Có thể kiện thẳng ra tòa án?

21/07/2010 19:30 GMT+7

(TNO) Chiều 21.7, Ủy ban thường vụ Quốc hội (QH) đã họp cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố tụng hành chính. Trong đó đặt ra vấn đề: nếu tổ chức, cá nhân không đồng ý với quyết định, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện thẳng ra tòa án hay không?

Qua thảo luận của đại biểu QH tại kỳ họp thứ 7 vừa qua về dự thảo Luật Tố tụng hành chính, có 27 ý kiến tại tổ, 7 ý kiến tại hội trường đề nghị quy định tổ chức, cá nhân nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án, không đặt ra điều kiện về việc cá nhân, tổ chức đó phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện ra tòa án.

Loại ý kiến này được Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành và cho rằng, nếu tổ chức, cá nhân lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính thì khi hết thời hạn giải quyết theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết hoặc được giải quyết nhưng họ không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (hoặc lần hai) thì họ vẫn có quyền khởi kiện vụ án tại tòa án.

Thường trực Ủy ban Tư pháp lý giải, quy định như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước.

Mặt khác, khi giải quyết vụ án hành chính tòa án phải xem xét, nghiên cứu toàn diện, khách quan vụ án, thu thập, đánh giá các chứng cứ, kể cả việc trưng cầu ý kiến tư vấn của các nhà chuyên môn, chuyên gia… trong tất cả các lĩnh vực để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án trước khi ra bản án, quyết định.

Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng: việc căn cứ vào tính chất chuyên môn của loại khiếu kiện để quy định loại việc này phải được xem xét giải quyết tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện tại tòa án vừa không có cơ sở khoa học vừa không có ý nghĩa thực tiễn, làm hạn chế quyền tự do lựa chọn của công dân, thời gian giải quyết vụ việc bị kéo dài…

Trong khi đó, cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật lại tán thành với đề nghị quy định đối với các khiếu kiện về hành vi hành chính, khiếu kiện về một số loại việc có tính chuyên môn sâu như: lĩnh vực thuế, sở hữu trí tuệ… lĩnh vực mà luật chuyên môn sâu như: lĩnh vực thuế, sở hữu trí tuệ… lĩnh vực mà luật chuyên ngành quy định phải qua thủ tục khiếu nại tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện ra tòa án. Ngoài ra, việc khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu QH và danh sách cử tri bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân thì phải qua thủ tục khiếu nại tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện tại tòa án…

Đồng tình với Ủy ban Tư pháp, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH phát biểu: Tôi tán thành quyền khiếu nại ở bất cứ giai đoạn nào. Trước đây, khi có luật khiếu nại tố cáo, để bảo đảm cam kết của các nước khi gia nhập WTO, chúng ta đã phải sửa luật khiếu nại tố cáo: công dân được quyền khiếu nại, tố cáo ra tòa bất cứ giai đoạn nào. Cho nên khi xây dựng luật này thì cũng nên theo hướng đó.

Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của QH, cho biết: một số loại việc phức tạp, mà hiện nay là chiếm đa số, thực tế có khoảng 70-80% là khiếu kiện về đất đai, nếu khiếu kiện này mà tòa hành chính gánh được một bước thì cũng nhẹ, nếu ngay lập tức ra tòa thì nặng lắm.

Tuy nhiên, thủ tục phải rất minh bạch - ông Vượng nói -  ví dụ, khi khởi kiện ra tòa, đương sự phải xuất trình quyết định giải quyết của cơ quan hành chính, đồng thời cơ quan giải quyết khiếu nại phải chuyển toàn bộ hồ sơ đã xác minh cho tòa án. Nếu không thì sẽ rất lãng phí, phải tận dụng kết quả mà cơ quan hành chính đã làm.

Ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nghiêng về quy định một số lĩnh vực vẫn phải thông qua cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện ra tòa án với lý lẽ: Luật hiện hành đã quy định phải qua tòa án chuyên ngành để giải quyết khiếu nại mà đưa thẳng ra tòa hành chính để giải quyết thì tất cả luật hiện hành có liên quan phải sửa hết, nếu không sẽ làm trái luật.

Ngoài ra, theo ông Bình, có những vấn đề chuyên sâu rất khó để tòa án hành chính giải quyết ngay. Ví dụ liên quan đến vấn đề y tế nếu không có xét nghiệm, giám định mà tòa hành chính không làm được thì sẽ dẫn tới khiếu kiện kéo dài.

Quan điểm tạo mọi điều kiện để công dân khởi kiện ra tòa thì tòa án cũng ủng hộ nhưng phải đảm bảo tính ổn định - ông Bình nói.

Phát biểu kết luận buổi họp, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định: đây là dự án luật có ý nghĩa quan trọng liên quan đến quyền tự do của công dân mà cử tri cả nước đang rất trông chờ.

Về điều kiện khiếu kiện, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng cho rằng cần có sự đổi mới mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi khởi kiện lên thẳng tòa án chứ không phải thông qua cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới khởi kiện ra tòa án.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.