Bệnh đường hô hấp ở trẻ

15/07/2010 15:51 GMT+7

Năm nay thời tiết diễn biến quá phức tạp, đặc biệt là nắng nóng kéo dài ở miền Bắc, miền Trung khiến nhiều loại bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng đáng ngại nhất là trẻ em.

Viêm cấp

Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính đang có xu hướng gia tăng, khiến số trẻ mắc bệnh và nhập viện ngày càng nhiều. Có thể là viêm đường hô hấp trên như viêm họng đỏ, thanh quản, viêm VA, viêm mũi, xoang; còn viêm đường hô hấp dưới bao gồm viêm khí quản, phế quản, viêm phổi.

Trong các loại bệnh viêm đường hô hấp thì viêm cấp tính là đáng lo ngại nhất, vì bệnh sẽ diễn biến rất phức tạp, nhất là viêm cấp tính đường hô hấp dưới. Nguyên nhân bệnh do vi-rút chiếm tỷ lệ cao hơn cả, thường khởi phát rất rầm rộ như sốt cao, dễ dẫn đến trẻ bị co giật, vật vã, có thể bị rối loạn tiêu hóa, mọi thuốc kháng sinh đều không có tác dụng. Viêm đường hô hấp cấp tính do vi-rút dễ gây biến chứng nguy hiểm. Còn vi khuẩn gây viêm đường hô hấp cấp tính hay gặp nhất là các loại vi khuẩn bình thường vẫn cư trú ở đường hô hấp của trẻ, nhưng khi có điều kiện thuận lợi thì chúng liền gây bệnh (vi khuẩn gây bệnh cơ hội) như vi khuẩn Hemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae hoặc Staphylococcus. 

Chăm sóc

Khi trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính còn liên quan đến thời tiết, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, tình trạng sức khỏe của trẻ như trẻ bị còi xương suy dinh dưỡng, trẻ hay ốm đau thì rất dễ mắc bệnh như viêm phế quản, viêm phổi cấp tính... Vì vậy khi thời tiết nắng nóng, các bậc phụ huynh cần quan tâm không để trẻ ra ngoài nắng - nhất là lúc nắng gay gắt (buổi trưa, xế chiều), không cho quạt hướng thẳng vào trẻ khi trẻ chơi hoặc đang nằm ngủ. Không cho trẻ ở trong phòng máy lạnh có nhiệt độ thấp vượt quá xa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời (ngay cả trẻ em lớn), và cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho trẻ.

Khi trẻ bị sốt cần kẹp nhiệt độ. Tốt nhất là cặp nhiệt độ ở khóe miệng (nhưng cẩn thận không để trẻ làm vỡ cặp nhiệt độ rất nguy hiểm), hoặc cặp nhiệt ở hậu môn. Khi nhiệt độ vượt quá 37,5 độ C, cần làm giảm thân nhiệt bằng cách lau nước ấm (nhiệt độ của nước thấp hơn nhiệt độ của trẻ khoảng 2 độ) ở trán, nách, bẹn và cần cho trẻ uống nhiều nước. Nước uống tốt nhất là nước cam, chanh tươi.

Nếu nhiệt độ của trẻ không thuyên giảm, thậm chí còn tăng lên thì khẩn trương cho trẻ đi khám bệnh ở cơ sở y tế gần nhất, không nên tự mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống.

PGS-TS Bùi Khắc Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.