Bệnh tay chân miệng tăng nhanh

26/07/2010 10:03 GMT+7

Đã có 15/24 quận, huyện tại TPHCM có ca mắc bệnh tay chân miệng. Số ca mắc tháng 6 tăng 4,3% so với tháng 5 và tăng 20% cùng kỳ năm 2009.

Hơn một tuần qua, chị Nguyễn Thùy V. (ngụ quận 7) đã phải vất vả vì đứa con đầu lòng 3 tuổi mắc bệnh. Chị cho biết con của chị học ở lớp mầm của một trường mầm non khu vực Nam Sài Gòn. Những ngày gần đây, bé sốt nhẹ, quấy khóc, không ăn uống được, mình mẩy nổi mụn nước. Đưa vào khám tại Bệnh viện quận 7 được biết cháu bé đã mắc bệnh tay chân miệng. “Con của nhiều đồng nghiệp ở cơ quan tôi gửi ở trường này cũng đã mắc bệnh tương tự, phải nghỉ học ở nhà”- chị V. lo lắng.

Đã có biến chứng nặng độ 3
 
Tại khu nhà chị Lê Thị Thanh X. trọ ở quận Bình Thạnh, những ngày qua cũng đang thực hiện một điều không ai muốn: Cách ly một bé gái gần 2 tuổi để khỏi bị lây bệnh cho hàng chục bé cùng xóm trọ. Chị X. cho biết trước đó vài ngày, bé bỏ ăn, chảy nước miếng liên tục, quấy khóc, ngủ vài phút là giật mình. Bé được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 xác định đã mắc bệnh tay chân miệng.
 
Ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn TP, số trẻ nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng những ngày qua đã tăng liên tục. Bác sĩ Lê Bích Liên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM, cho biết trong bệnh viện này đang có 30 trẻ nằm điều trị nội trú bệnh tay chân miệng, trong đó 1 trường hợp đã bị biến chứng nặng độ 3. Chỉ riêng sáng 25-7, khi chúng tôi đến, cũng thấy có 5 trẻ vào viện. Bác sĩ Vũ Quang Vinh, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết số trẻ nhập viện do mắc bệnh này tăng cao trong những ngày gần đây. 
 

Không bôi thuốc vào nốt hồng ban

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm-Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, khuyên khi thấy trẻ có triệu chứng như sốt, nổi hồng ban ở lòng bàn chân, lòng bàn tay kèm theo giật mình, ói, run tay chân, đi loạng choạng, lừ đừ, khó ngủ..., phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan và đưa ngay đến cơ sở y tế. Lưu ý không tự bôi thuốc vào những nốt hồng ban vì sẽ gây khó khăn cho các bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh. Chú ý tăng cường về dinh dưỡng, miễn dịch cho trẻ...

Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, hiện đã có 15/24 quận, huyện có số ca mắc mới bệnh tay chân miệng (gồm quận 1, 3, 4, 6, 8, 10, 12, Tân Bình, Phú Nhuận, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè). Số ca mắc bệnh tay chân miệng trong tháng 6 tăng 4,3% so với tháng 5 và tăng 20% cùng kỳ năm ngoái.
 
Diễn biến phức tạp
 
Theo các bác sĩ ở Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, hằng năm thường có hai đợt cao điểm bệnh tay chân miệng. Đợt một vào các tháng 3, 4, 5; đợt hai vào các tháng 9, 10, 11. Riêng năm nay diễn biến khác lạ vì đã gần hết tháng 7 nhưng bệnh không giảm mà gia tăng. Đối tượng mắc bệnh đa số là trẻ dưới 3 tuổi, học sinh mẫu giáo và môi trường lây bệnh chủ yếu khi đi học ở trường.
 
Các bác sĩ còn cho biết có một điểm đáng chú ý là xuất hiện những trẻ mắc bệnh nhưng không có dấu hiệu đặc thù trên cơ thể hoặc có mà rất ít, nên rất khó phát hiện để điều trị kịp thời. Năm 2009, trong 5 trường hợp tử vong tại TPHCM do mắc bệnh này cũng đã có trường hợp không có dấu hiệu đặc thù.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.