Tư duy “một kẹo” vẫn đang phổ biến

19/07/2010 14:20 GMT+7

Chưa có kết quả thi đại học nhưng một học sinh đã tự tử chỉ vì làm bài không tốt. Những năm gần đây, mỗi khi có kết quả thi Đại học lại có một số học sinh thi trượt tìm đến cái chết. Thực trạng đó khiến Giáo sư Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á suy tư nhiều và tìm cách lý giải gốc rễ của vấn đề.

Giáo sư Phạm Đức Dương tâm sự: Áp lực của gia đình và xã hội đang đè nặng lên các em học sinh nhất là trước ngưỡng cửa thi Đại học. Việt Nam ta chịu ảnh hưởng của Nho giáo, vốn có truyền thống học hành thi cử để làm quan.

Mặt phải của truyền thống này là đào tạo ra những người quản lý có học nhưng mặt trái của nó là tâm lý coi khoa cử như con đường tiến thân gần như duy nhất, danh giá nhất để thoát khỏi nghèo hèn và lao động chân tay. Nền giáo dục Đại học của ta lại quá bóp chặt đầu vào và … “vô tư” về đầu ra. Chính vì sự nghiệt ngã của đầu vào khiến cho nhiều học sinh chỉ cần thi đại học không làm bài tốt, cũng có thể tự tử vì không chịu nổi áp lực. Dĩ nhiên, đó chỉ là số ít, nhưng cứ sau mỗi mùa thi đại học lại có những học sinh tử tử vì thi trượt khiến chúng ta không khỏi trăn trở.

Thưa ông, quan niệm xem tấm bằng đại học là thước đo của sự thành đạt, thậm chí là mục đích chứ không phải phương tiện, đã ăn vào cốt tủy của nhiều bậc phụ huynh. Là một giáo sư giảng dạy đại học hơn 30 năm nay, chắc ông sẽ rất buồn và thất vọng, nếu con ông không đỗ đại học?

Tôi thì khác. Con trai tôi thi không đỗ đại học, tôi không buồn lo. Tôi hướng cho con tôi đi công nhân. Nó học nghề hai năm thành thợ hàn bậc 4/7 tham gia xây dựng cầu Chương Dương. Sau đó, nó đi nghĩa vụ quân sự ba năm rồi ra quân vào làm thợ máy trong Viện nghiên cứu Đông Nam Á. Từ anh thợ máy nó thi vào đại học tại chức, rồi từ tấm bằng tại chức được chuyển đổi thành Đại học chính quy, từ tấm bằng chính quy nó thi cao học. Nó đậu cao học và trở thành thạc sỹ. Từ thạc sỹ, con tôi lại làm nghiên cứu sinh và sắp trở thành tiến sỹ. Nó đang là phó phòng của Viện nghiên cứu Đông Nam Á.

Con gái tôi cũng trượt Đại học, tôi cho vào học Cao đẳng Sư phạm ở Đà Lạt. Tốt nghiệp thành cô giáo, cũng từng xung phong vào vùng sâu vùng xa xóa mù, sau đó được điều về làm chánh văn phòng huyện ủy và bây giờ là hiệu trưởng trường Đại học Đà Lạt…

Từ câu chuyện lập nghiệp của hai đứa con tôi, tôi nghiệm ra rằng, có rất nhiều con đường để đến với giảng đường Đại học, có đường thẳng, có đường vòng và có những đường khúc khuỷu, quanh co nhưng nếu có ý chí thế nào cũng sẽ đi đến đích. Trượt đại học không phải là thảm họa, một cánh cửa này khép lại sẽ có cảnh cửa khác mở ra. Suy cho cùng thì cuộc sống chính là trường Đại học chân chính nhất…

Nhiều học sinh trượt đại học đã bị trầm cảm nặng, một số em tự tử vì không tìm được sự chia sẻ cảm thông trong chính ngôi nhà của mình. Hình như sự truyền thông của cha mẹ và con cái trong nhiều gia đình bây giờ vẫn đang mang tính áp đặt ?

Người Á Đông vẫn có quan niệm sinh con đẻ cái như một cách kéo dài cuộc đời hữu hạn của mình. Họ muốn con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, vì thế mà thường áp đặt lên con cái. Tôi đúc kết thấy 10 câu nói của các bậc cha mẹ thì có 7 câu bắt đầu bằng “con phải thế này, con phải thế kia!”. Nhưng đã có áp đặt tất phải có phản ứng. Tôi nghiên cứu phản ứng của trẻ con, thấy rất thú vị.

Tôi có hai đứa cháu, một đứa tên Hiền một đứa tên Thảo. Khi bố mẹ bắt làm việc gì đó, Hiền cứ im lặng không nói gì nhưng cứ theo ý nó mà làm, còn Thảo thì khóc cho đến lúc bố mẹ phải đổi ý. Muốn tránh áp đặt, theo tôi phải giáo dục bằng cách nêu gương. Một tấm gương sáng hơn nghìn lời giáo huấn trống rỗng. Phải luôn tìm cách chia sẻ, tâm tình với con cái, phải “phá băng” để mỗi người trong gia đình không phải là một thế giới riêng khép kín.

Khi thất bại, giới trẻ dễ lâm vào bế tắc, do những điều họ được dạy dỗ thiên về lý tính, nặng về lợi hại hơn là những là những giá trị của cảm xúc và tinh thần?

Một nhà tâm lý học đã làm một thí nghiệm: ông mời các em học sinh lớp 1 đến phòng mình và đưa ra đĩa kẹo. Ông bảo: “Bác có việc phải đi, nếu cháu nào không đợi được thì cho ăn một cái kẹo. Còn cháu nào đợi được bác về sẽ được hai cái kẹo”. Khi nhà tâm lý học vừa ra khỏi phòng, một số em đã lấy ngay kẹo để chén, một số khác thì “hoãn sự sung sướng lại” chờ giáo sư về để nhận hai cái kẹo.

Suốt mấy chục năm sau, nhà tâm lý học vẫn theo dõi đường đời của các em học sinh ấy và nhận thấy đa số những em ăn kẹo khi ông vừa ra khỏi phòng đều “lôm côm”, trong khi những em “hoãn được sự sung sướng” thể hiện được năng lực kìm chế và ý chí kiên định thì thành đạt hơn.

Nhưng hình như tư duy “vồ” ngay cái kẹo thứ nhất để ăn mà thiếu ý chí, tầm nhìn để nhận được “hai cái kẹo” vẫn đang phổ biến và tác động đến lớp trẻ bây giờ?

Tôi nghĩ là vậy.

Cảm ơn ông

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.