Cung bậc cay món Thái

25/07/2010 16:55 GMT+7

(TNO) Những gam màu gia vị tạo độ cay cho các món Thái có bao điều thú vị và hàm chứa một chiến lược quảng bá thương hiệu quốc gia.

Vài năm gần đây, hàng quán Thái Lan sinh sôi nẩy nở càng nhiều ở các thành phố lớn: TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu... như một làn sóng ẩm thực mới.

Ông Trần Minh, một đầu bếp gốc Hoa trên 20 năm kinh nghiệm, ở Cần Giờ (TP.HCM) nói về những ấn tượng với các món ăn Thái: “Những món Thái chính gốc đều cay. Nhưng đó là vị cay nồng ấm, hậu ngọt được phối trộn tài tình bởi những gia vị nên thuốc như: nghệ, riềng, sả, ớt...”.


Chị Rossarin Sswetkamon, người Thái Lan, tìm chút hương quê ở quán Hoa Lan, TP. Vũng Tàu

Cay để nhớ!

Anh Sawetkamon Pornthep, doanh nhân, gốc Bangkok (Thái Lan) bật mí: “Chúng tôi muốn thực khách khắp thế giới sẽ nhớ mãi các món ăn và đất nước Thái Lan qua vị cay đặc trưng. Và chúng tôi đã thành công”. Đó là một kinh nghiệm quảng bá thương hiệu quốc gia đáng để học hỏi.

Chúng tôi đã thử gần chục món Thái “xịn” và nhận thấy người ta kinh doanh - làm bếp quá giỏi.


Món xôi nắm thịt nướng Thái có chút tương đồng với món xôi của VN

Đơn cử như món canh hải sản (Suki) bốc khói, thường được người phục vụ khuyên nên ăn sau cùng. Bởi trong đó, đầu bếp đã phối trộn nhiều gia vị giúp giải cảm, trợ tiêu, kích thích dịch vị lẫn sát khuẩn răng miệng như lá chanh tươi, bột nghệ, củ hành tím... Tinh dầu lá chanh Thái rất đặc biệt, có mùi thơm hăng nồng hơn cả tinh dầu sả tươi. Nhờ vậy, khứu giác thực khách như được "xông hơi" cho thêm tinh thông và không bị “cành hông” dù rất no.

Món gỏi bò khai vị cũng không tệ chút nào. Món thơm ngon thanh thoát, có chút chua chua, cay cay lẫn nồng the của tinh dầu rau húng lủi, nước cốt chanh cộng với sả tươi, ớt giã... Tất cả làm nền cho vị ngọt đậm của thịt bò tươi, hậu beo béo của mè rang “nhảy múa” trong vòng miệng thực khách.


Tinh dầu của húng lủi, sả, ớt, chanh đã tạo vị chua thanh lẫn cay nồng dịu cho món gỏi bò

Đẳng cấp hơn là món tôm sú tái. Gia vị chính trong món này là củ riềng tươi, ngải bún xắt rối. Chúng có vị cay nồng the, làm át đi dư vị tanh của thịt tôm. Và theo y thực chúng còn giúp sát khuẩn, trợ tiêu. Chưa kể một ít nước cốt chanh, sa-tế, chút đường thốt nốt... tạo nên vị chua thanh, ngọt dịu đủ sức tái đi miếng thịt tôm tươi roi rói mà không gây chua ê răng...

 Rồi khách sẽ gắp mỗi con tôm cặp với ít bắp cải bào, miếng khổ qua (mướp đắng), nhẩn nha nhai. Mới đầu, người ăn sẽ cảm thấy giòn ngọt rau ráu trong miệng. Song thử khựng lại một nhịp nhai, dường như người ăn cảm nhận đủ mùi đời: cay - đắng - ngọt - bùi.


Độ cay thơm của riềng sả lẫn chua the của chanh giúp thịt tôm chín tái, giòn rau ráu

Quả thật có một sự hài hòa đến sắc sảo trong cách phối tinh dầu gia vị cùng nguyên liệu của người đầu bếp Thái. Và nếu có dịp ra Vũng Tàu, bạn có thể ghé lại quán Hoa Lan trên đường Thống Nhất (nối dài) để thử nghiệm những cảm nhận mới.

Song sẽ có người phản bác rằng, ở TP.HCM cũng có những quán bán món Thái không cay. Vậy Thái nào là Thái... lai?

Cay "dân chủ"

Anh Sawetkamon Pornthep cho biết: “Thái không cay nồng ấm là Thái "dỏm". Tuy nhiên, cũng có kiểu cay... "dân chủ". Có nghĩa là những chén gia vị tạo cay, chua, mặn, ngọt... được bày kèm với món ăn, khách sẽ tự pha theo khẩu vị”.

Như vậy, người Thái dùng “chiêu cay” không chỉ tinh tế mà còn linh hoạt. Bởi không phải bạn nữ hay trẻ em Việt nào cũng biết hoặc chấp nhận ăn cay. Nhưng nếu người ăn là đấng mày râu mà “đô cay” yếu... xìu, vẫn có thể ung dung vào quán Thái.


Món bánh ướt xào tôm kiểu Thái thơm phức và rất lạ miệng

Bài, ảnh: Tấn Tới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.