Làm gì khi bị... ngứa?

26/07/2010 09:35 GMT+7

Bốn tháng trước do vùng háng bị ngứa nên tôi gãi, sau đó lớp da vùng ngứa nổi lên như lang ben, khoảng một tuần thì hết.

Hai tuần sau các ngón tay nổi các mụn nước trong, chủ yếu ở vùng khớp ngón, một tháng thì lành. Sau đó tôi bị ngứa quanh người (đặc biệt ở vùng thắt lưng, đùi)... Thời gian này mỗi sáng tôi thường đau bụng ở vùng gần góc dưới bên trái, có khi tiêu chảy, hơi thở nóng và thường bị đau họng. Tôi đang uống thuốc tiêu độc (ngân hoa, phu đề...). Vậy tôi bị bệnh gì?

T.Q.

- Thường người bệnh chỉ có thể tự mô tả những triệu chứng chủ quan. Thầy thuốc cần được khám bệnh trực tiếp, xem xét các đặc điểm lâm sàng chính, đôi khi phải dùng thêm những phương pháp cận lâm sàng hỗ trợ để giúp chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt. Do đó, bạn nên đến khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán chính xác và chỉ định điều trị thích hợp cho tình trạng bệnh lý của mình.

Với các triệu chứng ngoài da bạn trình bày, dù chưa đầy đủ theo yêu cầu của chuyên khoa (có thể cần phân biệt với các bệnh cảnh chàm, nhiễm nấm ngoài da...), nhưng chúng tôi cũng có hướng chẩn đoán ban đầu rằng bạn bị lây nhiễm bệnh ghẻ ngứa và tình trạng bệnh hiện nay ở mức độ chàm hóa.

Để điều trị bệnh ghẻ ngứa:

- Chú ý phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ chóng khỏi và ít lây lan. Không gãi, không tự ý dùng các loại thuốc bôi như: thuốc rầy, thuốc súng, DDT...

- Tắm sạch, lau khô trước khi bôi hay xịt các loại thuốc do bác sĩ chỉ định tùy tình trạng bệnh lý. Thoa, xịt thuốc toàn thân từ cổ đến chân, tốt nhất vào buổi tối trước khi đi ngủ. Có thể thoa thuốc 2-3 lần mỗi ngày, liên tục trong 10-15 ngày. Thuốc điều trị ghẻ ngứa thường có nhiều dạng, nhưng nhất thiết phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định và hướng dẫn sử dụng.

- Phải để thuốc tiếp xúc với da đủ thời gian. Đa số các thuốc được yêu cầu để tiếp xúc 24 giờ đối với người lớn, 12 giờ đối với trẻ em và phụ nữ mang thai; sau đó tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng.

- Quần áo, mùng, mền, chiếu, gối nên giặt tẩy thật sạch; phơi nắng, ủi nóng... Tránh dùng chung quần áo và các vật dụng cá nhân.

- Bệnh có thể tái phát từng đợt theo chu kỳ ba tuần do trứng còn sống sót và phát triển thành cái ghẻ trưởng thành. Bắt buộc điều trị lại theo đúng phương pháp.

- Phải điều trị đồng thời cho tất cả mọi người cùng bị ngứa đang sinh hoạt, chung sống trong gia đình, lớp học, ký túc xá...

Riêng các triệu chứng đau bụng, rối loạn đi tiêu... bạn nên khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.