Cảnh báo nhiễm trùng bệnh viện

24/07/2010 10:05 GMT+7

Trong 33 mẫu không khí thu được tại các bệnh viện trong 2 năm 2009 và 2010, có đến 26 mẫu cho lượng vi sinh cao hơn mức quy định 6 lần. Khảo sát hàm lượng vi sinh vật có trong không khí của 33 phòng mổ, phòng hồi sức tại 13 bệnh viện ở TPHCM, tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn là 78,8%... Đó là những con số mà Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM vừa cảnh báo.

Nhiễm trùng vết mổ, kéo dài ngày nằm viện

Phẫu thuật sỏi tiết niệu đã hơn 1 tuần nay, nhưng vết mổ của bệnh nhân T.V.Danh (ngụ quận 9-TPHCM) vẫn chưa lành miệng, có dấu hiệu lở loét, mưng mủ. Theo một điều dưỡng, mặc dù đã được chăm sóc hậu phẫu tích cực, nhưng nhiều khả năng nhiễm trùng vết mổ do vi khuẩn. “Tình trạng này cũng thường xảy ra ở bệnh viện có môi trường không được sạch sẽ lắm, đặc biệt trong các phòng phẫu thuật, hồi sức”, vị điều dưỡng nói.

Ngoài nhiễm trùng vết mổ, viêm phổi cũng được liệt vào danh sách các bệnh phổ biến phát sinh từ bệnh viện. Qua quá trình điều trị bệnh nhân, BS Huỳnh Văn Bình, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức BV Nhân dân Gia Định TPHCM cho biết, viêm phổi là một trong những bệnh thường gặp nhất đối với bệnh nhân do các loại ổ vi trùng, vi khuẩn có trong bệnh viện gây ra.

Một cuộc khảo sát mới đây tại Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức của BV Nhân dân Gia Định cho thấy, tỷ lệ viêm phổi do thở máy gần 60%. Trong đó, tỷ lệ viêm phổi do vi khuẩn Klebsiella Pneumoniae khoảng 50%, viêm phổi do E.coli chiếm gần 27%; viêm phổi sau mổ do vi khuẩn Pseudomonas Aeruginosa gây ra chiếm 20%.

Điều đáng nói, có hơn 93% mẫu đàm của bệnh nhân nằm viện khi phân lập được đều có vi khuẩn đa kháng thuốc, kháng với kháng sinh điều trị.

Tại BV Chợ Rẫy TPHCM, ghi nhận của TS-BS Lê Thị Anh Thư và cộng sự về tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện cũng cho thấy bệnh nhân nằm viện bị viêm phổi thường gặp nhất (chiếm 45%), tiếp theo là nhiễm khuẩn vết mổ (21%), nhiễm trùng tiểu (13%), nhiễm trùng da (11%), nhiễm trùng huyết (10%).

Với viêm phổi, nhiễm trùng vết mổ không chỉ khiến bệnh tình của bệnh nhân trở nên nặng nề hơn mà thời gian nằm viện cũng kéo dài thêm. Chẳng hạn với phẫu thuật sỏi tiết niệu như anh Danh, thời gian nằm viện được chuyên gia y tế đánh giá trung bình chỉ trong vòng 1 tuần nhưng thực tế đã là 3 tuần nay.

BS Phạm Đức Mục, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện không chỉ làm kéo dài thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân từ 9,4 đến 24,3 ngày mà còn làm tăng chi phí điều trị trung bình từ 2-32,3 triệu đồng/bệnh nhân.

BS Mục cũng nói: “Nhiễm khuẩn bệnh viện đang gây hậu quả nặng nề về mặt lâm sàng, làm xuất hiện những chủng vi khuẩn đa kháng thuốc”.

Nhiều bệnh viện... bỏ lơ

Vẫn biết rằng, vệ sinh môi trường, không khí không đảm bảo sẽ tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho bệnh nhân, nhưng hiện nhiều bệnh viện vẫn chưa quan tâm đúng mức. Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM vừa cảnh báo trong 33 mẫu không khí thu được tại các bệnh viện trong 2 năm 2009 và 2010 mà đơn vị này thực hiện có đến 26 mẫu cho lượng vi sinh cao hơn mức quy định khoảng 6 lần.

Khảo sát hàm lượng vi sinh vật có trong không khí của 33 phòng mổ, phòng hồi sức tại 13 bệnh viện ở TPHCM, tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn là 78,8%... Đặc biệt, có 2 mẫu không khí từ một phòng mổ và một phòng hồi sức của 2 bệnh viện dương tính với khuẩn tụ cầu vàng - vốn là nguyên nhân gây nhiễm trùng máu.

Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Y tế, vẫn còn 15,7% bệnh viện tuyến quận huyện chưa có khoa kiểm soát hay tổ kiểm soát nhiễm khuẩn. Đội ngũ nhân lực cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn vẫn trong tình trạng thiếu, yếu. Số nhân lực trung bình cho một khoa kiểm soát nhiễm khuẩn trong một bệnh viện là 5,36 người/100 giường, nhưng bệnh viện tuyến thành phố chỉ đáp ứng 3,9 người. Còn quận huyện thì càng ít ỏi hơn, thậm chí không có.

Thực tế cũng cho thấy, hiện nhiều cơ sở y tế vẫn chưa trang bị đầy đủ tủ đựng dụng cụ diệt khuẩn, để chất thải y tế lẫn lộn chất thải sinh hoạt, vệ sinh bệnh viện chưa được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng phương pháp vệ sinh thô sơ, không sử dụng đúng hóa chất tiệt trùng cần thiết khiến phát tán vi khuẩn, nhiễm khuẩn chéo.

Tiến sĩ Lê Thị Anh Thư, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội đồng chống nhiễm khuẩn TPHCM cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện tập trung cao ở khu vực hồi sức cấp cứu và ngoại khoa. Có 3 loại nhiễm khuẩn thường gặp là nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm khuẩn tiêu hóa.

Theo các bác sĩ chuyên khoa chống nhiễm khuẩn, diệt khuẩn bằng tia cực tím, phun hóa chất hoặc đối lưu không khí phòng mổ, phòng khám là cần thiết, tuy nhiên biện pháp chống nhiễm khuẩn cần thiết nhất vẫn là việc các cán bộ y tế cùng người thăm bệnh phải có ý thức. Đơn giản nhất là việc thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang, mặc trang phục chống nhiễm khuẩn theo đúng quy định. Theo đại diện WHO tại Việt Nam, nhiễm khuẩn bệnh viện đang là gánh nặng và thách thức cho hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện cần nỗ lực của ngành y tế và cộng đồng.

Tình trạng quá tải bệnh viện, nhiều bệnh nhân phải nằm chen chúc nhau trên một giường, thực hiện 2-3 ca mổ cùng lúc với những loại bệnh khác nhau… đang khiến người bệnh lãnh hậu quả là bị nhiễm trùng sau mổ do nhiễm khuẩn. Để giảm bớt nhiễm trùng bệnh viện, năm 2009, Bộ Y tế đã có thông tư về công tác phòng ngừa nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, yêu cầu các bệnh viện tập trung phòng ngừa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có sự giám sát tích cực khiến tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn tràn lan, khiến ước tính hàng năm vẫn còn gần 700.000 bệnh nhân nhiễm trùng vết mổ.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.