điều trị. Riêng trong tháng 7, tính đến ngày 27-7 đã có 127 ca nhập viện điều trị. Ở thời điểm này chưa ghi nhận ca nặng nhưng theo các bác sĩ điều trị ở bệnh viện này thì thông thường trong số ca nhập viện điều trị có ít nhất từ 2-3 trẻ mắc độ nặng.

Một tổng kết vừa được Bệnh viện Nhi Đồng 1 thực hiện đối với trẻ mắc tay chân miệng vào điều trị cho thấy 94% trẻ mắc bệnh đều dưới 36 tháng tuổi, 60% trẻ nam mắc bệnh, 43% ca nhập viện có một trong các biến chứng: viêm màng não, viêm não, sốc – trụy tim mạch, phù phổi cấp, liệt dây thần kinh sọ và viêm cơ tim. Ngoài ra, 10% trẻ mắc bệnh này có biến chứng nặng viêm não, phù phổi, viêm cơ tim.
 
Đã có dấu hiệu giấu thông tin
 
Bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan do các mụn nước ở trẻ mắc bệnh vỡ ra rồi dính vào cơ thể trẻ lành. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, do sợ ảnh hưởng đến hoạt động nên đã có dấu hiệu các trường học, nhóm trẻ cố tình giấu thông tin xuất hiện bệnh hoặc đề nghị phụ huynh giữ con tại nhà, không cho đến lớp. Các cơ quan chức năng rất khó phát hiện nếu cơ sở không hợp tác. Việc giấu thông tin xuất hiện bệnh cùng với việc thực hiện không tốt các biện pháp ngăn ngừa lây lan vô hình trung sẽ tạo ra nhiều ổ dịch di động, hậu quả khó lường.
 
Trước tình hình này, bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nhanh chóng triển khai  các giải pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trên toàn địa bàn. Cụ thể sẽ rà soát khoanh vùng, vệ sinh môi trường, phun thuốc sát khuẩn, tuyên truyền người dân ý thức phòng ngừa... Cũng theo bác sĩ Giang, theo quy định, khi xảy ra dịch bệnh thì nhà trường phải thông báo ngay đến cơ sở y tế địa phương để được tư vấn, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các giải pháp phòng chống. Những trường hợp cố tình giấu giếm người lãnh đạo cao nhất của cơ sở phải chịu trách nhiệm, sẽ bị xử lý.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.